Nghỉ nghề chính của mình để “đu” theo sóng thị trường đất nền

Thực tế cho thấy, sau mỗi cơn sốt đất đi qua, nhất là ở các vùng quê hoặc tỉnh lân cận, nhiều người đã bỏ hẳn nghề/hoặc tạm thời dừng nghề để kiếm tiền. 

Cơ hội kiếm tiền không phải lúc nào cũng có, cho nên khi tham gia thị trường, nhiều người xác định dừng nghề chính. Sau đó, có người quay lại nghề cũ sau cơn sốt, nhưng cũng có người dừng hẳn vì "có duyên" với đất đai, thu nhập tốt hơn.

Theo một nhà đầu tư tay ngang sống tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai, khi đã theo nghề buôn đất và có cơ hội kiếm tiền tốt thì gần như chọn đi theo luôn. Nhiều người từ tay ngang trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, kiếm được tiền tỉ trong vài tháng là chuyện bình thường, thu nhập này gấp nhiều lần so với nghề chính, đó là lý do họ bỏ nghề để kiếm thu nhập tốt hơn.

Không thể phủ nhận, đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều gì cũng có mặt trái của nó cả. Kênh đầu tư nào cũng có khả năng rủi ro nếu người đầu tư thiếu hiểu biết, không tìm hiểu kỹ trước khi ném tiền vào. Những "bong bóng" đất vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến không ít người giàu lên bất thường, nhưng cũng nghèo đi bất ngờ. Cho nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư không bao giờ thừa.

Cũng theo một vị đầu tư trong ngành, nhiều người cứ nghĩ có tiền là đầu tư BĐS được. Thế nhưng, ngoài tài chính thì kinh nghiệm, kiến thức mới giúp nhà đầu tư trụ lâu dài trên thị trường BĐS.

Cùng từng là dân văn phòng, anh V, gần như bỏ hẳn nghề để chuyên tâm "săn đất". Hiện anh V sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM gần như ngày nào cũng cùng nhóm bạn bàn về đất đai, và đi thị trường tỉnh để săn đất. Có nguồn hàng thì lướt, nguồn hàng để lâu rồi chốt lời cao. Hiện nguồn thu nhập của anh V gấp nhiều lần so với thời điểm đi làm văn phòng. "Người ta hay nói vui, làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất, câu này đúng với hoàn cảnh tôi này. Bởi, để đột phá về tài chính thì mình cũng phải nghĩ hướng đi. Được cái có bạn bè làm trong nghề nên cũng hướng dẫn nhiều; hiện tại thì anh em chuyên đầu tư đất", anh V chia sẻ.

Trong vai người đi tìm mua đất, tôi được giới thiệu tới lô đất vườn tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM, diện tích 1.000 m2, giá 1,5 tỷ, tuy nhiên, chỉ 10 ngày sau trở lại chủ đất đã đẩy giá gần 2 tỷ. Cũng tại đây, nhiều lô đất nông nghiệp 500 - 600m2, nhưng giá cũng lên tới 1,2 -1,3 tỷ. “Những lô đất này hiện nay chưa được chuyển sang thổ cư, nhưng về sau sẽ chuyển sang thổ cư được”, một “cò đất” ở đây lý giải. Gần đó, những lô đất nông nghiệp cũng đang được đẩy giá lên cao gấp rưỡi. Tại xã Phú Trung, Củ Chi, một lô đất nông nghiệp rộng 5 sào được chào bán với giá 1,2 tỉ đồng/sào. Giá này được đẩy lên 30% so với tháng trước và chủ đất khẳng định giá sẽ còn tăng lên nữa nếu không mua.

Với những lô đất nông nghiệp có thổ cư 20 - 30%, thì giao dịch sẽ tính giá trên m2, và mức giá đã lên tới 15 triệu đồng/m2 so với mức dưới 10 triệu/m2 hồi đầu năm.

Theo tìm hiểu, giá nhà đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn và tỉnh Bình Dương cũng như gần các tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… đang tăng nhanh với biên độ lớn. Giá bán trung bình cho một diện tích đất ở 200 m2 tại huyện Củ Chi dao động ở mức 3,4 - 3,5 tỉ đồng (khoảng 17,5 triệu đồng/m2), tăng hơn 1,2 - 1,5 lần so với trước Tết.

Lãnh đạo một công ty quản lý bất động sản nhận xét, sau khi có thông tin, TP HCM kêu gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhiều đầu cơ, môi giới đất đai đã ùn ùn kéo về đây, nên hầu hết giao dịch bất động sản hiện nay không phải của người mua nhà đất để ở, mà chỉ là sự chuyển nhượng của giới đầu cơ. Sở dĩ giá được đẩy lên cao như vậy phần lớn do giới đầu cơ thường đi rải tiền đặt cọc, giữ đất, sau đó ai có nhu cầu thì bán lại cọc và ăn lời.

Không chỉ ở Củ Chi, mà tỉnh Bình Phước cũng vậy, sau khi Chính phủ giao các bộ, ngành và tỉnh khảo sát để xem xét quy hoạch Sân bay Technic, giới cò đất đã ngay lập tức đổ xô về quanh khu vực để thổi giá đất nhằm trục lợi, gây mất an ninh trật tự, một cơn địa chấn "sốt ảo" đất khiến nhiều người sập bẫy!

Tổng Hợp