Người nhiễm biến chủng Omicron sẽ có những triệu chứng thế nào?

Biến thể Omicron ghi nhận ở Nam Phi, có nhiều đột biến và sức lây nhiễm cao đang lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người lo ngại biến chủng này sẽ có triệu chứng như thế nào?

Theo tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, là bác sĩ đầu tiên cảnh báo cho giới chức y tế Nam Phi về biến chủng mới, nhận thấy những F0 khỏe mạnh nhiễm biến chủng mới có triệu chứng rất khác thường, song, họ đều ở thể nhẹ.

Theo Telegraph, Tiến sĩ Angelique Coetzee cho biết một số người mắc COVID-19 các triệu chứng không rõ ràng ngay lập tức.

Những bệnh nhân này đều trẻ tuổi (<40 tuổi), thuộc nhóm sắc tộc khác nhau, báo cáo về tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Một bệnh nhi là em bé 6 tuổi bị nhịp tim cao bất thường.

Theo vị bác sĩ này, từng ghi nhận những bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19. Họ gặp phải tình trạng rất mệt mỏi.

Bà từng theo dõi khoảng 20 bệnh nhân có kết quả dương tính với COVID-19 có triệu chứng của biến chủng mới. Hầu hết họ là nam giới, khỏe mạnh, cảm thấy mệt mỏi. Khoảng 50% trong số này chưa được tiêm vaccine COVID-19.

phong-thi-nghiem-omicron-5199-1638019794.jpg
Các nhà khoa học đang theo dõi biến chủng mới này.

Bà Coetzee nhận thấy điểm chung của tất cả F0 nhiễm biến chủng Omicron là gặp phải tình trạng đau cơ, mệt mỏi trong 1-2 ngày. Các triệu chứng đều không đặc hiệu.

Không ai trong số họ bị mất vị giác hay khứu giác. Người nhiễm chủng Omicron có thể ho nhẹ, ngoài ra, họ cũng không biểu hiện triệu chứng nào đáng kể. Trong những bệnh nhân mắc COVID-19 vì Omicron, một số trường hợp có thể điều trị tại nhà.

"Điều đặc biệt là một em bé 6 tuổi có nhịp tim, thân nhiệt cao bất thường. Sau khi theo dõi hai ngày, sức khỏe của bé gái đã tốt hơn rất nhiều”, bà Coetzee nói thêm.

Nhưng điều khiến vị chuyên gia lo lắng đó là biến chủng mới có thể tấn công người cao tuổi, mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim. Bà đã gửi cảnh báo này tới Hiệp hội Y tế châu Phi.

Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới nhất do biến thể Delta gây ra vẫn đang đè nặng lên hệ thống y tế của hàng loạt quốc gia, biến thể Omicron, hay B.1.1.529, được cho là có nguồn gốc tại Nam Phi đã nhanh chóng gây báo động ở nhiều nước trên thế giới. 

Hiện chưa rõ địa điểm khởi phát của siêu biến thể này, nhưng ca đầu tiên được xác định ở Nam Phi là tại tỉnh Gauteng, một trung tâm kinh tế lớn, đồng thời cũng là tỉnh ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong những ngày gần đây. Các ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên cũng được ghi nhận Botswana, Israel và Hong Kong (Trung Quốc) và lan rộng ra các nước: Áo, Úc, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Ý, Đức, Anh...

Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến nằm ở protein gai, khiến nó khác biệt hẳn so với virus gốc. Các nhà khoa học gọi đó là chùm đột biến bất thường khi Omicron có các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay.

Sau khi giới khoa học Nam Phi công bố thông tin về biến thể “siêu đột biến” này, một loạt quốc gia đã áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh với người từ một số quốc gia châu Phi. Song Nam Phi đã phản đối lệnh cấm nhập cảnh của các quốc gia và cho rằng việc vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của WHO, theo TTXVN. 

Theo WHO, sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu xem liệu các đột biến mới được phát hiện có làm cho virus trở nên độc hại hơn hoặc có khả năng lây truyền mạnh hơn hay không. Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của WHO.

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương