Ngắm siêu trăng xanh tại Việt Nam vào lúc nào?

Siêu trăng xanh sẽ xuất hiện vào 21h30 ngày 30/8 (theo giờ miền đông Mỹ) nhưng từ tối nay 30/8 tại Việt Nam, người yêu thiên văn có thể theo dõi hiện tượng này. Đây là siêu trăng thứ 2 trong số tổng cộng 3 siêu trăng của năm 2023.

Space đưa tin, siêu trăng xanh sẽ tròn nhất vào lúc 21h30 ngày 30/8 (theo giờ miền đông Mỹ), khoảng 8h35 sáng 31/8 (theo giờ Việt Nam). Đây không phải là thời gian thuận lợi để ngắm nhìn siêu trăng, do đó người yêu thiên văn học Việt Nam chỉ có thể quan sát Mặt Trăng ở trạng thái gần như tròn nhất của Mặt Trăng vào đêm nay 30/8 và đêm 31/8 (theo giờ Việt Nam).

Thời khắc siêu trăng tròn đến cực đại diễn ra khá ngắn và không thể theo dõi bằng mắt thường.

Ngắm siêu trăng xanh tại Việt Nam vào lúc nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hiện tượng trăng xanh là thuật ngữ chỉ hiện tượng trăng tròn thứ hai trong cùng tháng 8, không liên quan đến màu sắc của Mặt Trăng. Lần trăng tròn trước diễn ra vào ngày 1/8 và lần đó cũng là siêu trăng. Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất so với Mặt Trời và được chiếu sáng hoàn toàn, theo VTC News.

Theo Space, đây là siêu trăng thứ 2 trong số tổng cộng 3 siêu trăng của năm 2023. Ở siêu trăng lần này, Mặt Trăng sẽ chạm đến điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó, cách chúng ta khoảng 363.711 km. Hình ảnh Mặt Trăng có thể trông to hơn 14% và sáng hơn khoảng 30% so với Mặt Trăng tròn thông thường.

Nếu điều kiện thuận lợi, người đam mê thiên văn học có thể quan sát siêu trăng xanh bằng mắt thường mà không cần dùng thiết bị thiên văn. Tuy nhiên nếu trời quá nhiều mây hoặc khói bụi việc theo dõi cũng bị hạn chế.

Hiện tượng siêu trăng không phải là hiếm, khi nó diễn ra trung bình 3-4 lần/năm. Tuy nhiên, trăng xanh lại ít phổ biến hơn, khi chỉ có 1 trong số 33 lần siêu trăng đáp ứng đủ điều kiện.

Theo NASA, chúng ta phải đợi đến năm 2037 đến chứng kiến trăng xanh tiếp theo của Mặt Trăng.

Mặc dù được gọi là "trăng xanh", nhưng nó không liên quan đến màu sắc của Mặt Trăng. Theo lý giải của Live Science, nó chỉ cách đặt tên dành cho hiện tượng trăng tròn thứ 2 xuất hiện trong cùng một tháng, theo Dân trí.

Siêu trăng là một thuật ngữ khá mới. Người đầu tiên đặt tên cho hiện tượng này là nhà chiêm tinh Richard Nolle vào năm 1979. Khi ấy, siêu trăng dùng để chỉ trăng non hoặc trăng tròn trong phạm vi 90% cận điểm.

(Tổng hợp)

AN LY