Những nồi lẩu nóng hổi với hương thơm hấp dẫn khiến không khí trở nên ấm áp và gần gũi hơn.
1. Lẩu gà
Lẩu gà là món ngon bổ dưỡng, hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Tùy vào từng khẩu vị, bạn có thể nấu lẩu gà cùng lá é, là giang, lẩu gà thuốc bắc hay lẩu gà nấm. Lẩu gà thơm ngon với phần thịt gà mềm nhưng không bị nát hay bở. Phần nước dùng ngọt thanh, đậm đà với sự hòa quyện trọn vẹn của các loại nguyên liệu tự nhiên.
Lẩu gà là sự hòa quyện trọn vẹn của các nguyên liệu tự nhiên. |
Nguyên liệu:
1,5kg gà ta (tùy nhu cầu ăn), 2 gói nấm kim, 250g nấm hương, khoai môn, ngô ngọt, cà chua, gừng, tỏi, chanh, sả, ớt.
Rau ăn lẩu: rau muống, ngải cứu, cải cúc
Ăn kèm: trứng vịt lộn, 3-4 bìa đậu, bún, mì tôm hoặc bánh đa.
Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, sa tế…
Cách nấu lẩu gà ngon đơn giản nhất:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gà xát muối ngoài da rồi rửa sạch sau đó chặt thành miếng vừa ăn. Để riêng phần nhiều xương của gà như chân, cổ, cánh... để nấu nước lẩu. Ướp thịt gà với muối, bột nêm, đường cùng dầu ăn để thịt có độ béo nhất định.
Các loại rau nhặt rửa sạch ngâm nước muối loãng 10 phút rồi xả lại nước lạnh để ráo cắt thành từng khúc vừa ăn.
Nấm kim rửa sạch, cắt gốc để ra đĩa. Nấm hương ngâm qua cho nở rồi rửa sạch cắt gốc. Củ, quả rửa và làm sạch vỏ.
Bước 2: Chế biến nước lẩu
Hành củ bóc vỏ băm nhỏ, sả bóc vỏ ngoài rửa sạch rồi đập dập. Cho nồi lên bếp phi thơm hành sả rồi cho phần chân, cổ cánh của gà đã để riêng vào xào săn khoảng 5 phút cho ngấm gia vị.
Sau đó cho khoảng 3 lít nước vào nồi, cho thêm gia vị như hạt nêm, muối, sa tế vừa ăn. Đun nhỏ lửa đến khi sôi thì cho ngô, khoai, cà chua thái miếng và nấm hương vào. Hớt bọt thường xuyên cho nước dùng trong. Đậy vung đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút là có thể thưởng thức.
Bước 3: Hoàn thành và thưởng thức
Nấu xong nước lẩu, chiết 1 phần nước lẩu sang nồi của bếp từ hoặc bếp điện. Không nên cho đầy nồi vì khi ăn nhúng rau sẽ bị tràn nước. Phần nước còn lại đợi khi ăn cạn nước sẽ cho thêm vào.
Bật bếp điện, cho 1 phần thịt gà, rau các loại, trứng vịt lộn, đậu vào nồi. Đun sôi bếp lẩu. Khi rau, đậu và nấm kim châm chín trước ta có thể ăn dần đợi thịt gà chín và thưởng thức.
Có thể sử dụng món lẩu gà với gia vị chấm theo sở thích như: muối + chanh ớt hay có thể lấy vài thìa nước lẩu + 1 chút sa tế làm nước chấm.
2. Lẩu bò thập cẩm
Món lẩu này có sự kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt bò, gân bò, các loại nấm và rau ăn kèm tạo nên hương vị đặc trưng khó cưỡng. Lẩu có phần nước dùng ngọt từ xương, thịt bò dai mềm ăn cùng khoai môn béo bùi kích thích vị giác vô cùng.
Lẩu thịt bò. |
Chuẩn bị nguyên liệu cho 4 người:
500g thịt nạm bò, 400g gân bò, 300g sách bò, 500g xương heo hoặc xương bò tùy thích, 200g bò viên
2 củ cải trắng. 1 củ khoai môn, hành tây, gừng, sả cây, hành tím, ớt tươi, tỏi, hạt ngò, hoa hồi, quế, bún tươi hoặc mì gói
Các loại nấm ăn kèm tùy thích: nấm kim châm, nấm hương, nấm đùi gà…
Các loại rau ăn lẩu tuỳ thích như rau mồng tơi, rau má, rau cần…
Gia vị: tương đen, nước mắm, đường phèn, rượu trắng, dầu ăn, chao, gói gia vị lẩu bò, muối, hạt nêm, bột ngọt…
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt nạm rửa sạch, để ráo nước rồi thái thành từng miếng mỏng vừa ăn.
Phần gân và sách bò rửa sạch, cho vào bóp cùng ít giấm và muối để khử mùi. Sau đó rửa sạch rồi bắc lên bếp cho nước sắp miếng thịt luộc sơ trong 10 phút rồi rửa sạch lại, để ráo nước và cắt thành từng miếng vừa ăn.
Phần xương hầm nước dùng thì trụng qua nước sôi cho bớt mùi rồi rửa sạch lại với nước.
Gọt vỏ khoai môn cắt thành từng khúc vừa ăn rồi ngâm vào thau nước muối pha loãng trong 10 phút. Sau đó rửa sạch với nước rồi để ráo. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn vào đun cùng với lửa vừa cho dầu nóng. Cho khoai môn đã cắt vào chiên sơ 2 mặt trong 5 – 7 phút rồi tắt bếp, cho ra đĩa.
Hành tây lột lớp vỏ ngoài, cắt thành miếng cau vừa ăn. Tỏi và hành lột vỏ, băm nhuyễn. Ớt rửa sạch, băm nhuyễn. Phần sả cây rửa sạch chia làm 2 phần, 1 phần để cắt khúc đập dập, một phần thì băm nhuyễn.
Các loại rau ăn lẩu thì nhặt rửa sạch, để ráo nước đợi thưởng thức cùng lẩu.
Bước 2: Hầm nước dùng lẩu và rang gia vị
Cho xương heo hoặc xương bò đã chuẩn bị vào đổ thêm 3 lít nước. Cho thêm hoa hồi, sả đập dập, quế, củ cải trắng vào rồi đun sôi. Sau đó mở lửa riu riu hầm trong 1 tiếng.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun sôi. Sau khi dầu ăn sôi cho thêm các nguyên liệu hành tím và tỏi băm vào phi thơm lên, cho thêm sả và ớt băm vào phi cho các nguyên liệu vàng thơm thì cho màu điều vào rồi tắt bếp.
Bước 3: Nêm nếm gia vị lẩu bò thập cẩm
Nước hầm xương sau khi hầm xong 1 tiếng thì vớt riêng phần xương ra, cho hết phần sả, hành tím, tỏi, ớt đã băm nhỏ vào. Nêm nếm thêm 1 gói gia vị lẩu bò, đường, chao, tiêu, muối, đường, mắm… cho vừa ăn và phù hợp với khẩu vị của gia đình. Cho khoai môn đã cắt khúc vào ninh cho khoai mềm thì cho hành tây, bò viên vào rồi tắt bếp.
Thành phẩm lẩu bò thập cẩm
Lúc ăn cho thêm thịt nạm bò, gân và sách bò, đậu hũ, nấm và rau ăn kèm vào và thưởng thức thôi. Nước dùng lẩu ngọt thanh, hương vị rất đậm đà cực ấn tượng. Thịt bò thì vừa dai vừa mềm, hoà quyện cùng vị khoai môn bùi bùi và các nguyên liệu khác càng giúp món ăn trở nên đặc sắc hơn.
3. Lẩu riêu cua bắp bò
Lẩu riêu cua bắp bò là món ngon ngày mưa ưa thích của nhiều người bởi vị chua dịu, hòa với vị béo ngậy của gạch cua đầy lôi cuốn. Đây là món lẩu nấu cùng phần thịt cua đồng được chế biến kĩ lưỡng, ăn cùng đậu rán giòn cùng thịt bắp bò tươi mềm.
Lẩu riêu cua bắp bò rất hợp ăn vào ngày mưa. |
Nguyên liệu chế biến cho 4 người:
Cua đồng: ½ kg; bắp bò: ½ kg; sườn sụn: ½ kg
Cà chua: 4 quả; đậu hũ: 5 miếng; bún tươi: 1kg
Hành lá, hành khô, mắm tôm, hoa chuối, gừng, mẻ/giấm
Rau ăn kèm: Rau muống, rau mùi, rau xà lách
Gia vị: Nước mắm, bột ngọt, bột canh…
Các bước chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu ăn kèm
Rau ăn kèm rửa sạch, ngâm với nước muối loãng khoảng 5 phút sau đó vớt ra để ráo
Hành lá cắt bỏ đi phần gốc, rửa sạch và cắt thành những khúc dài vừa ăn.
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Đậu phụ rửa qua nhẹ nhàng với nước, cắt thành những miếng nhỏ, để ráo, sau đó chiên vàng đều hai mặt.
Cho nước vào chén mẻ, khuấy tan, lọc qua rây và giữ lấy phần nước mẻ, bỏ phần bã.
Hoa chuối thái nhỏ, mỏng, ngâm qua nước muối chanh pha loãng, sau đó rửa sạch, để ráo
Bước 2: Sơ chế và chế biến phần bắp bò
Gừng đập dập, trộn với chút muối và rượu trắng, sau đó chà nhẹ lên các mặt miếng thịt
Rửa sạch miếng thịt rồi đặt vào trong ngăn đá trong khoảng 15 phút. Cách này sẽ giúp cắt thịt dễ dàng hơn.
Cắt bắp bò thành những miếng mỏng vừa ăn. Thịt mỏng nhúng lẩu sẽ chín nhanh và mềm hơn.
Bước 3: Sơ chế và nấu sườn sụn
Hành khô bóc vỏ, băm nhuyễn.
Sườn sụn chặt thành những miếng nhỏ vừa ăn, rửa sạch với nước muối và chần sơ qua nước sôi.
Ướp một nửa sườn sụn với nước mắm, bột ngọt và bột canh.
Phi thơm hành khô, cho sườn vào xào sơ, thêm nước và hầm khoảng 30 phút để làm nước lẩu.
Cho phần sườn còn lại ra một chiếc đĩa để làm phần nhúng lẩu.
Bước 4: Chế biến cua đồng
Cho ½ kg cua vào một nồi nhỏ, cho thêm muối vào nồi rồi đậy vung lại, xóc đều cho ra hết phần chất bẩn trong cua, sau đó rửa lại với nước sạch, để ráo nước. Bóc phần mai cua, bỏ phần yếm. Sử dụng tăm để tách phần gạch cua cho vào một chiếc bát. Giã nhuyễn hoặc xay phần thịt cua
Cho 500ml nước lọc vào phần thịt cua vừa giã, khuấy đều, sau đó lọc qua rây để lấy phần nước nguyên chất, bỏ cặn.
Sau khi lọc được nước cua đồng, pha thêm nước lọc để có lượng nước lẩu vừa đủ dùng, thêm chút bột canh để nước cua không bị thiu
Bắc nồi nước cua lên bếp, đun lửa vừa, mở vung. Khi thấy gạch cua nổi lên dùng muôi hoặc đũa gạt nhẹ sang một bên để được phần gạch lớn. Dùng muôi nhẹ nhàng múc phần gạch ra bát riêng, tắt bếp
Bước 5: Xào gạch cua
Phi thơm hành khô, trút gạch cua vào xào chín. Nêm nếm thêm chút nước mắm cho gạch cua được đậm đà hơn, sau đó tắt bếp rồi cho gạch cua ra một chén riêng. Có thể cho 1 chút dầu điều để màu đẹp hơn.
Cho cà chua vào xào sơ, không làm nát cà chua.
Bước 6: Nấu nước dùng của lẩu riêu cua bắp bò
Cho nước cua, nước ninh sườn và cà chua xào vào một chiếc nồi lớn
Cho nước mẻ (hoặc quả dọc, me chua), gia vị, 1 thìa nhỏ mắm tôm
Đun sôi nồi nước lẩu và cuối cùng cho gạch cua lên trên để nước lẩu được bắt mắt hơn.
Thành phẩm
Cho rau ăn kèm, bắp bò, sườn sụn, đậu hũ và bún tươi ra đĩa.
Đun nồi nước lẩu sôi lăn tăn, lần lượt nhúng bò cùng các nguyên liệu khác và thưởng thức.
Món lẩu riêu cua bắp bò có vị ngọt của riêu cua, bắp bò mềm mịn ăn cùng các loại rau sống giòn giòn cực kỳ bắt miệng.
4. Lẩu cá hồi măng chua
Lẩu cá hồi măng chua có màu sắc bắt mắt và hương thơm hấp dẫn. Nước lẩu có vị chua ngọt, thanh mát, phần cá hồi ngọt thịt, thêm các loại rau ăn kèm tươi sạch ăn hoài không ngán.
Lẩu cá hồi chứa nhiều dinh dưỡng và rất thơm ngon. |
Nguyên liệu nấu lẩu cá hồi
2 bộ xương gà; 2 đầu cá hồi; 100gr măng chua
2 quả cà chua, 1/2 quả dứa, me tươi, rượu trắng, thì là, rau muống, đậu bắp, bạc hà, ngò gai, cà chua để ăn lẩu
Gia vị: Hành lá, hành tím, sả, ớt hiểm, mắm, bột ngọt, dầu ăn, nghệ
Cách nấu lẩu cá hồi không tanh
Bước 1: Sơ chế xương gà và đầu cá hồi
Rửa sạch xương gà, chặt thành các khúc vừa ăn. Chần qua xương gà với nước sôi để sạch tạp chất. Đổ nước, vớt xương gà ra, để ráo.
Rửa sạch đầu cá hồi, để nguyên hoặc chặt nhỏ vừa ăn. Ngâm đầu cá hồi trong rượu trắng khoảng 10 phút để khử mùi.
Vớt đầu cá hồi ra, để ráo. Ướp đầu cá hồi trong bát to với hỗn hợp gia vị gồm nước mắm, bột ngọt, bột nghệ, ít tiêu, hành tím và trộn đều với nhau, đặt đầu cá ướp gia vị vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút để gia vị ngấm đều.
Bước 2: Hầm nước dùng lẩu với xương gà
Đổ xương gà vào nồi thêm 2 lít nước, bật bếp hầm xương với lửa lớn. Sau khi nước sôi thì giảm lửa, hầm liu riu trên bếp. Lưu ý vớt bọt trong lúc hầm để nước xương được trong. Khoảng 30 phút sau thì tắt bếp. Lấy khăn giấy lót trên ray, đổ nước hầm qua ray lọc để làm nước dùng.
Phần xương gà giữ lại để ăn cùng lẩu.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau. Dứa rửa sạch, cắt lát mỏng.
Dầm me với nước ấm để lấy nước cốt me.
Hành lá, thì là bỏ hết phần lá già, úa, đem rửa sạch, cắt thành các khúc dài
Rau muống ngâm muối, rửa sạch và để ráo.
Đậu bắp cắt bỏ cuống, rửa sạch, thái lát chéo
Ngò gai nhặt bỏ phần lá già, rửa sạch, băm nhỏ.
Hành tím lột vỏ, băm nhuyễn.
Bước 4: Nấu nước lẩu cá hồi
Làm nóng chảo trên bếp với một ít dầu ăn. Đổ hành tím vào phi thơm. Khi hành bắt đầu dậy mùi, đổ đầu cá vào chiên sơ hơi vàng rồi gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Lấy một nồi khác bắc lên bếp, đun nóng với ít dầu hoặc mỡ, khi dầu già lần lượt cho măng chua, dứa, cà chua, nước me chua vào xào chung với nhau rồi đổ nước hầm gà vào đun. Nấu cho đến khi sôi thì cho sả đập dập vào, nêm nếm lại gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 5: Thưởng thức lẩu cá hồi
Đặt nồi nước lẩu trên bếp ga mini hoặc bếp điện từ và bật bếp để lẩu được làm nóng liên tục, dọn đầu cá hồi, bún và rau ở bên cạnh để thưởng thức.
Vì nước lẩu cá hồi đã có sẵn vị chua của măng, vị cay của ớt và độ béo ngậy của đầu cá hồi nên thích hợp ăn cùng những loại rau chua, ngọt để trung hòa hương vị: rau muống, rau cải, đậu bắp, bạc hà, hoa chuối, các loại nấm…
Các món lẩu ngon hơn khi dùng nóng và rất thích hợp vào ngày mưa lạnh. Đặc biệt, món lẩu còn là sự kết hợp giữa các nguyên liệu bổ dưỡng vừa hấp dẫn vừa tốt cho sức khỏe. Bạn có thể chế biến dễ dàng tại nhà vừa đảm bảo an toàn vừa có thể thêm nhiều món nhúng theo ý thích.
5 món lẩu không thể bỏ qua khi đi du lịch Đà Lạt
Du lịch Đà Lạt là một thiên đường ẩm thực với các món ăn đường phố hấp dẫn nhất Việt Nam.