Người lao động chịu thiệt ra sao khi công ty chậm đóng Bảo hiểm y tế?

Doanh nghiệp có trách nhiệm đóng khoản tiền BHYT cho cơ quan BHXH chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng.

Công ty được đóng BHYT chậm bao lâu?

Theo trang Luatvietnam, căn cứ Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP,  người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ thuộc nhóm do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng BHYT.

Mỗi tháng, người lao động chỉ phải trích 1,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đóng vào Quỹ BHYT. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đóng 3% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động.

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm đóng khoản tiền trên cho cơ quan BHXH.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về trường hợp doanh nghiệp chậm đóng BHYT , theo Khoản 73 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH sửa đổi bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH đã quy định: Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 17 chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. 

Từ đó cho thấy, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Điều 49 Luật BHYT. Đồng nghĩa với đó, doanh nghiệp được phép chậm đóng BHYT đến 29 ngày.

Người lao động thiệt thòi khi công ty chậm đóng BHYT

Doanh nghiệp được chậm đóng BHYT đến gần 1 tháng. Việc chậm đóng này sẽ ảnh hưởng phần nào đến quyền lợi của người lao động khi đi khám chữa bệnh.

Vì nếu công ty chậm đóng BHYT, người bệnh sẽ không được cấp thẻ BHYT hoặc đã có thẻ thì sẽ không được gia hạn. Khi đó, thẻ BHYT đã cấp sẽ không có giá trị sử dụng.

Nếu không may, trong thời gian này, người lao động bị ốm đau, tai nạn mà phải đi khám chữa bệnh sẽ phải tự mình thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể đòi hỏi quyền lợi về BHYT từ phía người sử dụng lao động. Nội dung này được quy định cụ thể tại điểm b khoản 3 Điều 49 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi bổ sung 2014, như sau:

Người sử dụng lao động không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau: Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó người sử dụng lao động còn buộc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Ngoài ra, với việc chậm đóng BHYT thì tùy thuộc vào số lượng người lao động bị vi phạm, người sử dụng lao động có thể bị phạt hành chính lên đến 40 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Nặng hơn nữa, người sử dụng lao động có thể bị xử lý hình sự về Tội trốn đóng BHYT được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương