Trái quýt hay còn gọi là quýt xiêm (tên khoa học là Citrus reticulata Blanco) là loại trái cây thuộc họ cam. So với trái cam, trái quýt có kích thước nhỏ hơn, có hình cầu hơi dẹt. Trái chín màu vàng hoặc màu cam. Vỏ quýt mỏng, có mùi thơm đặc trưng, không dính múi nên rất dễ bóc. Phần thịt của trái thơm dịu, vị ngọt xen lẫn chua. Tỷ lệ chua và ngọt sẽ tùy từng loại quýt. Trái quýt có tính mát, vị thơm đặc trưng, được nhiều người yêu thích. Nhưng liệu rằng người bị tiểu đường ăn quýt được không?
Trái quýt và những lợi ích với sức khỏe
Quýt không chỉ là một loại trái cây phổ biến được nhiều người yêu thích. Trái quýt còn được coi là một vị thuốc quý. Có thể kể đến những lợi ích tuyệt vời từ quýt với sức khỏe con người như:
Tăng cường miễn dịch cơ thể
Quýt chứa nhiều vitamin C. Thậm chí lượng vitamin C mà một quả quýt cỡ lớn cung cấp có thể đáp ứng đến 26% nhu cầu vitamin C của cơ thể mỗi ngày. Vitamin C có nhiều lợi ích với sức khỏe, một trong số đó chính là củng cố hệ miễn dịch của cơ thể.
Giảm nguy cơ viêm nhiễm
Trong thành phần dinh dưỡng của trái quýt có nhiều chất chống oxy hóa như: Naringin, nobiletin, naringenin, hesperidin, narirutin. Những chất chống oxy hóa này làm nhiệm vụ chống lại tác động của các gốc tự do. Từ đó nó giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Tốt cho tiêu hóa
Chất xơ có trong trái quýt giúp việc tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi hơn, phòng ngừa nguy cơ táo bón. Chất xơ này cũng làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn, tạo cảm giác no lâu, giảm ăn vặt. Điều này hữu ích với những người đang cần kiểm soát cân nặng.
Tốt cho hệ tim mạch
Trong trái quýt có chứa hoạt chất flavonoid. Hoạt chất này có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu. Nhờ đó, những người thường xuyên ăn quýt có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ tim mạch. Các chất chống oxy hóa và vitamin C trong quýt cũng giúp cho trái tim khỏe mạnh hơn.
Tốt cho làn da và mái tóc
Thành phần vitamin A và vitamin C trong trái quýt giúp da mịn màng, đều màu hơn. Các vitamin này cũng kích thích tăng sinh collagen, giúp bạn có làn da đàn hồi, săn chắc. Vitamin B12 trong trái quýt giúp giảm rụng tóc, kích thích mọc tóc.
Tốt cho bệnh nhân ung thư
Một nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm đã chứng minh nước quýt tươi có thể kìm hãm sự phân chia của các tế bào ung thư một cách rõ rệt. Vì vậy, đây cũng được xem là tin vui với những bệnh nhân ung thư và yêu thích loại trái cây này.
Tiểu đường có được ăn quýt không?
Với những lợi ích kể trên, không khó hiểu khi những người tiểu đường quan tâm đến vấn đề tiểu đường ăn quýt được không. Giống như bất kỳ thực phẩm nào khác, trái cây đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường.
Việc chọn loại trái cây phù hợp sẽ giúp đường huyết ổn định, tốt cho quá trình điều trị bệnh. Ngược lại, chọn trái cây không phù hợp sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng và có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Trái cây nói chung và trái quýt nói chung, dù có vị ngọt nhưng không phải thực phẩm người tiểu đường cần kiêng hoàn toàn. Bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể ăn quýt vì loại quả này ngoài mang đến những lợi ích như trên còn tốt cho người bị bệnh. Cụ thể:
Giúp giảm đường huyết và làm tăng độ nhạy insulin
Trái quýt có thể làm giảm nồng độ đường trong máu và làm tăng độ nhạy insulin trong tế bào. Nhờ đó, đường được chuyển hóa hiệu quả hơn, hạn chế dư thừa trong máu. Hai thành phần giúp giảm nồng độ đường huyết có trong trái quýt chính là naringin và neohesperidin. Hai hợp chất này cũng có tác dụng tăng nồng độ các enzyme quy định sự hấp thụ glucose trong gan.
Hỗ trợ quá trình dung nạp glucose
Với hàm lượng vitamin C dồi dào, trái quýt cũng hỗ trợ quá trình dung nạp glucose trong cơ thể. Vitamin C còn giúp người tiểu đường giảm nguy cơ viêm, giảm ảnh hưởng đến mao mạch.
Hỗ trợ quá trình giảm cân
Chất sinetrol trong trái quýt giúp tăng chuyển hóa chất béo, giảm mỡ thừa từ đó giúp giảm cân hiệu quả. Khi giảm cân, người bệnh có thể kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.
Vậy bệnh nhân tiểu đường ăn quýt được không? Trái quýt cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cần cân nhắc kỹ lượng ăn phù hợp để tránh làm đường huyết tăng quá mức.
Người tiểu đường cần lưu ý gì khi ăn quýt?
Nên ăn quýt tươi thay vì quýt sấy khô, mứt hay các loại quýt đã qua chế biến. Việc ăn quýt nguyên trái sẽ tận dụng được cả chất xơ, tốt hơn uống nước ép quýt. Việc uống nước ép quýt tươi nguyên chất sẽ tốt hơn uống nước quýt đóng chai. Các loại trái cây đã qua chế biến hay nước ép trái cây đóng chai thường chứa nhiều đường, chất bảo quản, đều không tốt cho sức khỏe.
Mỗi lần ăn quýt bạn chỉ nên ăn một lượng nhỏ và chia ra ăn làm nhiều lần trong ngày. Để tránh làm đường huyết tăng cao, người bệnh nên tránh ăn quýt sau khi ăn no hoặc ăn ngay sát bữa ăn.
Có nhiều loại quýt trên thị trường với tỷ lệ đường khác nhau. Tốt nhất, bạn nên chọn những trái quýt không quá chín hẳn và loại quýt ít ngọt sẽ tốt hơn cho đường huyết. Dù cũng là trái cây họ cam nhưng quýt lại chứa nhiều đường hơn bưởi. Nếu thích trái có múi, người bệnh tiểu đường có thể giảm ăn quýt và ăn bưởi để thay thế sẽ tốt hơn.
Bị tiểu đường nên ăn hoa quả gì?
Dù quýt có nhiều lợi ích cho sức khỏe và với câu hỏi “tiểu đường ăn quýt được không?”, câu trả lời là có thì bạn cũng không nên ăn duy nhất loại trái cây này. Có nhiều loại trái cây dành cho người tiểu đường, bạn có thể ăn xen kẽ để chống ngán và cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cơ thể. Người bị bệnh tiểu đường được khuyến khích ăn các loại trái cây như: Dâu đen và dâu tây, cà chua, táo, cam, bưởi, mận, lựu, bơ, đào,…
Giống như các thực phẩm khác, trái cây cũng có chỉ số đường huyết thực phẩm riêng cho từng loại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhóm trái cây có chỉ số GI thấp cần được ưu tiên.
Tuy rằng quýt là loại trái cây tốt cho người tiểu đường nhưng để đảm bảo an toàn cho quá trình điều trị, người bệnh chỉ nên ăn với một lượng vừa phải, hoặc có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn căn cứ theo chỉ số đường huyết và tình trạng bệnh của bản thân.
(Nguồn: Tổng hợp)