Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam nếu làn sóng COVID-19 thứ ba xảy ra?

Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng 1,5% - 2% hoặc thấp hơn trong cả năm 2020.

Trong kịch bản lạc quan và được cho là có khả năng xảy ra, được Chính phủ xây dựng, nền kinh tế Việt Nam xác định mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 vào khoảng 6%. Con số này được dự đoán trong bối cảnh, COVID-19 được kiểm soát, vaccine cho hiệu quả tốt và kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, việc xuất hiện ca nhiễm mới ngoài cộng đồng tại TP.HCM đã khiến nền kinh tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gặp khó. 

Xuất siêu kỷ lục, công nghiệp khởi sắc

Theo số liệu mới cập nhật của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào hoàn tất thu hoạch lúa mùa trên cả nước và gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Tổng cục nhận định, tình hình chăn nuôi tiếp tục phát triển khá nhưng dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp của tại nhiều địa phương. Ngành thủy sản có nhiều thuận lợi khi cá tra nguyên liệu duy trì được mức giá tốt, sản lượng nuôi trồng tôm nước lợ tăng khá do giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu .

Nông nghiệp Việt Nam đang có diễn biến tốt, nhiều mặt hàng được mùa và được cả giá. Ảnh: Petro Times
Nông nghiệp Việt Nam đang có diễn biến tốt, nhiều mặt hàng được mùa và được cả giá. Ảnh: Petro Times

Trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tiếp tục khởi sắc. Tính chung 11 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm nay đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Trong tháng 11/2020, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt con số lớn trong đại dịch nhưng nhiều nhóm hàng có xu hướng chững lại. Đồ hoạ: Tất Đạt
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt con số lớn trong đại dịch nhưng nhiều nhóm hàng có xu hướng chững lại. Đồ hoạ: Tất Đạt

Vận tải tăng 2,3% về lượng hành khách vận chuyển và tăng 5,3% về lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Đặc biệt, khách quốc tế đến nước ta tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11 đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,5% hoặc thấp hơn?

Trước khi tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, nhiều tổ chức đã có dự báo kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam từ trước.

Hồi cuối tháng 7/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản kinh tế trong năm nay. Trong đó, kịch bản bi quan nhất là “làn sóng dịch COVID-19 thứ 2” bùng phát tại một số nước, đại dịch không thể kiểm soát và khống chế cho đến hết năm 2020, bất chấp nỗ lực ứng phó của chính phủ các nước.

Khi đó, dự báo doanh thu du lịch Việt Nam giảm đến 75-85%; xuất-nhập khẩu giảm 5.5-8% so với mức không có dịch bệnh; đầu tư bị ảnh hưởng mạnh khi tâm lý e ngại tăng mạnh, giải ngân FDI giảm từ 7-8%,… Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,5%.

Tuy nhiên kinh bản này lại được giả định khi dịch bệnh tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng, trong các dự báo về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020, kịch bản của CIEM được đánh giá là thận trọng và có phần kém lạc quan nhất.

“Báo cáo của CIEM cũng nhấn mạnh số đợt dịch là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế 2020. Cá nhân tôi cho rằng, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 như hiện nay, ngay cả mức tăng trưởng GDP 2,1% cũng là rất khó khăn”, ông chia sẻ trên tờ Thời báo Tài chính hồi đầu tháng 8/2020.

Bên cạnh đó, dự báo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chỉ rõ triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch trong nước và trên thế giới. Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc

VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8%, khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.

Cần xây dựng nhiều kịch bản kinh tế

Thời gian vừa qua, việc chuẩn bị kịch bản đa dạng cho kinh tế Việt Nam đã được nhiều chuyên gia, đại biểu, ban ngành nhắc tới.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân từng phân tích trên báo Đầu Tư rằng: “Trước khi COVID-19 xuất hiện, chúng ta đã thành công và đạt được hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua. Nền kinh tế liên tục tăng trưởng từ 6,2% lên 6,8% rồi 7%, kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc, nhưng rồi năm 2020, một "biến" bất thường xuất hiện. Đó là COVID-19”.

"Biến" COVID-19 khiến nền kinh tế mất đi khoảng 500.000 tỷ đồng. Ảnh: Báo Giao Thông

Vì “biến” COVID-19, theo tính toán của ông Ngân, nền kinh tế mất đi khoảng 500.000 tỷ đồng. Do đó, khi xây dựng kế hoạch 2021, cũng như kế hoạch 2021-2025, phải thận trọng với “biến” này.

Ông Ngân đã đề xuất, Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản kinh tế. Một kịch bản tốt nhất là, COVID-19 được kiểm soát, vaccine phát sinh hiệu quả và kinh tế thế giới phục hồi, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6,7% - 6,8%. Một kịch bản khác là vaccine không hiệu quả, COVID-19 có thể tái phát, kinh tế thế giới suy thoái kép, nền kinh tế trong nước chỉ đạt mức tăng trưởng 4% - 4,5%.

Bà Dabla Norris, đại diện Vụ châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từng đưa ra lời khuyên, Việt Nam nên linh hoạt điều chỉnh quy mô và cơ cấu hỗ trợ chính sách. Đại diện IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều bất trắc, như khả năng bùng phát dịch trở lại, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và phá sản, căng thẳng trong thị trường lao động và khu vực ngân hàng.

Kinh tế Việt Nam tuy được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Nguồn: PwC
Kinh tế Việt Nam tuy được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Nguồn: PwC

Tại phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường trong khu vực và trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào cũng giữ vững được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương