Một ngân hàng lớn tiếp tục hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục

Các ngân hàng trong nhóm quốc doanh tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong đó ông lớn Vietcombank đưa kỳ hạn 12 tháng xuống còn 4,8 %/năm, mức thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này và thấp nhất trong nhóm Big 4.

Hôm nay (30/11), Vietcombank giảm 0,2 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 2,4 %/năm; kỳ hạn 3-5 tháng chỉ còn 2,7 %/năm; kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 3,7 %/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 12-24 tháng chỉ còn 4,8 %/năm.

Với đợt điều chỉnh lãi suất nói trên, Vietcombank là ngân hàng trong nhóm Big 4 đưa lãi suất huy động có kỳ hạn thấp nhất thị trường hiện chỉ còn 2,4 %/năm.

Ngân hàng khác trong nhóm quốc doanh như Agribank cũng giảm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng đến 18 tháng.

Một ngân hàng lớn tiếp tục hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng được Agribank giảm 0,2 %/năm xuống còn 3,2 %/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng được giảm 0,25 %/năm xuống còn 3,6 %/năm.

Đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6-9 tháng, Agribank điều chỉnh giảm 0,2 %/năm xuống còn 4,5 %/năm.

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12-18 tháng cũng được nhà băng này giảm thêm 0,2 %/năm, xuống mức 5,3 %/năm bằng 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 như Vietinbank, BIDV.

Tuy nhiên, Agribank giữ nguyên mức lãi suất 5,5 %/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Đây cũng là kỳ hạn có lãi suất huy động cao nhất tại Agribank thời điểm này.

Trong hôm nay, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng giảm đáng kể với kỳ hạn 1-18 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến của MB, lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến 5 tháng đồng loạt giảm 0,2%/năm.

Theo đó, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng còn 3,3 %/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 3,5 %/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 3,6 %/năm, kỳ hạn 4 và 5 tháng còn 3,7 %/năm.

Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng được MB điều chỉnh giảm 0,3 %/năm. Do đó, lãi suất kỳ hạn 6-8 tháng còn 4,8 %/năm, lãi suất kỳ hạn 9-10 tháng còn 4,9 %/năm, kỳ hạn 11 tháng còn 5 %/năm.

Đối với tiền gửi kỳ hạn 12-15 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,2 %/năm. Hiện tiền gửi kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 5,2 %/năm, kỳ hạn 13-15 tháng lãi suất 5,3 %/năm.

Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 18 tháng được MB giảm 0,4 %/năm, còn 5,7 %/năm.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 24-60 tháng vẫn đang được MB niêm yết mức cao nhất thị trường khi giữ nguyên ở mức 6,5 %/năm.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6 %/năm.

Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với nhóm Big 4. Cá biệt, có những ngân hàng có lãi suất thấp hơn như ACB, ABBank còn 4,7 %/năm kỳ hạn 12 tháng.

Mặc dù lãi suất tiết kiệm chạm đáy, nhưng lãi suất cho vay ra vẫn chưa theo kịp. Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp xa so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (khoảng 14-15%), cũng như thấp xa so với mức tăng trưởng tín dụng (mà Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ cho) toàn hệ thống (14,5%), theo TPO.

Bất chấp lãi suất thấp, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng tiền gửi của dân cư đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. 

So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Bên cạnh đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh 217.353 tỷ đồng trong tháng 9, lên 6,23 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022, theo Markettimes.

Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

(Tổng hợp)

AN LY