Howard Beale - người dẫn chương trình kì cựu của chuyên mục “UBS Evening News” thuộc Đài truyền hình UBS (Mỹ) đang đứng trước nguy cơ bị sa thải do tỉ suất người xem tin tức của ông xuống thấp kỷ lục. Sau 25 năm cống hiến, Beale đứng trước nguy cơ bị sa thải nếu tình hình không được cải thiện.
Trong cơn tuyệt vọng và phẫn uất, Beale tuyên bố sẽ tự sát trên sóng truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, thay vì bị sa thải ngay lập tức, lời tuyên bố này lại trở thành “quả bom” trên truyền thông, thu hút lượng người xem tăng đột biến. Nhận thấy tiềm năng thương mại, Diana Christensen, một giám đốc sản xuất trẻ tuổi và đầy tham vọng, đã biến Beale thành một “nhà tiên tri điên loạn” trên sóng truyền hình, khai thác cơn giận dữ và bất mãn của ông để thu hút khán giả.
Howard Beale và Diana Christensen trong bộ phim "Network". |
Dù ra đời từ cách đây tròn nửa thế kỷ, nhưng câu chuyện của “Network” (bộ phim điện ảnh Mỹ ra đời năm 1976) vẫn gần như giữ nguyên giá trị với những vấn đề và thông điệp mang đầy tính thời sự cho đến tận bây giờ. Với nhân vật trung tâm Howard Beale (vai diễn của diễn viên gạo cội Peter Finch), người mà trong phim được được mệnh danh là “Nhà tiên tri giận dữ lên án thói đạo đức giả của thời đại”, đạo diễn Sidney Lumet và biên kịch Paddy Chayefsky đã phơi bày những sự nhảm nhí, giả tạo của truyền thông, với những tin tức vô nghĩa và sáo rỗng, cùng sự thực dụng đến mức tha hóa của giới tài chính và các tập đoàn trong cuộc chạy đua về doanh thu những năm tăm tối của nước Mỹ.
Sự điên rồ hàng loạt
“Network” là một bộ phim hài chính kịch hư cấu của Mỹ ra mắt vào năm 1976, do Sidney Lumet đạo diễn và Paddy Chayefsky viết kịch bản. Phim lấy ý tưởng từ vụ tự sát trên sóng truyền hình trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của nữ phóng viên Christine Chubbuck tại Sarasota, Florida vào năm 1974. Christine, vì chứng trầm cảm, áp lực cùng sự cô đơn vì bị xa lánh, đã tự rút súng bắn vào đầu mình ngay trong buổi phát sóng của WXLT-TV (một đài truyền hình lớn tại Florida - Hoa Kỳ).
Chayefsky đã mượn ý tưởng về một cái chết “sống động” như điểm nhấn cho “Network”, với những câu chuyện về áp lực của “rating” (tỉ suất người xem) của truyền hình nói riêng và của toàn bộ hệ thống truyền thông nói chung. Ở đó, áp lực về lượng người xem và doanh thu khiến những phóng viên, biên tập viên truyền hình trở nên sẵn sàng làm mọi điều có thể, nghĩ ra mọi kịch bản điên rồ nhất, đưa những tin tức nhảm nhí và sáo rỗng nhất, bất chấp cả đạo đức và sự thực.
Poster bộ phim "Network" |
Như biên kịch Chayefsky nói trong một cuộc phỏng vấn: “Truyền hình sẽ làm bất cứ điều gì để có được tỉ lệ người xem... bất cứ điều gì!”, và ông quyết định đưa những điều điên rồ nhất ấy lên màn ảnh. “Network” xoay quanh những con người làm việc trong Đài truyền hình UBS, trong giai đoạn nền kinh tế nước Mỹ đi vào giai đoạn tăm tối nhất, kéo theo tình trạng lạm phát, thất nghiệp, trộm cắp ở khắp mọi nơi. Trước áp lực của tiền bạc và lợi nhuận, các doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy của những cuộc tranh giành thị phần. Các kênh truyền thông, truyền hình cũng trở nên điên cuồng trong vòng xoáy cạnh tranh về tỉ lệ người xem.
Với một kịch bản sắc sảo và những câu thoại sâu cay mang đầy tính châm biếm, bộ phim như một sự đả kích trực diện vào toàn bộ sự vận hành của nền báo chí, truyền hình Hoa Kỳ những năm 70. Cùng với đó là những sự tha hóa của con người trước những thông tin dối trá và nhảm nhí, thiếu thực tế. Một trong những vấn đề quan trọng mà những nhà làm phim đưa ra, đó là sự vô cảm của những con người trong cuộc chạy đua về tin tức và dần biến thành những con rối diễn trò cho khán giả nhằm mua vui. “Chúng ta đang điều hành chuyên mục tin tức, không phải rạp xiếc” – Beale tức giận kêu lên.
Và trước tất cả những sự nhảm nhí diễn ra trong những chương trình tin tức mỗi ngày, dân chúng bỗng “phát cuồng” vì những câu chuyện thoạt đầu tưởng khó nghe nhưng lại trở nên hấp dẫn và ăn khách vô cùng bởi tính thực tế trong “Howard Beale Show”. Hàng chục triệu người Mỹ hào hứng đón chờ Beale nói chuyện mỗi tối.
Và cứ thế, qua những màn độc thoại điên cuồng và đầy giận dữ của Beale, hiện thực của truyền thông, của xã hội Mỹ thế kỷ trước được phơi bày: “Các bạn hãy nghe tôi nói, truyền hình không phải sự thực. Truyền hình chỉ như một công ty giải trí… Còn lâu các bạn mới có được sự thực từ chúng tôi. Chúng tôi nói mọi thứ bạn muốn nghe, chúng tôi nói dối như Cuội... Chúng tôi buôn bán ảo tưởng mà, làm gì có cái gì là sự thực… Khi các bạn bắt đầu coi những gì trên truyền hình là thật, thì cuộc sống của chính các bạn sẽ trở thành ảo tưởng. Các bạn làm theo những gì TV nói, mặc đồ giống trên TV, ăn uống giống TV, nuôi dạy con cái giống TV, suy nghĩ giống TV, đây là sự điên rồ hàng loạt”.
Một bộ phim mang tính “tiên tri”
“Network” xây dựng những tuyến nhân vật dường như trở thành điển hình của giới truyền thông, như Howard Beale, một nhà báo gạo cội bị biến thành một công cụ để thu hút người xem, bất chấp tình trạng tâm lý không ổn định, một Max Schumacher (William Holden) luôn cô đơn và lạc lõng, hay Diana Christensen (vai diễn của Faye Dunaway), một người sẵn sàng bất chấp tất cả tình yêu, đạo đức, để đạt được tham vọng, cô là người đưa Beale lên đỉnh cao, nhưng cũng là người đẩy Beale đến cái chết tàn nhẫn ở cuối phim khi hết giá trị lợi dụng.
“Ngay bây giờ, có cả một thế hệ không bao giờ biết một thứ gì khác ngoài những gì được phát sóng. Truyền hình có thể quyết định sự thành bại của tổng thống, giáo hoàng, thủ tướng… Truyền hình có thể trở thành thế lực đáng gờm nhất. Và bất hạnh thay nếu nó rơi vào tay người xấu” - Howard Beale nói trong một trường đoạn dài như một cơn thịnh nộ trên sóng truyền hình trực tiếp trước hàng chục triệu khán giả.
Ở cuối phim, những giọt nước mắt muộn màng của Diana, và lời nói buồn bã trong tuyệt vọng của Max như những dự cảm, cũng là lời cảnh báo cho những kết thúc buồn bã của cuộc chạy đua vô nghĩa ấy. “Khi em thờ ơ trước đau khổ, vô cảm với niềm vui, mọi sự sống chỉ là đống đổ nát… Anh cảm thấy tội lỗi, day dứt, những cảm xúc mà em coi là ủy mị, nhưng thế hệ của anh gọi đó là tình người giản đơn…”.
Dù ra đời cách đây 50 năm, “Network” đã đưa ra được những vấn đề đầy hơi thở của thời đại, về sự nguy hiểm của chủ nghĩa thực dụng, có thể biến con người thành những kẻ vô cảm, cuồng tín, dễ bị thao túng, cũng như phơi bày sự thật về việc các tập đoàn lớn, các đài truyền hình, truyền thông thao túng dư luận, kích động dân chúng phục vụ lợi ích của họ.
Dù vậy, bộ phim cũng mắc phải những đả kích về sự nghiêm khắc, tiêu cực và sự chỉ trích thái quá dành cho truyền thông, cũng như coi công chúng như những “đám đông vô hồn”. Nhưng, với sự diễn xuất tuyệt vời cùng những ý tưởng tiên phong và dũng cảm, những lời thoại mang tính châm biếm sâu sắc, “Network” vẫn nhận được sự khen ngợi lớn bởi những nhận định thẳng thắn có tác động trực diện và lâu dài tới không chỉ nền giải trí, văn hóa, truyền thông, mà còn gợi ra những suy ngẫm sâu sắc về tài chính, tiền tệ, chứng khoán, chính trị, và tôn giáo…
Năm 2002, phim được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng của Hiệp hội Nhà sản xuất Hoa Kỳ với tư cách là bộ phim đã “đặt ra tiêu chuẩn lâu dài cho nền giải trí Mỹ”. Năm 2005, Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ đã bình chọn kịch bản của “Network” do Chayefsky viết là một trong 10 kịch bản hay nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ. Năm 2007, bộ phim đứng thứ 64 trong số 100 phim Mỹ hay nhất do Viện phim Mỹ bình chọn .
Trải qua nửa thế kỷ, “Network” vẫn liên tục được khán giả tìm kiếm, xem lại và vẫn liên tục tạo ra được những tranh luận không ngừng. Trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, nhiều khán giả trẻ nói “Network” là một bộ phim mang tính “tiên tri” với nhiều những vấn đề được đặt ra vẫn còn tính thực tế mạnh mẽ cho đến tận ngày nay.
Terminator: Vận mệnh đen tối: Sự trở lại của thế hệ già gân
Dù saoTerminator phần thứ 6 vẫn làm tốt sứ mệnh dành cho người hâm mộ. Trên Rotten Tomatoes, phim được chấm 70%