Lý do bị cưỡng chế công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise?

Paradise là công ty liên doanh giữa phía Việt Nam là công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và công ty Paradise Development and Invesment (Đài Loan, Trung Quốc), được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư năm 1991, tổng vốn đầu tư là 97,2 triệu USD, thời hạn dự án là 25 năm.

Công ty Liên Doanh Vũng Tàu Paradise (số 1 đường Thùy Vân, TP.Vũng Tàu) mở tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh Vũng Tàu.

Ngày 25/3, tin từ Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đơn vị này vừa ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng đối với công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise. Lý do bị cưỡng chế là do công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 9,5 tỷ đồng. Được biết quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 23/3 đến 21/4.

Công ty này được thành lập bởi phía Việt Nam là Công ty CP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Công ty CP Dịch vụ Du lịch Quốc tế Vũng Tàu) với bên nước ngoài là Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan-Trung Quốc).

Mục tiêu của dự án là xây dựng khu văn hóa thể thao và du lịch tại khu vực Hàng Dương, Thùy Vân, Bãi Sau của TP.Vũng Tàu. Dự án gồm khách sạn 1.500 phòng và công trình dịch vụ đi kèm; khu thể thao dưới nước, bể bơi lướt ván, thuyền buồm, nhảy dù nhào lặn, câu cá; công viên giải trí gồm làng dân tộc thiểu số Việt Nam, Trung tâm ca múa nhạc dân tộc Việt Nam, vườn chơi trẻ em, múa nước; một sân golf 27 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế; công viên nước.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư về đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc chấm dứt dự án khu du lịch Vũng Tàu Paradise. Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án Vũng Tàu Paradise đã hết thời hạn hoạt động và thời hạn sử dụng đất.

Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định phương án xử lý, hỗ trợ tỉnh giải quyết số tiền thuê đất phát sinh.

Dự án này dù đã hết thời hạn nhưng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không cho gia hạn thêm. Bởi theo lý giải của tỉnh, dự án có tổng diện tích đất được giao 220ha, nhưng nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Hơn nữa, trong quá trình xây dựng dự án, 2 bên công ty liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh như bên nước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn theo quy định, không thống nhất về việc đăng ký lại doanh nghiệp và điều chỉnh thời hạn hoạt động của liên doanh.

Đến thời điểm gần hết thời hạn hoạt động (năm 2016 theo giấy phép đầu tư), hai bên liên doanh cũng chưa thống nhất để đưa ra được quyết định chung về kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án, các bên trong liên doanh đơn phương có các văn bản kiến nghị được cơ cấu lại doanh nghiệp (huy động các nhà đầu tư khác) để chứng minh năng lực xin thực hiện dự án thêm 50 năm.

Tổng Hợp