Cô giáo Phạm Thị Huyền trên bục giảng |
Lớp học “xoá mù chữ” giữa lòng thủ đô
Nằm trong con ngõ nhỏ tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), lớp học đặc biệt của cô giáo Phạm Thị Huyền (70 tuổi, quê Tuyên Quang) đều đặn mở cửa vào lúc 7 giờ sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Những tiếng ê a tập đánh vần, tập tính của học sinh đan xen với tiếng giảng bài của cô giáo.
Lớp học “xóa mù chữ” được cô giáo Huyền thành lập từ năm 1998, đến nay đã được gần 30 năm. Cô Huyền sinh ra và lớn tại Tuyên Quang. Năm 1972, cô học tại Trường Trung cấp Sư phạm ở Tuyên Quang. Ra trường, cô về dạy học sinh tiểu học tại quê nhà. Tới năm 1998, vì điều kiện gia đình, cô cùng gia đình chuyển về phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
“Chân ướt chân ráo về Thủ đô, không xin được việc làm nên tôi buồn và nhớ nghề lắm. Ngày ấy phường Hạ Đình còn kém phát triển, kinh tế khó khăn. Tôi để ý thấy trẻ con buổi trưa nắng mà cứ đầu trần chân đất chạy ngoài bờ ruộng. Hỏi ra mới biết, những đứa trẻ đó là con của những người ngụ cư, họ từ quê ra thành phố kiếm sống, chủ yếu đi nhặt rác, làm phụ hồ… Họ không có nhà cửa mà chỉ thuê những túp lều ở tạm, vì vậy con cái cũng không có điều kiện để đi học”, cô Huyền xúc động nhớ lại.
Nhờ sự bảo ban của cô giáo, nhiều em học sinh đã đọc thông, viết thạo. |
Hình ảnh những trẻ đen nhẻm, gầy gò dãi nắng, quanh quẩn bốc đất, bắt dế chơi đùa giữa những ngày Hà Nội nắng như đổ lửa cứ ám ảnh trong tâm trí cô Huyền. Cô trăn trở suy nghĩ tại sao mình có kiến thức sư phạm lại không làm gì đó giúp đỡ những đứa trẻ tội nghiệp này, biết đâu tương lai của chúng sẽ sáng sủa hơn. Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 1998, cô Phạm Thị Huyền mở lớp học tình thương trong chính căn nhà nhỏ vỏn vẹn 34 mét vuông của mình.
Không có tiền, không có sẵn phòng học, những ngày đầu mở lớp cô Huyền gặp phải vô vàn khó khăn. Muốn có chi phí mở lớp học cho các em, cô phải đem bán cả bộ ghế sofa của gia đình được 500.000 đồng để mua bảng, phấn và 3 bộ bàn ghế gỗ cho học sinh ngồi. Để vận động những đứa trẻ vô gia cư, cơ nhỡ đến lớp, cô Huyền tìm đến từng nhà, động viên từng phụ huynh và học sinh. Lúc đầu, mọi người không tin, nghĩ rằng làm gì chuyện dạy học miễn phí. Vì thế khi đó, lớp mở ra chỉ có vỏn vẹn 6 học sinh, đủ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh.
Dù nhiều người hoài nghi, nhưng cô Huyền vẫn cặm cụi, kiên nhẫn duy trì lớp học. Các em học sinh ở lớp không chỉ được học hoàn toàn miễn phí mà còn được cô hỗ trợ giấy bút, sách vở. Tiếng lành đồn xa, lớp học gieo yêu thương của cô giáo Huyền ngày càng được nhiều người biết tới. Số học sinh tăng dần từ 6 em lên 10, 15, có thời điểm lên tới 20 học sinh.
Năm 1999, khi biết đến tấm lòng của cô Huyền, biết đến những hoàn cảnh mà cô đang cưu mang, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em quận Thanh Xuân và UBND phường Hạ Đình đã hỗ trợ cho lớp học. Bà Trần Thị Thanh Thanh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em lúc đó biết tin cũng tìm đến tận nhà động viên.
Cùng lúc đó Uỷ ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em quận Thanh Xuân mời cô Huyền về làm giáo viên dạy xóa mù, đồng thời là tư vấn viên cho trẻ em đường phố. Một thời gian sau, do gia đình chuyển về phường Thanh Xuân Nam sinh sống vì vậy cô cũng làm đơn chuyển lớp học sang nhà Hội họp G5, tổ dân phố 6, phường Thanh Xuân Nam. Từ đó đến nay, lớp học được cô Huyền duy trì cùng với tình yêu nghề và tình thương dành cho trẻ em khó khăn. Trong nhiều năm qua, Tổ dân phố đã hỗ trợ phòng học cũng như tiền điện, tiền nước để giúp duy trì lớp học.
Những “người mẹ” tận tâm, tận tụy
Ban đầu, lớp học của cô chỉ có các em học sinh cơ nhỡ, hoàn cảnh đặc biệt. Sau đó có thêm trẻ em đường phố, chúng từ tứ xứ đổ về Hà Nội làm đủ nghề như đánh giày, bán báo và cũng được cô nhận vào lớp học. Còn có những trường hợp, ba mẹ lấy nhau tự phát, không đăng kí kết hôn, nên khi sinh con ra cũng không đi đăng ký khai sinh cho con. Vì thiếu giấy tờ nhập học nên một số em không thể đến trường. Có những em, ba mẹ không may bị tai nạn mất, ở với ông bà song điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn.
Em Mai Khánh Linh - học sinh đã gắn bó với lớp 3 năm. |
“Có một học sinh quê ở Thanh Hoá ngày nào cũng phải đi bán kẹo cao su, tăm bông, kẹp tóc… đến tận đêm muộn mới được về ngủ nên hay tới lớp muộn. Tôi nhớ mãi khi đến nhà em gọi dậy đi học, lật chăn lên thì thấy ngón chân của em bị chảy máu. Hỏi ra mới biết, vì căn nhà tối tăm, ẩm ướt và không được vệ sinh nên đêm nằm ngủ, chuột vào cắn ngón chân. Tội nghiệp lắm, tôi chỉ biết động viên con cố học lấy con chữ để sau này bớt khổ”, cô Huyền trăn trở.
Ðến năm 2017, nhận thấy không chỉ những trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà nhiều em khuyết tật cũng không có điều kiện đến trường học, cô Huyền lại mở rộng thêm quy mô lớp học.
Cô Huyền tâm sự: “Nhìn các con mang bệnh tật, khiếm khuyết như vậy tôi thương lắm. Xác định là khó khăn và vất vả hơn nhiều khi dạy trẻ bình thường song tôi vẫn quyết tâm nhận dạy các cháu. Kiên trì dạy một lần không được thì dạy hai, ba lần, cứ dạy đi dạy lại hàng chục lần cũng được. Có những con học 2, 3 năm mới qua được một lớp. Thế nhưng không sao cả, khi các con tới với mình thì dù chỉ có một chút tiến bộ cũng đã rất đáng mừng”.
Việc dạy học cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt không hề đơn giản, bởi trình độ của mỗi bạn mỗi khác. Có em đang ở trình độ lớp 1, có em lại ở trình độ lớp 2, lớp 3… Vì vậy, cứ mỗi sáng tới lớp, cô lại tận tụy hướng dẫn từng em kỹ năng đọc, viết. Sau đó, cô cho học sinh làm bài luyện tập rồi lại sang giảng bài cho em khác. Khi đến với lớp học của cô Huyền, tất cả các em đều chưa biết chữ. Nhờ sự kiên trì, không ngừng cố gắng mà cả cô và trò đều đã thu về những “quả ngọt”.
“Hôm đó, tôi cho bọn trẻ đi chơi, bỗng nhiên một cháu chỉ và đọc dõng dạc dòng chữ ‘Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân’. Nghe được câu đó, tôi thấy tự hào và hạnh phúc vô cùng”, cô Huyền xúc động kể lại.
Các em học sinh được cô chỉ dạy về cả kiến thức lẫn cách làm người, rèn luyện tính kiên trì và nghị lực để vượt khó vươn lên. Đối với các bạn nhỏ mắc chứng tự kỷ, đao, chậm phát triển trí tuệ, cô Huyền không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ dạy các em cả kỹ năng biết tự phục vụ bản thân mình.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai đến thăm lớp học vào dịp Tết. |
Kể về trường hợp em Nguyễn Mạnh Nghĩa - một học sinh chậm phát triển trí tuệ, cô Huyền cho biết, hoàn cảnh của Nghĩa vô cùng khó khăn. Mẹ của Nghĩa làm giúp việc theo giờ, hai mẹ con thuê một phòng ở tạm cách lớp 10km. Ban đầu, ngày nào mẹ em cũng phải đưa con đi học, rất vất vả và mất thời gian. Thấy vậy, cô Huyền xin cho Nghĩa một chiếc xe đạp cũ và tập cho em tự đi xe đạp. Sau hơn 10 ngày kiên trì, Nghĩa đã tự biết đạp xe và chủ động di chuyển được quãng đường giữa nhà và lớp học.
“Vì trí tuệ chỉ như đứa trẻ con nên con ăn uống không có kiểm soát dẫn đến bị thừa cân, kéo theo hàng loạt hệ lụy như gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ... Đã có lúc, con phải nhập viện vì tình trạng sức khoẻ không tốt. Từ khi tự đi xe đạp tới lớp, Nghĩa được vận động nhiều nên đã cải thiện được những vấn đề sức khỏe”, cô Huyền hạnh phúc cho hay.
Cô Phạm Thị Huyền và cô Lã Thị Bảy |
Gần 27 năm lớp học được “khai sinh”, nỗi sâu nặng với nghề, tấm lòng thiết tha với những mảnh đời không trọn vẹn của cô giáo Huyền chưa bao giờ vơi nhẹ. Thế nhưng ở độ tuổi 70, sức khoẻ của cô Huyền không còn như trước, vì vậy từ cuối năm 2023 cô Huyền đã bàn giao vị trí giáo viên chủ nhiệm cho cô Lã Thị Bảy (65 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cô Bảy là giáo viên về hưu của một trường cấp 2 thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Ðịnh. Khi nghe kể về hoàn cảnh của các em học sinh trong lớp, cô Lã Thị Bảy rất xúc động và quyết định tiếp nối sự nghiệp trồng người thay cô Huyền.
“Năm nay tôi cũng đã 65 tuổi. Khi được giao làm giáo viên chủ nhiệm, tôi rất vui nhưng cũng lo lắng vì trước đây tôi dạy cấp 2, chưa có kinh nghiệm dạy các em học sinh tiểu học. Ðể có thể làm quen với việc dạy học, thời gian đầu ngày nào tôi cũng phải lên lớp để dự giờ, học hỏi cô Huyền cách giảng dạy. Dần dần cô quen nghề, các con quen thân và rất mực yêu quý cô giáo của mình”, cô Bảy chia sẻ.
Ngoài ra, để có thêm kinh nghiệm giảng dạy, cô Bảy thường xuyên tham gia các khóa học bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giáo dục học sinh đặc biệt. Nhiều lần cô còn đến một số trường dành cho học sinh khuyết tật để quan sát, học hỏi cách dạy, từ đó ứng dụng để làm tốt công việc chuyên môn của mình.
Song, bởi là người “khai sinh” ra lớp học nên cô Phạm Thị Huyền vẫn còn nhiều điều nặng lòng, trăn trở. Cô Huyền cho biết, hàng tuần vào thứ Năm và thứ Sáu, cô vẫn đến lớp dạy các học sinh, phần vì nhớ nghề, phần bởi nhớ không khí lớp học với những đứa học trò đặc biệt của mình. Những ngày còn lại trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Tư, cô Bảy sẽ là người đứng lớp.
“Thỉnh thoảng vào những dịp đặc biệt, hai cô giáo lại cùng đưa các con đi chơi và tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nhà tôi có nghề phụ xay bột nên vào Tết Hàn thực, tôi thường đem bột tới lớp cho các con làm bánh trôi. Hay như ngày 20/11, thay vì nhận hoa từ học trò thì cô Huyền lại mua hoa đến lớp dạy các con cắm hoa trang trí. Nhìn những đứa trẻ từ ngơ ngác, long ngóng vụng về không biết gì đến khi biết đọc, biết viết, biết bày tỏ, thổ lộ cảm xúc của mình, chúng tôi xúc động vô cùng”, cô Bảy tự hào chia sẻ.
Gắn bó với học sinh như người thân trong nhà, 27 năm qua, lớp học “xoá mù chữ” đã trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng tri thức cho gần 200 mảnh đời đặc biệt. Từng lứa học trò cứng cáp dần lên rồi tốt nghiệp và lứa sau lại tiếp nối được tuyển mới vào.
Các em học sinh đón Tết Trung thu. |
“Nhiều kỷ niệm có lẽ cả đời này tôi không thể quên. Thành công và hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi thấy các con tự biết chăm sóc bản thân, biết đọc thông viết thạo. Có những bạn tốt nghiệp xong trở về quê đi làm ở khu công nghiệp, mở cửa hàng cắt tóc gội đầu, thỉnh thoảng Tết đến vẫn nhớ cô, bắt xe khách lên thăm cô. Các bạn hòa nhập được cuộc sống, tự đứng được trên đôi chân của mình, với những người làm thầy, cô giáo thì đó là niềm vui sướng và hạnh phúc vô cùng”, cô Huyền xúc động chia sẻ.
Quan điểm gây bão: Chỉ khi việc tặng quà biến mất hoàn toàn, học sinh mới thực sự có một môi trường giáo dục lành mạnh!
Quan điểm của phụ huynh này nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.