Nguy cơ giá năng lượng tiếp tục tăng cao nếu OPEC 'chệch nhịp'

Cuộc họp của OPEC+ sẽ phải kéo dài sang ngày thứ ba, là ngày 5/7, thay vì chỉ diễn ra trong vòng một ngày như dự kiến do không đạt được thỏa thuận về việc bổ sung thêm dầu vào thị trường.

Cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ phải kéo dài sang ngày thứ ba, là ngày 5/7, thay vì chỉ diễn ra trong vòng một ngày (1/7). Điều này cho thấy tổ chức quyền lực nhất thị trường dầu mỏ thế giới đang “sa lầy” trong bế tắc.

Trước đó, kết thúc ngày họp thứ hai liên tiếp hôm 2/7, OPEC+ đã gây bất ngờ khi không đạt được thỏa thuận về việc có nên bổ sung thêm dầu vào thị trường đang “khát” cung hay không. Nhóm này cho biết họ sẽ cố gắng đi đến một thỏa thuận vào ngày mai (5/7).

Robert McNally, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, nhận định: “Đây là một bế tắc lớn”.

Giá năng lượng tăng cao kỷ lục sau gần ba năm

Tại Mỹ, người dân bước vào kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 với mức giá xăng cao nhất trong vòng bảy năm, khiến những quan ngại về ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế ngày một gia tăng.

Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng chỉ có OPEC+ mới có thể giải cứu thị trường lúc này, bằng cách bơm thêm dầu để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Tuy nhiên, nhóm này hiện chưa thể thống nhất các điều khoản để thực hiện điều đó.

106277775-1575460564340gettyimages-1171381886.jpeg
Logo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại trụ sở chính. Ảnh: Getty Images

Trong khi Nga cho rằng cần phải bơm thêm dầu vào thị trường, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) lại tỏ ra lo ngại về cấu trúc của thỏa thuận, khiến cả khối chưa đạt được sự thống nhất.

Matt Smith, Giám đốc mảng nghiên cứu hàng hóa tại công ty dữ liệu ClipperData, cho biết: “Sự khác biệt về cấp bậc đã phản ánh những mối quan hệ khó khăn trong nội bộ khối. Ở đó, UAE quan tâm đến lợi ích của riêng mình chứ không phải đường lối cốt lõi của OPEC".

Sau gần ba năm giá dầu tại Mỹ lần đầu tiên đã tăng lên trên ngưỡng 75 USD/thùng vào hôm 1/7, đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ tháng 4/2020, khi giá “vàng đen” giảm xuống ngưỡng âm 40 USD/thùng.

Sự phục hồi này được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay tăng cao, trong khi các biện pháp hạn chế di chuyển cũng được nới lỏng nhờ những dấu hiệu dịu đi của đại dịch.

Nhưng cùng với đó, nguồn cung cũng đang bị kìm hãm, bởi OPEC+ chỉ sẵn sàng bổ sung số sản lượng mà tổ chức này đã cắt giảm từ năm ngoái một cách dần dần.

Trong khi đó, sau nhiều năm hoạt động tài chính kém, các nhà sản xuất của Mỹ cũng đang chịu áp lực phải hạn chế các kế hoạch tăng sản lượng.

Nội bộ OPEC mất đoàn kết trong chính sách?

Nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận và giữ nguyên nguồn cung như hiện nay, môi trường giá cả sẽ chịu những tác động nghiêm trọng theo cả hai hướng.

Tuy nhiên, cũng có nguy cơ những bất đồng hiện tại sẽ khiến OPEC+ sụp đổ hoàn toàn, dẫn đến tình trạng mỗi quốc gia tự thực hiện chính sách riêng và bổ sung quá nhiều nguồn cung dầu. Khi đó, kịch bản về một cuộc chiến giá cả như hồi mùa Xuân năm ngoái giữa Saudi Arabia và Nga có thể khiến giá giảm mạnh.

106428468-1583485110753gettyimages-1186559104.jpeg
Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp UAE Suhail al-Mazrouei đến dự cuộc họp lần thứ 177 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tại Vienna, Áo, vào ngày 5/12/2019. Ảnh: AFP

Chủ tịch McNally nói: “Sự hỗn loạn cũng có thể là nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống. Khi OPEC đi chệch hướng, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Trong nhiều năm, UAE và Saudi Arabia, hai cường quốc trong OPEC, là đối tác thân thiết. Trong khi Saudi Arabia là nhà lãnh đạo chính của OPEC thì UAE là nhà sản xuất lớn thứ ba của khối này vào năm 2020.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia gần đây đã căng thẳng hơn và các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc hiện tại của OPEC. Trên thực tế, một số người theo dõi OPEC đã nhận thấy nguy cơ UAE có thể rời bỏ khối hoàn toàn.

TTXVN