Myanmar bị lôi kéo vào cuộc chiến Nga-Ukraina?

Người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraina Kyrylo Budanov nói rằng Nga đang cố gắng mua "bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu", kể cả từ các nước Đông Nam Á như Myanmar, để có đủ vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraina.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với VOA, quan chức tình báo hàng đầu Ukraina cho biết: "Có những nỗ lực nhất định để mua (vũ khí) thông qua các nước thứ ba. Thu hồi vũ khí quy mô lớn. Bây giờ họ đang cố gắng với Myanmar".

Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar đã bác cáo buộc này. Trả lời phỏng vấn của VOA tiếng Myanmar, người phát ngôn chính quyền Myanmar, Thiếu tướng Zaw Min Tun, nói: "Nga là quốc gia bán vũ khí cho thế giới. Cáo buộc đó là không thể và phi logic". Ông từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào thêm về chủ đề này.

Trong khi đó, Yadanar Maung, người phát ngôn của nhóm vận động nhân quyền Công lý cho Myanmar (JFM), cho biết trong một tuyên bố với VOA: "Chính quyền quân sự Myanmar và chế độ Nga là những đồng minh chủ chốt, đồng lõa với nhau. Chính quyền quân sự ủng hộ cuộc chiến Ukraina của Nga và đã công khai đề nghị được làm cầu nối để doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường châu Á, một hành động phớt lờ các lệnh trừng phạt".

JFM cho biết họ đã theo dõi điều mà theo họ là mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và chính quyền Myanmar từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021. Trong báo cáo tháng 3/2022, nhóm này cho rằng 19 doanh nghiệp Nga nên bị trừng phạt vì cung cấp vũ khí và thiết bị cho quân đội Myanmar.

Trong chuyến thăm Nga vào tháng 7/2022 của lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, một trong nhiều chuyến đi mà ông đã thực hiện kể từ cuộc đảo chính năm 2021, Nga và Myanmar tuyên bố đang tăng cường hợp tác quốc phòng.

Thông cáo báo chí ngày 12/7/2022 của Bộ Quốc phòng Nga viết: "cuộc gặp (giữa lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing và các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga) khẳng định quan điểm chung nhằm xây dựng một cách nhất quán sự hợp tác nhiều mặt giữa các cơ quan quân sự của hai nước".

VOA gần đây đưa tin về mối quan hệ mới về năng lượng hạt nhân của chính quyền quân sự Myanmar với Nga, làm dấy lên mối lo ngại trong khu vực và trên toàn cầu.

Myanmar bị lôi kéo vào cuộc chiến Nga-Ukraina? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar Min Aung Hlaing và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Đạn dược của Nga

Trong một đánh giá về Nga, Lầu Năm góc tuyên bố sau hơn một năm tham chiến ở Ukraina và đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ từ phương Tây, Nga sẽ cạn kiệt vũ khí có thể sử dụng được vào một thời điểm nào đó trong năm 2023.

Tại phiên điều trần hôm 8/3 tại Washington trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nhận định rằng Nga thiếu binh sĩ và đạn dược để đạt được những bước tiến lớn trong năm nay. 

Bà nói: "Nếu Nga không bắt đầu gọi nhập ngũ bắt buộc và xác định được nguồn cung cấp đạn dược đáng kể từ bên thứ ba, việc duy trì quy mô các chiến dịch quân sự như hiện nay trong những tháng tới sẽ ngày càng gặp khó khăn". 

Trước đó, tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan vào tháng 12/2022, Haines cũng cho biết "Nga không có đủ khả năng để tự thay thế những vũ khí đó".

Theo tin tức của Đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty) trong tháng này, Yevgeny Prigozhin - doanh nhân có mối liên hệ với Điện Kremlin, người đồng sáng lập và chủ sở hữu công ty lính đánh thuê Wagner - cũng chỉ ra các vấn đề về đối với nguồn cung đạn dược. 

Ông nói: "Tôi lo lắng về đạn dược và vấn đề này không chỉ xảy ra đối với Wagner mà còn ở tất cả các đơn vị của Quân đội Nga".

Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cho biết tính đến tháng 9 năm ngoái, quân đội Nga vẫn có khả năng sản xuất "rất nhiều đạn dược", bất chấp bị các lệnh trừng phạt của phương Tây cản trở. Tuy nhiên, "một số thành phần họ cần cho hệ thống vũ khí của mình đến từ ngành công nghiệp phương Tây".

Có thông tin cho rằng Nga tiếp tục mua vũ khí và đạn dược từ các nước như Iran và Triều Tiên; tuy nhiên, chính phủ Iran - một đồng minh thân cận của Nga - đã phủ nhận điều này khi tuyên bố rằng Iran "không và sẽ không" cung cấp vũ khí để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraina.

Trao đổi với VOA, Budanov nói: "Đối với Nga, gần như chỉ có một quốc gia duy nhất thực sự cung cấp cho nước này những vũ khí quan trọng, đó là Iran. Có thông tin cho rằng Triều Tiên cũng đang cung cấp thứ gì đó cho Nga, nhưng chúng tôi chưa có xác nhận về điều đó". 

Ông cho biết thêm: "Nga đang cố gắng mua bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu. Bởi vì vấn đề của họ rất nghiêm trọng. Serbia, quốc gia mà Nga hy vọng, đã từ chối cung cấp vũ khí. Có những nỗ lực nhất định để mua (vũ khí) thông qua các nước thứ ba. Thu hồi vũ khí quy mô lớn. Bây giờ họ đang cố gắng với Myanmar, chúng ta sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới".

Myanmar bị lôi kéo vào cuộc chiến Nga-Ukraina? - Ảnh 3.

Lính nhảy dù Ukraina thuộc lữ đoàn 80 bắn một quả đạn cối vào một vị trí tiền tuyến gần Bakhmut, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraina, ở vùng Donetsk, Ukraina ngày 16/3/2023. Ảnh: REUTERS

Phe đối lập Myanmar lo ngại

Trao đổi với VOA qua ứng dụng zoom, Kyaw Zaw - người phát ngôn Văn phòng Tổng thống của "Chính phủ Đoàn kết Dân tộc" (NUG) tự xưng tại Myanmar - bày tỏ lo ngại về "hợp tác có thể xảy ra giữa Nga và quân đội Myanmar trong cuộc chiến Ukraina". 

Kyaw Zaw nói: "Tôi nghĩ rằng Nga có thể sử dụng quân đội Myanmar và những người thân cận của họ làm trung gian để mua vũ khí từ các nước khác vì quân đội Myanmar không có khả năng hỗ trợ vũ khí cho quân đội Nga. Mặc dù phương Tây nhắm mục tiêu trừng phạt chế độ quân sự Myanmar, nhưng các lệnh trừng phạt này còn yếu và không hiệu quả do có những sơ hở mà Nga và quân đội Myanmar có thể đang cố gắng khai thác thông qua hợp tác".

Trả lời câu hỏi của VOA về việc Trung Quốc hay Ấn Độ có thể thông qua Myanmar để chuyển vũ khí và đạn dược cho Nga hay không, ông nói: "Không có lý do chính đáng nào để NUG chấp nhận việc Myanmar bị lợi dụng để cạnh tranh giữa các cường quốc". 

Và khi được hỏi về khả năng Myanmar bị lôi kéo vào cuộc chiến Ukraina của Nga, Kyaw Zaw nói: "Chúng tôi lo ngại về tin tức này. Chúng tôi lo ngại động thái này có thể ảnh hưởng đến đất nước của chúng tôi, sự ổn định của khu vực cũng như hòa bình và an ninh toàn cầu".

Phương Tây, bao gồm Mỹ, đã bày tỏ lo ngại về khả năng Nga được vũ trang thông qua quan hệ đối tác địa chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyenmtại Berlin hồi đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến chống Ukraina". Ông nói rằng Berlin đã nhận được sự đảm bảo song phương từ Bắc Kinh về vấn đề này.

JFM mới đây đã công bố một báo cáo về việc Ấn Độ xuất khẩu vũ khí cho quân đội Myanmar. Theo báo cáo, sau một số hoạt động xuất khẩu vũ khí và linh kiện đã biết của các công ty Ấn Độ sau âm mưu đảo chính của quân đội Myanmar, bao gồm ngòi nổ và trạm điều khiển vũ khí từ xa, Yantra - công ty vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ - "đã xuất khẩu các nòng pháo 122mm sang Myanmar".

Maung của JFM nói với VOA: "Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho chính quyền quân sự Myanmar. Nếu Nga đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền quân sự để tái cung cấp vũ khí cho cuộc chiến của nước này ở Ukraina, điều đó một lần nữa cho thấy chính quyền quân sự là mối đe dọa đối với thế giới và cần phải một có phản ứng toàn cầu về vấn đề này".

(Nguồn: TTXVN/eurasiareview)

P.V (tổng hợp)