Một phương pháp dạy tiếng Anh bị nhiều người chê bai, thầy giáo nói: Đây là suy đoán và kết luận hồ đồ

Theo thầy Sang, đây là suy đoán và kết luận hồ đồ, không có cơ sở khoa học thực tế.

Có nên sử dụng tiếng Việt trong lớp học giao tiếp tiếng Anh từ lâu luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Những người đề xuất phương pháp English-only (chỉ dùng tiếng Anh) cho rằng điều này sẽ tăng cơ hội thực hành tiếng Anh trong lớp, trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng English-only không nhiều tác dụng như người ta mong đợi, thậm chí làm chậm quá trình tiếp thu ngôn ngữ mới nếu cường độ và tần suất không đủ lớn.

Là giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm lâu năm, thầy giáo Đỗ Cao Sang (ELYH) cho rằng, hiện nay nhiều người sùng bái học tiếng Anh đơn ngữ (chỉ dùng tiếng Anh để học tiếng Anh). Họ thích cho con vào lớp Mono-lingual với ý tưởng luyện tư duy bằng tiếng Anh từ sớm. Họ cho rằng học tiếng Anh qua tiếng Việt theo phương pháp của cố học giả Nguyễn Hiến Lê, thầy Trương Vĩnh Ký, thầy Thái Bá Tân là chậm và không hiệu quả vì phải dịch trong não rồi mới nói.

Theo thầy Sang, đây là suy đoán và kết luận hồ đồ, không có cơ sở khoa học thực tế. Không có số liệu nào để kết luận học song ngữ là kém hiệu quả so với học đơn ngữ. Nói cách khác, để tiến bộ nhanh, có tư duy ngôn ngữ Anh là do cường độ tiếp cận chứ không phải đơn ngữ hay song ngữ.

Thầy giáo Đỗ Cao Sang 
Thầy giáo Đỗ Cao Sang 

Rèn tư duy bằng tiếng Anh là chuẩn, nhưng đó là thành quả do học nhiều mới có!

Theo thầy Đỗ Cao Sang, dùng tiếng Anh để dạy tiếng Anh chỉ có tác dụng cao ở giai đoạn đầu sơ khởi, với trình độ đơn giản cho các bé chưa biết đọc viết tiếng mẹ đẻ. Người ta gọi (tạm dịch) là phương pháp trực quan toàn phần – Totally Physical Response. Nó cũng chỉ tác dụng cao khi có sự giao tiếp liên tục và ở cường độ cao. Một câu, một hành động phải lặp lại, tái sử dụng hàng chục lần.

Thầy Sang nói: "Tắm trong môi trường đơn ngữ, chỉ dùng tiếng Anh để dạy tiếng Anh không phải là quá ưu việt như quảng cáo. Trước đây tôi cũng bị nhầm lẫn như thế. Ai đó lý luận dùng English-only là giúp cho trẻ tư duy bằng tiếng Anh ngay từ nhỏ là một sự ngụy biện và nhận định cảm tính. Thực ra tắm ngôn ngữ còn có cả tắm song ngữ (bilingual immersion) nhưng lâu nay cứ nói đến tắm ngôn ngữ là người ta nghĩ đến lớp đơn ngữ (monolingual class).

Tiến tới suy nghĩ bằng tiếng Anh là rất cần, nhưng thành quả ấy do học nhiều mới có chứ không phải do học đơn ngữ một tuần hai buổi như các gia đình đang làm hiện nay. Nói cách khác, ngoài 2 buổi tối đó, ta phải nghe bản tin, xem phim, nghe bài hát tiếng Anh thêm rất nhiều. Nghĩa là cường độ học và sự nghiêm túc quyết định thành quả học chứ không phải đơn ngữ hay song ngữ". 

Dù là học song ngữ, nếu ta học nhiều, làm nhiều, tiếp cận nhiều sẽ hình thành cả 2 loại tư duy. Khi làm việc với tiếng Anh, ta sẽ bật kênh tư duy tiếng Anh và tắt kênh tiếng Việt đi. Khi làm việc với tiếng Việt, ta sẽ tự động bật kênh tiếng Việt và tắt kênh tiếng Anh đi. Có nhiều người thạo 10 ngoại ngữ họ bóc tách rất tốt là do họ tiếp cận nhiều. 

Nếu bạn xem phim phụ đề tiếng Anh nhiều, bạn cũng sẽ có tư duy kiểu châu Âu về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, dù có 10 kênh tư duy ngôn ngữ thì người ta vẫn bị một kênh nào đó làm chủ đạo. Không thể có 10 dòng chảy ngang bằng nhau. Một người thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt thì một trong hai thứ tiếng Anh sẽ chi phối não bộ của người đó. Nghĩa là dù thạo tư duy tiếng Anh, ta thỉnh thoảng vẫn nói những câu kiểu Việt nếu ta tiếp cận với tiếng Việt nhiều hơn, và ngược lại.

Thầy giáo này cho rằng, tư duy bằng tiếng Anh là sau một thời gian học (tối thiểu là 3 năm liên tục nghiêm túc) bạn sẽ tự hình thành thói quen đặt câu kiểu dân bản ngữ. Nói cách khác, tư duy là thành quả của việc học chứ không phải một phương pháp học. Cứ tăng cường độ tiếp cận và thời gian tiếp cận thì tự khắc sẽ có tư duy giống người bản ngữ. Và cũng chỉ giống được 90%. Sức kéo của tiếng mẹ đẻ vẫn mạnh nếu ta sinh sống ở môi trường Việt Nam. Chúng ta đừng mong tiếp cận ít ở lớp đơn ngữ Anh - Anh là có tư duy kiểu Anh.

Bên cạnh đó, thầy Đỗ Cao Sang cũng cho rằng, nếu bạn nghĩ học tiếng Anh là chỉ cần chăm chỉ học trên lớp, hoàn thành trách nhiệm trên lớp thì thật sai lầm! Ngôn ngữ kênh chính phản chiếu văn hóa. Học ngôn ngữ là học một nền văn hóa. Ta cần học ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi thứ. Khi ta đi đường nhìn biển báo, cầm hộp bánh hộp kẹo trên tay chúng ta cũng hoàn toàn có thể học được tiếng Anh. Ta nên ghi lại từ chưa biết, tra từ điển và học thuộc. Với việc học ngôn ngữ, do đó, giáo trình, lộ trình không có nhiều ý nghĩa.

Hãy nắm rõ và làm theo nguyên tắc 3E (Every where, Every time, Every thing)!

Người học tiếng Anh phải luôn có ý thức chủ động tự học. Ta phải luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh. Hễ ta gặp bất cứ điều gì, cái gì cũng phải tự hỏi trong tiếng Anh sẽ nói thế nào. Cứ như vậy, ta duy trì bền bỉ nhiều năm, nhiều tháng thì đó mới là cách làm đúng đắn. Thầy cô giáo không thể giúp bạn nhồi chữ vào đầu mà chỉ có thể tạo nên nguồn cảm hứng cho bạn tự học mà thôi!

Hiểu Đan

Học bá phát hiện côn trùng lạ trong cơm canteen, đọc thư khiếu nại mà choáng váng: Người học giỏi đi kiện cũng ở level khác!

Học bá phát hiện côn trùng lạ trong cơm canteen, đọc thư khiếu nại mà choáng váng: Người học giỏi đi kiện cũng ở level khác!

Ăn ở canteen gặp phải côn trùng lạ trong cơm, nam sinh này đã đi "kiện" và trở nên nổi tiếng vì cách "kiện" quá độc đáo.