Phạm vi ranh giới quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64 km2, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố (3 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; 2 thị xã: Tân Uyên, Bến Cát và 4 huyện: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên), TTXVN đưa tin.
Theo đó, nguyên tắc lập quy hoạch tỉnh Bình Dương phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, được quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch năm 2017. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của cả nước.
Đồng thời, nhiệm vụ xây dựng quy hoạch phù hợp với các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia , quy hoạch vùng Đông Nam bộ , quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên địa bàn tỉnh; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.
Một góc tỉnh Bình Dương. |
Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn; kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch (cấp quốc gia, vùng, đô thị, nông thôn).
Quy hoạch tỉnh Bình Dương phải đưa ra các quan điểm phát triển, tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới cho tỉnh; đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược; đề xuất danh mục các dự án đầu tư quan trọng cũng như chuẩn bị nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh theo các kịch bản khác nhau.
Đồng thời, quy hoạch tỉnh Bình Dương phải định hướng phân bố không gian có tính chiến lược các hoạt động kinh tế - xã hội , đặc biệt không gian cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu đặt trong tổng thể vùng, quốc gia và những khu vực có vai trò động lực phát triển của tỉnh.
Nội dung quy hoạch hướng đến tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ, thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nội dung lập quy hoạch cần định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, nội dung lập quy hoạch cần xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội ; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử -văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Thêm vào đó, quá trình lập quy hoạch cần đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/4/2020.