Mỗi năm thu hơn 10.000 tỷ đồng, Gamuda Land vẫn nợ thuế dai dẳng hơn 500 tỷ tại TP.HCM

Dù có doanh thu lên đến 10.100 tỷ đồng tại Celadon City và Gamuda City, nhưng Gamuda Land vẫn đang nợ dai dẳng 541 tỷ đồng tiền thuế tại TP.HCM.

Theo báo cáo đánh giá công tác quản lý thuế tháng 10/2020 của Cục Thuế TP.HCM, các trường hợp nợ thuế lớn và kéo dài đa số là doanh nghiệp bất động sản. Đứng đầu là Công ty Cổ phần Gamuda Land HCMC. Doanh nghiệp bất động sản này nợ 541 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất 421 tỷ đồng và tiền chậm nộp 120 tỷ đồng.

Celadon City bị Thanh tra Chính phủ chỉ điểm

Công ty Cổ phần Gamuda Land HCMC cùng Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam là hai pháp nhân độc lập được Tập đoàn bất động sản Gamuda Land thành lập, để tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam. Còn Gamuda Land là bộ phận phát triển bất động sản đến từ Tập đoàn Gamuda Berhad, một trong những tập đoàn hàng đầu về xây dựng và hạ tầng của Malaysia.

Hiện Gamuda Land HCMC và Gamuda Land Việt Nam đang phát triển hai dự án lớn, là Celadon City (Tân Phú, TP.HCM) và Gamuda City (Hoàng Mai, Hà Nội).

Gamuda Berhad là một trong những tập đoàn hàng đầu về xây dựng và hạ tầng của Malaysia. Ảnh: The Star
Gamuda Berhad là một trong những tập đoàn hàng đầu về xây dựng và hạ tầng của Malaysia. Ảnh: The Star

Dự án Celadon City được khởi công xây dựng từ năm 2010, trên khu đất rộng khoảng 82 ha, trong đó 16 ha là công viên. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 25.000 tỷ đồng với bốn phân khu chính gồm 8.577 căn hộ.

Giá bán căn hộ trung bình tại dự án Celadon City dao động từ 35 - 45 triệu đồng/m2.

Khu đất của dự án Celadon City trước đây được thu hồi từ Công ty Bò sữa Thành phố (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) và Trường Sư phạm Kỹ thuật Phổ thông Thành phố. Về sau, khu đất này được giao cho Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) làm chủ đầu tư, để xây dựng dự án với tên gọi ban đầu là Khu Liên hợp thể dục, thể thao và dân cư Tân Thắng.

Đến năm 2010, Sacomreal chuyển nhượng một phần vốn cho Gamuda Land Malaysia. Lúc này Gamuda Land chiếm 60% vốn điều lệ dự án. Đến 2015, tập đoàn này đã thâu tóm 40% vốn điều lệ còn lại, để trở thành chủ đầu tư chính thức của dự án, và đổi tên thành dự án Celadon City.

Celadon City đang bị vướng lùm xùm về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Gamuda Land
Celadon City đang bị vướng lùm xùm về tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Gamuda Land

Cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu thu hồi hơn 500 tỷ đồng tại dự án Celadon City, liên quan đến việc khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Mới đây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ việc TP.HCM cho Gamuda Land thuê hàng chục ha đất làm dự án không thu tiền sử dụng đất.

Gamuda City liên tục bị kiện huy động vốn trái phép, cắt xén diện tích,…

Không chỉ lùm xùm với dự án đầu tay ở TP.HCM, Gamuda Land còn liên tục vướng tranh chấp, kiện tụng ở dự án Gamuda City.

Dự án được triển khai từ năm 2006, với mục tiêu trở thành khu đô thị mang tầm quốc tế trải rộng trên khuôn viên 274 ha. Bao gồm 5 phân khu chính: Công viên Yên Sở, Gamuda Central, Gamuda Gardens, Gamuda Lakes và khu thương mại LeParc.

Thời điểm ra mắt, giá căn hộ tại đây đang vào khoảng 30 - 32 triệu đồng/m2.

Gamuda City là một trong những dự án có diện tích rộng nhất nhì Hà Nội. Ảnh: Gamuda Land
Gamuda City là một trong những dự án có diện tích rộng nhất nhì Hà Nội. Ảnh: Gamuda Land

Nhưng gần đây, nhiều khách hàng mua căn hộ liền kề tại khu ST5 Dahlia Homes thuộc dự án khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens, cho biết chủ đầu tư Gamuda Land Việt Nam đã có sai phạm nghiêm trọng về việc huy động vốn trái phép.

Theo tài liệu cư dân cung cấp, ngày 14/1/2019, thiết kế cơ sở khu ST5 - Dahlia Homes do Gamuda Land Việt Nam trình mới được Bộ Xây dựng phê duyệt. Nhưng trên thực tế, bắt đầu tháng 7/2018, Gamuda Land Việt Nam đã mở bán dự án, ký nhiều hợp đồng với khách hàng.

Hồi tháng 7/2020, cư dân khu ST5 - Dahlia Homes cũng đã gửi đơn tới các cơ quan, phản ánh việc cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị chưa được hoàn thành. Trong đó, có các tuyến đường cấp đô thị và tuyến đường cấp khu vực đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống cư dân. Lúc bấy giờ, chủ đầu tư cho rằng trách nhiệm làm đường là thuộc về UBND TP. Hà Nội nhưng theo cư dân khu này, hợp đồng mua bán chỉ rõ đây là trách nhiệm của Gamuda Land Việt Nam.

Khách hàng mua nhà căng băng rôn tố chủ đầu tư - Gamuda Land Việt Nam nhiều vấn đề bất cập. Ảnh: Dân trí
Khách hàng mua nhà căng băng rôn tố chủ đầu tư - Gamuda Land Việt Nam nhiều vấn đề bất cập. Ảnh: Dân trí

Trước đó, vào năm 2018, báo chí cũng đã nhiều lần phải ánh về việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án Gamuda Gardens. Việc điều chỉnh đã chia nhỏ khu liền kề ST5 từ 232 căn liền kề theo quy hoạch được phê duyệt thành 362 căn. Phía chủ đầu tư công khai rao bán theo quy hoạch tự điều chỉnh, và nhận tiền đặt cọc dù quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa trình với cư dân đã mua nhà.

Còn vào năm 2017, nhiều cư dân dự án này cũng đã tập trung căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư khu đô thị có biện pháp đảm bảo an toàn vì tình trạng trộm cắp xảy ra.

Thu hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm tại Việt Nam

Tuy vướng nhiều lùm xùm nhưng Gamuda Land “ăn nên làm ra” ở Việt Nam. Báo cáo thường niên những năm gần đây của Gamuda Berhad luôn thể hiện Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của tập đoàn, đóng góp tới 2/3 doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Theo số liệu chúng tôi tìm hiểu được, trong niên độ tài chính 2017-2018, tổng doanh thu của Gamuda Land HCMC và Gamuda Land Việt Nam đạt 2.672 tỷ đồng. Sang năm tài chính 2018-2019, con số này tăng mạnh lên 4.273 tỷ đồng, khi dự án Celadon City bắt đầu ghi nhận doanh thu. Tổng lợi nhuận cũng tăng vọt từ mức 200 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm tài chính gần nhất.

Nhưng doanh thu và lợi nhuận của 2 công ty tại Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn nếu nhìn từ báo cáo tài chính của công ty mẹ Gamuda Berhad.

Năm tài chính 2019 (kết thúc ngày 31/7, so với ngày kết thúc năm tài chính 30/6 của hai doanh nghiệp Việt Nam), Gamuda Land ghi nhận doanh thu 3,1 tỷ ringit. Trong đó 2 dự án bất động sản tại Việt Nam góp 2/3 tổng số doanh số bán hàng bất động sản.

Tổng doanh thu của 2 dự án này tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,9 tỷ ringit (tương đương hơn 10.100 tỷ đồng). Việt Nam luôn được xếp trong nhóm những thị trường có vai trò quan trọng nhất của tập đoàn này.

Theo số liệu mới nhất, 9 tháng đầu năm tài chính kết thúc vào ngày 30/4/2020, Gamuda Land mang về cho công ty mẹ 1,2 tỷ ringit, tương đương khoảng với hơn 6.700 tỷ đồng. Trong đó, Gamuda Gardens và Celadon City là hai dự án đóng góp lớn nhất vào doanh số bán hàng ở nước ngoài của Gamuda Land.

Ông Dennis Ng - Tổng giám đốc Gamuda Land Vietnam. Ảnh: Gamuda Land
Ông Dennis Ng - Tổng giám đốc Gamuda Land Vietnam. Ảnh: Gamuda Land

Các con số trên cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng của tập đoàn bất động sản đến từ Malaysia. Theo tờ New Straits Times, Gamuda Land đã ghi nhận doanh số bất động sản đạt hơn 2.897 tỷ đồng vào năm 2015, và hơn 5.100 tỷ đồng trong 2016 tại Việt Nam.

Ông Dennis Ng, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam nhận định: “Bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn đối với người nước ngoài. Doanh nghiệp từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... đang chọn Việt Nam là điểm đến. Họ nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế tăng trưởng liên tục. Đây cũng là một trong những quốc gia an toàn trong khu vực, mang lại cho các nhà đầu tư sự thoải mái”.

Theo Cục Thuế TP.HCM, tổng nợ thuế tính đến thời điểm 31/10 là 29.184 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu tăng 19,8% so với thời điểm đầu năm, và chiếm 44,7% số thuế nợ, lên 13.044 tỷ đồng.

Nợ thuế lớn của TP.HCM chủ yếu liên quan đến các khoản thu từ đất và thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động bất động sản. Gồm tiền thuê mặt đất, mặt nước khoảng 2.961 tỷ đồng, tăng 7,44% so với năm trước. Tiền sử dụng đất khoảng 1.022 tỷ đồng, giảm 3,86% so với năm trước. Nợ thuế thu nhập của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 327 tỷ đồng, tăng 20,22% so với năm trước,…

Trong đó, có 29 doanh nghiệp nợ thuế trên 5 tỷ đồng với tổng số nợ là 1.186 tỷ đồng, chiếm 4,14% trong tổng số tiền thuế nợ tính đến 30/9/2020 trên địa bàn TP.HCM. Chiếm 90,21% số nợ thuế thu nhập doanh nghiệp trong số này là doanh nghiệp bất động sản. 


TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương