Lotte buông tay bánh kẹo Bibica sau gần 10 năm nội chiến, PAN hưởng lợi

Gần 10 năm nội chiến dai dẳng, Lotte bất ngờ tuyên bố thoái sạch vốn khỏi bánh kẹo Bibica. Động thái này được cho sẽ giúp ông Nguyễn Duy Hưng hưởng lợi.

Công ty Cổ phần Bibica ngày 24/12 đã thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan của người nội bộ. Cổ đông lớn Lotte Corporation đã quyết định thoái hết toàn bộ 44,03% vốn tại Bibica, tương ứng bán hết gần 6,8 triệu cổ phiếu. Phương thức giao dịch theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, với thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 29/12/2020 - 27/1/2021.

Như vậy, sau giao dịch, cổ đông Hàn Quốc này sẽ rút khỏi Bibica.

Nội chiến dai dẳng khi Lotte đặt chân vào Bibica 

Cơ cấu cổ đông của Bibica khá cô đặc, gồm Công ty Thực phẩm PAN do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch, nắm giữ 50,07% cổ phần; Lotte nắm giữ 44,03% cổ phần. Đây là 2 cổ đông lớn nhất. Khoảng 5% còn lại là các cổ đông trong nước và nước ngoài nắm giữ, bao gồm ông Kim Heung Soo sở hữu 1,18%, Polumin Discovery sở hữu 1,46%, và 3,27% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Chủ tịch HĐQT kiểm CEO Bibica vẫn là ông Trương Phú Chiến, nhà sáng lập Bibica. Ông Chiến đang sở hữu khoảng 2.000 cổ phiếu BBC.

Động thái thoái vốn bất ngờ của Lotte được cho là sẽ chấm dứt nội chiến suốt nhiều năm qua của doanh nghiệp bánh kẹo có thị phần thứ 2 Việt Nam. Ảnh: BBC
Động thái thoái vốn bất ngờ của Lotte được cho là sẽ chấm dứt nội chiến suốt nhiều năm qua của doanh nghiệp bánh kẹo có thị phần thứ 2 Việt Nam. Ảnh: BBC

Lotte trở thành cổ đông chiến lược của Bibica từ cuối năm 2007, với 30% cổ phần, và nâng lên 39% năm 2009. Ở thời điểm đó, theo thông tin từ ông Trương Phú Chiến, mục đích của Bibica khi bắt tay với đối tác Hàn Quốc này là để phát triển thương hiệu bánh kẹo Việt với công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông lớn nhất, từ năm 2012, cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra tại công ty bánh kẹo có thị phần thứ 2 thị trường, khi Lotte tham vọng đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica. Kế hoạch này  bị nhóm cổ đông trong nước gạt bỏ. Nhưng cũng từ đây, vị thế của Bibica liên tục sa sút.

Căng thẳng là giai đoạn 2012 – 2013, Bibica phải “cắn răng” nhập sản phẩm Lottepie (sản phẩm liên kết sản xuất giữa Bibica và Lotte) từ Hàn Quốc, với giá nhập bằng giá bán, trong thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 2/2012. Đồng thời, khi xuất khẩu sản phẩm phải do công ty con của Lotte thu mua hết, với giá mua thấp hơn giá vốn của Bibica gần 20%...

Cũng từ 2013, Lotte âm thầm thu gom cổ phiếu BBC, nâng tỷ lệ lên hơn 44%. 

Để tránh bị thâu tóm, các cổ đông Bibica đã quyết định bán 35% vốn cho nhóm cổ đông có liên quan tới Công ty Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng (sau này là PAN Food), để đối trọng với Lotte.

Phía PAN cho rằng Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F (từ nông trại đến bàn ăn) nhằm khai thác sâu ngành thực phẩm. Năm 2019, khi sở hữu hơn 50% cổ phần của Bibica, PAN đã đề ra mục tiêu nắm toàn bộ Bibica. Vào tháng 7/2019, PAN chào mua công khai hơn 7,7 triệu cổ phiếu BBC của Bibica, tương ứng tỷ lệ sở hữu 49,93%. Giá chào mua thời điểm đó dự kiến 68.500 đồng/cổ phiếu. Nhưng để mua được thành công, tất cả phụ thuộc vào cổ đông lớn Lotte.

 Bibica là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết sớm nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: BBC
 Bibica là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết sớm nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: BBC

PAN đã đạt được mục tiêu

Thời điểm PAN chào mua công khai hơn 7,7 triệu cổ phiếu BBC, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Giữ đúng cam kết đầu tư lâu dài và gìn giữ thương hiệu bánh kẹo Bibica , Tập đoàn PAN chào mua công khai để sở hữu 100%. Chắc chắn, trong nhiều chục năm nữa, sản phẩm Bibica tiếp tục quen thuộc với mọi nhà, Bibica giữ vững là công ty bánh kẹo nội địa số 1 Việt nam.

Thật vui khi đã giữ lại được một thương hiệu Việt, mặc dù thương hiệu Bibica không lớn như Sabeco hay Vinamilk. Giấc mơ sau 5 năm nữa, Bibica sẽ trở thành doanh nghiệp bánh kẹo số 1 Việt Nam, đặc biệt trên cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam”.

Với động thái hiện tại Lotte vừa đưa ra, PAN đã đạt được mục tiêu của mình, chính thức chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 8 năm tại Bibica.

Hiện cổ phiếu BBC đóng cửa phiên sáng 25/12 ở mức 62.000 đồng. Với gần 6,8 triệu cổ phiếu chào bán, Lotte dự kiến thu về hơn 421 tỷ đồng, đồng nghĩa khả năng PAN sẽ chi hơn 421 tỷ cho mục tiêu sở hữu phần còn lại của Bibica.

Năm 2020, Bibica đặt kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng. 3 quý đầu năm 2020, Bibica có doanh thu hơn 731 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên lợi nhuận lại tăng 15 tỷ đồng so với 3 quý đầu năm 2019, đạt gần 59 tỷ đồng. 

Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica tiền thân thuộc Công ty Cổ Phần Bánh Kẹo Biên Hòa, thành lập tháng 1/1999, từ việc cổ phần hóa 3 phân xưởng bánh, kẹo và mạch nha. Vốn điều lệ thời điểm ban đầu là 25 tỷ đồng. Trụ sở của công ty đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai. 

Cổ phiếu BBC của Bibica chính là một trong 10 mã chứng khoán đầu tiên niêm yết trên HoSE (từ tháng 12/2001), với mức giá đóng cửa phiên đầu tiên 27.000 đồng. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 3/10/2007, BBC đã xác lập đỉnh 110.000 đồng/cổ phiếu. Đỉnh lịch sử của cổ phiếu BBC lại thiết lập ngày 14/2/2017, với 120.000 đồng/cổ phiếu.

Sóng gió giữa PAN và Lotte ở Bibica

Năm 2018, khi PAN nắm quyền chi phối ở LBibica thì sóng gió lại nổi lên ở Bibica giữa 2 cổ đông lớn là PAN và Lotte. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, PAN, khi đó đã nắm hơn 50% cổ phần, không đồng ý thông qua đề xuất của nhóm cổ đông Lotte về việc công khai chi tiết dự án đầu tư Vĩnh Lộc 2 (TP.HCM). Với lý do việc triển khai chi tiết dự án đầu tư trong thời buổi có nhiều đối thủ cạnh tranh là không cần thiết.

Tiếp đó, tờ trình kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, với doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận 121 tỷ đồng, cũng không được thông qua do cổ đông Lotte phản ứng. Sau đó, PAN công khai chào mua hơn 7,7 triệu cổ phiếu BBC của Bibica.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương