Loạt quy định mới khi vay ngân hàng từ 1/9

Từ 1/9, hoạt động vay vốn ngân hàng được điều chỉnh theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước với nhiều quy định mới, được đánh giá tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận tín dụng một cách dễ dàng, thuận tiện.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư có hiệu lực từ 1/9 thêm điều kiện vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở…). Đồng thời, thông tư này cũng bổ sung về cho vay bù đắp tài chính, trong đó bao gồm cả cho vay bù đắp cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội.

Điều này có nghĩa là cho phép người dân được vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác (với nhiều mục đích vay hơn). Tác động này rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn, theo TPO.

Loạt quy định mới khi vay ngân hàng từ 1/9 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thông tư 06 cũng bổ sung thêm quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống sẽ được cấp hạn mức vay tối đa 100 triệu đồng, vay qua hình thức xác minh điện tử.

Điều này giúp cho rất nhiều khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ nhu cầu đời sống với điều kiện vay dễ dàng hơn. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, nguồn trả nợ là đã có thể được xem xét cho vay vốn.

Báo cáo của NHNN cho thấy, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, có khoảng 30 triệu khách hàng đang vay tiêu dùng với hạn mức vay trung bình 35-50 triệu đồng, với quy mô khoảng 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào thời điểm 31/12/2022.

Thông tư 06 mở ra một cánh cửa lớn để người vay vốn có thể tiếp cận được nguồn từ ngân hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng và giảm nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung, nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng.

Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong dư nợ kinh doanh bất động sản thì chủ yếu là dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 65%), còn dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%.

"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm", bà Giang nói.

Trước đó, Thông tư 06 có nội dung bổ sung phương án sử dụng vốn trong hồ sơ cho vay với các khoản vay mua nhà. Theo giới phân tích, điều này sẽ giúp thiết lập chặt hơn về quy trình, hồ sơ, kế hoạch trả nợ của khách, giúp cho ngân hàng giảm thiểu rủi ro. Tuy vậy, quy định đó lại tác động tới khả năng tăng trưởng tín dụng bất động sản.

Thông tư 06 cũng quy định rõ hơn về cho vay để bù đắp tiền cho các khoản vay trừ khi đã được chi trả bằng chính vốn của khách hàng cho các dự án (được hiểu là hạn chế cho vay để đảo nợ).

Thông tư này cũng đề xuất thêm một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó đáng chú ý bao gồm: đảo nợ; để gửi tiền; thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết; thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh...

(Tổng hợp)

AN LY