Nằm trên nóc tòa nhà số 1 quảng trường Times, quả cầu nổi tiếng này không đơn thuần là công cụ đếm thời gian. Nó đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của nước Mỹ. Vào lúc 23 giờ 59 phút 00 giây, quả cầu được thả trôi dọc theo một cây cột có thiết kế đặc biệt. Nó sẽ dừng lại vào đúng lúc nửa đêm để báo hiệu thời điểm bắt đầu năm mới. Quả cầu thời gian đã nhiều lần “lột xác” sau 114 năm tồn tại. Hiện nay, trọng lượng quả cầu đạt mức kinh ngạc 5,3 tấn, song cũng có lúc chỉ nặng vỏn vẹn 68 kg.
Quả cầu Quảng trường Times năm 2012. Ảnh: Times Square Alliance |
Người làm nên sức hút của quảng trường Times
Theo trang History.com, lịch sử quả cầu gắn liền với tòa soạn báo New York Times khi báo này chuyển về Phố số 46 giao với đại lộ Broadway vào năm 1904. Ông chủ tờ báo là Adolph S. Ochs tìm thấy nguồn cảm hứng với quả cầu tại tòa nhà Western Union. Tòa nhà này có quả bóng kim loại đường kính 3,5 mét được thả xuống từ ngọn tháp của tòa nhà để biểu thị thời gian vào buổi trưa mỗi ngày trong tuần. Ông Adolph S. Ochs quyết định thử vận may với “quả cầu thời gian”.
Khi mọi người đổ ra từ rạp hát, nhà hàng và xe điện để tới quảng trường Times vào ngày 31/12/1907, họ nhìn lên đỉnh của tòa nhà New York Times (hay còn gọi là số 1 quảng trường Times) và thấy một quả cầu làm bằng gỗ và sắt được thắp sáng rực bởi 100 bóng đèn điện. Trong lúc đám đông bắt đầu đếm ngược những giây cuối cùng của năm 1907, các công nhân dùng dây và ròng rọc chầm chậm hạ quả cầu nặng 315kg trôi dọc theo cái cột của tòa nhà cao thứ hai thành phố New York này.
Không giống quả cầu trên nóc nhà Western Union và những quả cầu tương tự biểu thị thời gian lúc chúng bắt đầu chuyển động, quả cầu trên tháp Times đánh dấu mốc thời điểm khi nó dừng chuyển động. Lúc chạm đến chân cột, con số 1908 rực sáng trên bức tường chắn của tòa nhà báo hiệu năm mới đã tới. Hoạt động thả cầu đếm ngược đã được đám đông đón nhận hơn trông đợi.
Màn thả cầu đếm ngược trên tháp Times nhanh chóng trở thành một truyền thống của đêm Giao thừa. Nghi thức này vẫn được duy trì đều đặn ngay cả khi tờ báo chuyển đến trụ sở khác vào năm 1913. Nó chỉ bị gián đoạn vào hai năm 1942-1943 khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra và thành phố New York phải hạn chế ánh sáng để tránh bị các tàu ngầm Đức đang lởn vởn trên Đại Tây Dương nhòm ngó.
Người dân tập trung tại Quảng trường Times đón Năm mới 2007. Ảnh AFP |
Những lần thay "áo mới"
Sau 114 năm hoạt động, quả cầu quảng trường Times đã nhiều lần thay “áo mới”. Quả cầu đầu tiên ra đời năm 1907, được làm từ sắt và gỗ với đường kính khoảng 1,5m và nặng 315kg. Một thợ kim khí tên là Jacob Starr đã thiết kế quả cầu này và thắp sáng bằng 100 bóng đèn. Khởi đầu những năm 1920, người ta đã thay thế quả cầu đầu tiên bằng một phiên bản sắt rèn nhẹ cân hơn, nặng chừng 180kg. Đến năm 1955, quả cầu thời gian nổi tiếng này được thiết kế lại, làm hoàn toàn bằng nhôm. Với trọng lượng 68kg, đây là năm mà quả cầu nhẹ nhất trong lịch sử.
Quả cầu nhôm đã giữ nguyên hiện trạng đến tận năm 1980. Khi đó, để tiến hành chiến dịch quảng cáo “Tôi yêu New York”, người ta đã gắn thêm bóng đèn đỏ và cuống lá màu xanh để biến quả cầu thời gian thành quả táo - biểu tượng của thành phố này. Trong 7 năm liên tiếp, người dân đã đón năm mới bằng cách theo dõi quả táo được hạ xuống dần dần từ ngọn tháp số 1 quảng trường Times. Sau khi chiến dịch trên kết thúc năm 1989, quả cầu lại quay về bóng đèn trắng ban đầu song được cải tiến đôi chút.
Thị trưởng New York Ed Koch kiểm tra quả cầu Big Apple Ball ngày 24/12/1981. Ảnh: AP |
Đến năm 1995, quả cầu được gắn thêm lớp vỏ nhôm, kim cương giả cùng đèn nháy. Quan trọng hơn hết, đây cũng là lần đầu tiên máy tính đảm nhiệm công việc hạ quả cầu. Quả cầu bằng nhôm này tiếp tục “cống hiến” đến hết năm 1998. Để đánh dấu thiên niên kỷ mới 2000, hai “ông lớn” Waterford Crystal và Philips Lighting đã bắt tay “lột xác” hoàn toàn quả cầu thời gian ở quảng trường Times. Waterford đã dùng 504 tấm pha lê hình tam giác để tạo hình quả cầu từ nhà xưởng của hãng này ở Ireland, sau đó mới chuyển đến New York.
Tiếp đến, quả cầu được gắn 600 bóng đèn sợi đốt halogen - công nghệ chiếu sáng mới nhất tại thời điểm đó. Đến năm mới 2008, đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm lễ hạ cầu truyền thống, “nhân vật chính” được thay mới toàn bộ bóng halogen bằng hệ thống 9.576 chiếc đèn LED hiện đại tiêu thụ điện năng chỉ tương đương với 10 máy nướng bánh mì. Các bóng đèn mới này có thể điều chỉnh độ sáng và đổi màu, khiến người theo dõi từ xa càng thêm phần mê hoặc.
Từ năm 2009 đến nay, quả cầu đã được làm to gấp đôi phiên bản năm 2007. Nó nặng 5,3 tấn, đường kính 3,7m. Nó được bao phủ bởi 2.688 miếng pha lê cùng với 32.256 bóng đèn LED, tỏa sáng 16 triệu màu rực rỡ. Hơn một thế kỷ kể từ lễ hạ cầu đầu tiên, quy trình hạ khối cầu pha lê sáng lấp lánh này đã được máy tính hóa cũng như cài đặt thời gian theo một chiếc đồng hồ nguyên tử để đảm bảo độ chính xác.
Từ năm 1996, ban tổ chức đã mời một vị khách mời đặc biệt - nhân vật này được chọn lựa hàng năm để ghi nhận đóng góp của họ đối với cộng đồng – kích hoạt sự kiện bằng cách nhấn vào chiếc nút nằm trên mô hình quả cầu thu nhỏ. Những vị khách này có thể là người nổi tiếng, dân thường hay có chức sắc. Ví dụ, năm 1999 - 2000, khách mời danh dự là tiến sĩ Mary Ann Hopkins thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới. Năm 2009 - 2010, 12 học sinh ưu tú ở thành phố New York đã được mời lên sân khấu cùng khởi động sự kiện với thị trưởng thành phố. Năm 2016 - 2017, khách mời là Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách xã hội
Thủ tướng: TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số nơi; tăng cường xét nghiệm hơn nữa.