Nhà văn Di Li nói về những tật xấu của người Việt: Tôi biết cuốn sách có thể gây chạnh lòng

“Tật xấu người Việt” bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách...

Di Li là một cây bút đa tài, với sức viết đáng kể khi cho ra mắt hàng chục đầu sách đủ thể loại. Với “Tật xấu người Việt”, Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu kỳ công trong hàng chục năm, cùng trải nghiệm phong phú của mình.

Nhà văn Di Li nói về những tật xấu của người Việt: Tôi biết cuốn sách có thể gây chạnh lòng

Cuốn sách “Tật xấu người Việt” nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại “Tật xấu người Việt” và “Tính tốt người Việt” (chưa phát hành). Với “Tật xấu người Việt”, nhà văn Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu trong hàng chục năm và trải nghiệm của mình. Nếu “Tính tốt người Việt” được ra mắt, có thể nói chị sẽ là tác giả đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất về hai khía cạnh tính cách của dân tộc mình.

“Tật xấu người Việt” bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời, vô duyên hay xen vào chuyện cá nhân, trọng nam khinh nữ, hay cả nể, hay gây ồn ào, quan cách, ưa hối lộ, tham nhũng vặt, ưa thành tích, thích làm thầy không thích làm thợ, sính bằng cấp, học chỉ để thăng tiến, thiếu tính độc lập, sĩ diện, hay khoe khoang, tham lam chủ nghĩa, không bảo vệ tài sản công cộng, ích kỷ, nghĩ ngắn chỉ thấy lợi ích trước mắt, thói quen phạm luật, không bao giờ biết đủ, lãng phí…

Nhà văn Di Li
Nhà văn Di Li

Cuốn sách được hình thành trong quãng thời gian 15 năm, tác giả chia sẻ rằng “Tôi biết rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng. Nhưng tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt.

Nhà báo Yên Ba khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã cho rằng “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ. Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi! Nhưng, câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro. Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành.

Nhà báo Hoàng A Sáng cũng nhận xét: “Nhà văn Di Li viết cuốn sách này như một cách tự răn dạy bản thân mình, để mỗi ngày bớt đi được một tật xấu. Cô không viết theo lối thống kê, kể lể hoặc lên án những cố tật của người Việt, mà qua đó tác giả và bạn đọc cùng nhau rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống.”

Đây là cuốn sách thứ 27 của nhà văn Di Li. Chị là nữ tác giả viết đa dạng nhiều thể tài và đặc biệt ghi dấu ấn ở thể loại tiểu thuyết trinh thám và du ký.

Thông tin sự kiện buổi ra mắt sách Tật xấu người Việt của tác giả Di Li.

THÔNG TIN SỰ KIỆN:

- Thời gian: 14h30, thứ Tư, 06/12/2023

- Địa điểm: Khách sạn La Mejor, 22 Tạ Hiện, Hà Nội

Với sự tham gia của các khách mời:

Nhà văn Di Li, tác giả cuốn sách

Nhà báo Phan Đăng, điều phối chương trình

PV

Nhà văn Di Li ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực 'Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa'

Nhà văn Di Li ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa"

Nữ nhà văn Di Li vừa cho ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.