Lần đầu tiên WTO có lãnh đạo là người gốc Phi

Tại phiên họp đặc biệt ngày 15/2, nhà kinh tế học người Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala đã được bầu làm Tổng giám đốc WTO.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala nữ tổng giám đốc đầu tiên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng là người gốc Phi đầu tiên đảm nhận chức vụ này.

okonjo-iweala-1(1).jpg
Bà Ngozi Okonjo-Iweala.

Tuyên bố của WTO có đoạn: "Các thành viên WTO vừa nhất trí bổ nhiệm Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala làm Tổng giám đốc tiếp theo". Tuyên bố lưu ý rằng bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria và từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ nhậm chức vào ngày 1/3 tới.

Phát biểu sau khi trúng cử, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh một WTO vững mạnh và nhạy bén sẽ đóng vai trò "sống còn" cho sự phục hồi của toàn cầu sau đại dịch COVID-19.

Bà nói: "Một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu chúng ta muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch COVID-19... Chúng ta có thể cùng nhau khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với những thực tế ngày nay".

Trước đó, người phát ngôn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 8/10/2020 thông báo, tổ chức này sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên. Hai ứng cử viên gồm bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và bà Yoo Myung-hee của Hàn Quốc đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng Giám đốc WTO.

Quá trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO bắt đầu từ ngày 14/5/2020, khi ông Roberto Azevedo thông báo sẽ từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm. Sau đó, ông đã rời nhiệm sở ngày 31/8/2020.

WTO là gì?

Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt WTO) là một tổ chức quốc tế đặt trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại.

Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Ngày 1/9/2013, Roberto Azevêdo được bầu làm Tổng giám đốc thay cho ông Pascal Lamy.

Tính đến ngày 29/7/2016, WTO có 164 thành viên. Mọi thành viên của WTO được yêu cầu phải cấp cho những thành viên khác những ưu đãi nhất định trong thương mại.

Trong thập niên 1990 WTO là mục tiêu chính của phong trào chống toàn cầu hóa. Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức WTO vào ngày 11/1/2007.

Nguồn: Wikipedia

P.V