"Mắt biếc" của Nguyễn Nhật Ánh - lấp lánh bản tình ca tuổi học trò

"Mắt Biếc" không chỉ nói đến Ngạn, đến Hà Lan, Trà Long… mà còn gửi gắm tâm tư cả một thế hệ. Sự gắn bó hay bứt ra khỏi cội rễ nguồn gốc của mỗi cá nhân

Tôi đọc Nguyễn Nhật Ánh không ít, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, bởi ở những tác phẩm của ông, bất kỳ ai đọc cũng như thấy thấp thoáng mình trong đó với những mộng mơ, những mối tình trong sáng, e ấp của tuổi học trò. Nhưng tác phẩm để lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhất có lẽ là “Mắt biếc”, một tác phẩm được dịch sang tiếng Nhật và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Nhiều người nói, đọc mắt biếc bị day dứt, ám ảnh bởi bản tình ca buồn của mối tình Ngạn - Hà Lan. Điều đó tôi nghĩ không sai, nhưng với tôi khi đọc “Mắt biếc”, điều đầu tiên cảm nhận đó là cả một bầu trời tuổi thanh xuân quá vãng hiện về. Xuất bản lần đầu năm 1990, nhưng đến tận lần tái bản 2003 - khi đã qua tuổi học trò tôi mới đọc tác phẩm này.

Có lẽ vì vậy, điều đầu tiên cuốn hút tôi “Mắt biếc” chính là những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ mà nhân vật Ngạn kể lại. Khung cảnh làng quê với cành đồng rập rờn sóng lúa, nồng nàn mùi phân bò và mùi đất ải, những trận đòn roi, những trò ngỗ nghịch, những lần lẻn vào vườn ông Cửu Hoành nhặt thị, những lần tắm ở giếng Cây Duối, vào rừng Sim hái trâm, lớp học vỡ lòng của thầy Phu… tất cả khiến tôi thấy tuổi thơ của mình trong đó.

Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh ra đời năm 1990, nhưng vẫn luôn đong đầy cảm xúc với nhiều thế hệ độc giả, nhất là độc giả trẻ
Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh ra đời năm 1990, nhưng vẫn luôn đong đầy cảm xúc với nhiều thế hệ độc giả, nhất là độc giả trẻ

Đọc “Mắt biếc”, những trang viết đầu tiên, tôi từng nghĩ Ngạn và Hà Lan là đôi bạn thanh mai trúc mã, sẽ có một mối tình với kết thúc tốt đẹp. Vậy nhưng, câu chuyện tình ấy đã có một kết thúc thật buồn với nhiều nuối tiếc. Ngôi làng Đo Đo ấy giống với nhiều ngôi làng ở các vùng thôn quê Việt Nam nghèo khó nhưng ấm áp tình người.

Ngạn và Hà Lan lớn lên bên nhau từ những ngày thơ ấu. Theo năm tháng, tình bạn trong sáng dần biến thành tình yêu thầm lặng của Ngạn đối với Hà Lan. Hai người ra thành phố học, Hà Lan nhanh chóng bị thu hút bởi những xa hoa rực rỡ chốn thị thành yêu chàng công tử nhà giàu nhưng thiếu nhân cách tên Dũng. Bị Dũng bỏ rơi với cái thai trong bụng khi mới mười bảy tuổi, Hà Lan sinh con gái Trà Long - một cô bé có đôi mắt biếc đẹp hệt như mẹ.

Ngạn đã dành hết tình yêu thương để quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ cho cô bé Trà Long. Trà Long đẹp như mẹ nhưng tính cách có phần thâm trầm và gắn bó với mảnh đất Đo Đo quê ngoại của cô. Suốt thời thơ ấu Trà Long bên Ngạn giống như Hà Lan mẹ cô đã từng. Nhưng khác với mẹ, rời quê lên thành phố và không trở về thì Trà Long lại chọn lựa quay trở về mảnh đất quê hương để làm cô giáo. Rồi tình yêu giữa Ngạn và Trà Long nảy nở, dù cả hai chưa một lần nói đến tiếng yêu.

Hẳn bạn đọc sẽ nghĩ Ngạn sẽ tìm lại được tình yêu và tuổi thanh xuân của mình với Trà Long. Nhưng, ở phút giây quyết đinh, Ngạn chợt bừng tỉnh, khi không biết thực sự là anh yêu Trà Long hay yêu cái bóng của Hà Lan - người con gái đầu đời đã khắc sâu trong ký ức. “Tôi cứ ngỡ tình xưa đã tắt, chiều hôm qua tôi bỗng thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng. Tôi đã hiểu ra mối tình tôi với Trà Long chẳng qua chỉ là sự nối dài của mối tình tôi với Hà Lan qua một hình bóng khác”. Ngạn chọn cách ra đi, xa Trà Long, xa mảnh đất Đo Đo mà anh từng gắn bó.

Ngạn và Hà Lan trong phiên bản điện ảnh của Victor Vũ
Ngạn và Hà Lan trong phiên bản điện ảnh của Victor Vũ

Mối tình của Ngạn và Hà Lan không thành tôi nghĩ trước hết là do sự khác biệt giữa tính cách nhân vật. Hà Lan là cô bé bướng bỉnh, ngang ngạnh và luôn mơ về thành phố rực rỡ. Còn Ngạn lại có tính cách thâm trầm, rụt rè, luôn gắn bó với quê hương nguồn cội. So với Hà Lan thì Ngạn có phần quê mùa, “quê mùa từ cách ăn mặc đến cách tỏ tình. Bây giờ chẳng còn ai tỏ tình bằng cách bõ công ngồi gảy đàn và rụt rè hát lên những lời bóng gió”.

Nguyễn Nhật Ánh, không chỉ nói đến Ngạn, đến Hà Lan, Trà Long… mà qua đó gửi gắm tâm tư cả một thế hệ. Sự gắn bó hay bứt ra khỏi cội rễ nguồn gốc của mỗi cá nhân. Không chỉ Hà Lan mà chị Hạnh, Hòa con thầy Phu, chị Quyên cũng đã rời làng ra thành phố lập nghiệp. Chỉ có Ngạn vẫn đau đáu với mảnh đất quê hương nơi gắn bó nhiều kỷ niệm của mối tình đầu là quay về làm anh giáo làng. Và sau này là Trà Long, cô bé luôn nhớ về tuổi thơ và kỷ niệm, về những người thân yêu, trong đó có Ngạn nên cũng đã quay về.

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều từng có thời thanh xuân với một bóng hình trong tim mà lặng thầm không dám nói. Dù có đi hết cả cuộc đời thì hình bóng ấy vẫn đẹp đẽ, như đốm lửa nhỏ trong tim thắp sáng và giúp ta vượt qua những buồn đau, vùi dập của cuộc đời. Thứ tình cảm ấy có thể chẳng gọi thành tên, nhưng mỗi lần nhớ đến vẫn thấy ấm áp lạ lùng.

Tôi qua tuổi học trò đã lâu, cũng đã qua những năm tháng thanh xuân đẹp đẽ nhất. Thế nhưng, ánh mắt và tờ thư trong ngăn bàn năm nào của cậu bạn lớp bên vẫn cứ lấp lánh trong tim mỗi lần về thăm trường cũ. Có lẽ vì vậy, đọc “Mắt biếc” tôi không quá bị ám ảnh bởi kết thúc buồn của mối tình Ngạn - Hà Lan mà chỉ thấy sự trong trẻo, ấm áp của mối tình này.

Phạm Ngọc

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

'Mắt Biếc' vừa tung teaser đầu tiên cho bộ phim tình cảm lãng mạn do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.