“Luật chơi” nào cho những sản phẩm như của Sơn Tùng, Đen Vâu?

Có lẽ, đã đến lúc cần một bộ quy tắc có sự lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, không phải những quy định gây áp lực cho người làm sáng tạo…

Có lẽ, đã đến lúc cần một “luật chơi” mới rõ ràng và thống nhất hơn, một bộ quy tắc có sự lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, không phải những quy định, hình phạt áp đặt, gây nặng nề và áp lực cho người làm sáng tạo…

Thời đại kỹ thuật số, mọi biên giới và rào cản trong việc lan tỏa nghệ thuật gần như biến mất. Tại Việt Nam, người hâm mộ có thể theo dõi MV ca nhạc, sự kiện giải trí tận bên Mỹ theo đúng thời gian thật. Một MV, bài hát của một ngôi sao có thể tiếp cận hàng triệu lượt người xem sau chỉ ít tiếng đồng hồ xuất hiện trên Internet. Sự tiện dụng, lợi ích của công nghệ hiện đại là không thể nào phủ nhận, nhưng mặt trái của nó cũng là thứ gây ra rất nhiều tranh cãi, nhất là trong thời điểm gần đây.

MV “There’s no one at all” của Sơn Tùng M-TP bị “tuýt còi” ngay sau khi phát hành chính là một trong những “case truyền thông” gây tranh cãi nhiều nhất dịp tháng 5 vừa qua. Khoan nói tới những sai sót trong việc dán nhãn 18+, sử dụng những hình ảnh tiêu cực, án phạt này đã bộc lộ ra rất nhiều điều bất cập trong việc quản lý các sản phẩm nghệ thuật thời 4.0.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Án phạt dành cho Sơn Tùng có hiệu quả lớn về mặt răn đe, làm gương và chấn chỉnh hoạt động của nghệ sĩ. Nhưng ở chiều ngược lại, án phạt này lại tạo ra sự hoang mang, sợ sệt đối với một bộ phận không nhỏ người làm nghệ thuật, khi họ thực sự chưa hiểu rõ nguyên nhân để “án phạt” ra đời.

Về lý, rõ ràng cơ quan quản lý cũng như khán giả có quyền đưa ra một yêu cầu xử lý khi sản phẩm nghệ thuật “mắc lỗi”, giống như MV của Sơn Tùng. Nhưng nếu đã là luật thì buộc phải áp dụng cho tất cả, chứ không chỉ cho một cá nhân. Trong khi rất nhiều sản phẩm nghệ thuật khác cũng sở hữu những tình tiết giống hệt nhưng lại không bị xử lý, thậm chí còn không được quan tâm, câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chúng ta đã thực sự xử lý vấn đề một cách hiệu quả chưa? Hay đang xây nhà từ nóc?

Sử dụng hình ảnh tự sát là tiêu cực, là “bị tuýt còi”, vậy còn những hình ảnh mang ý nghĩa tương tự thì sao? Tại sao cùng là sản phẩm nghệ thuật chứa hình ảnh tiêu cực, nhưng có sản phẩm lại bị xử lý nặng tay, còn có sản phẩm lại được công chiếu bình thường? Hình ảnh tự sát vốn được sử dụng rất phổ biến trong nhiều sản phẩm nghệ thuật và tự sát kiểu nào mới… không bị phạt?

Không ít người có cảm giác có một sự cảm tính nhất định trong án phạt của Sơn Tùng và sự mịt mờ trong nguyên nhân bị phạt. Không có một quy chuẩn đủ minh bạch về những điều được làm và không được làm khi sáng tạo nghệ thuật, dẫn tới kết quả là những trường hợp bị xử lý “điểm” kiểu Sơn Tùng và vô số trường hợp còn lại “lọt lưới”. Quan trọng hơn, với chế tài quản lý các sản phẩm nghệ thuật online hiện nay, chúng ta đang bắt tay vào việc khi “chuyện đã rồi”. Sản phẩm đã lên sóng, cả triệu người đã xem và những sai lầm nếu có - cũng đã đủ thời gian ảnh hưởng tới đám đông rồi…

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

MV mới mang tên “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu cũng đang gặp sự cố với phần lời bị cho là “tiêu cực”, “cổ súy bạo lực” và nam rapper nổi tiếng cũng đã phải đưa ra lời giải thích cũng như nhận lỗi. Là chủ nhân MV, tất nhiên Đen sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính cho sản phẩm, giống Sơn Tùng.

Nhưng câu hỏi được người hâm mộ đặt ra một lần nữa chính là: Ngoài nghệ sĩ, ai là người chịu trách nhiệm khi những sản phẩm “lỗi” đến được với đám đông, không qua kiểm duyệt? Tại sao ngoài cách xử phạt khi dư luận lên tiếng, không có một cơ chế kiểm duyệt đủ rõ ràng, minh bạch, giúp “lọc” sạn ở các sản phẩm nghệ thuật online trước khi nó đến với hàng triệu con người?

Và nếu đã ban hành một “luật chơi” mới rõ ràng và thống nhất hơn, không phải một “luật chơi” áp đặt, gây nặng nề và áp lực cho người làm sáng tạo, cũng như phải bảo đảm luật chơi này được áp dụng với tất cả người làm nghệ thuật một cách công bằng, không chỉ riêng cho Sơn Tùng, Đen Vâu hay ngôi sao nào hết.

Và trên hết, quan trọng hơn, án phạt không thể được dùng một cách ngẫu hứng, nhất thời, mà sẽ phải dùng như những tấm biển chỉ dẫn giúp người làm nghệ thuật đi đúng hướng. Đó mới là điều cần thiết, hơn là những án phạt chạy theo các sai lầm…

Lâm Nguyễn

MV There's No One At All của Sơn Tùng chính thức bị gỡ khỏi nền tảng YouTube

MV There's No One At All của Sơn Tùng chính thức bị gỡ khỏi nền tảng YouTube

Trước đó, người dùng tại Việt Nam khi tìm kiếm ca khúc này trên YouTube sẽ hiện thông báo "Video không không khả dụng tại quốc gia này".