Thông minh, sắc sảo, đa tài lại rất "đàn bà", nữ tính, Di Li là một trong số ít những nữ nhà văn Việt Nam thành công không chỉ trong nghề viết và còn thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Dạy học, Làm truyền thông, Dịch thuật, Phê bình nghệ thuật…
Với nghề viết, Di Li viết nhiều, viết khỏe, 17 cuốn sách gồm cả tiểu thuyết và truyện ngắn đã xuất bản, 3 cuốn sách giáo trình, 7 cuốn truyện dịch với đề tài trải rộng từ Trinh thám, Ký sự, Tình yêu, và mới đây nhất là hai cuốn tùy bút về Ẩm thực là "Tôi đã ăn cả cảnh đồng hoa" và "Nửa vòng trái đất uống một ly trà, Di Li đã đóng góp một nét vẽ rất phóng khoáng lại rất nữ tính vào bức tranh văn học Việt Nam hiện đại.
Dưới đây là những chia sẻ của nữ nhà văn với Phụ nữ mới về văn chương cũng như cuộc sống của mình.
Nhà văn Di Li |
PV: Thường thấy, các nhà văn thì thường mơ mộng, suy tư, hay man mác buồn và đa sầu đa cảm, nhưng với chị thì luôn cảm nhận ở chị một luồng tư duy rõ ràng, mạch lạc, lý trí và đầy năng lượng, điều gì đã làm nên một Di Li như vậy?
Nhà văn Di Li: Tôi cho rằng trong tất cả những người từng gặp thì không ai lãng mạn và nhiều cảm xúc bằng mình, thiếu cái đó là không viết văn được đâu. Nhưng có lẽ sự lý trí khiến tôi có thể giấu mình rất tốt, vì tôi hiểu rằng thể hiện sự lãng mạn là phải tùy nơi tùy lúc và tùy đối tượng, nếu không hợp người hợp cảnh dễ bị người ta cho là có vấn đề.
Cũng có nhiều người nói rằng khi gặp tôi họ rất thất vọng vì họ thấy tôi chả có gì giống một nhà văn, một nhà văn trinh thám càng không, rằng tôi khác hẳn những truyện tôi viết. Tôi không nghĩ thế, là họ chỉ mới tiếp xúc thôi, còn nếu gần gũi tôi hàng ngày mới thấy mọi hành vi, sở thích, thói quen và quan điểm của tôi hoàn toàn khác hẳn những người khác. Tôi hiếm khi dám thể hiện những sự khác biệt đó ngay cả với bạn bè và người thân, vì lần nào lộ ra điều đó là bị đàm tiếu ngay lúc ấy.
PV: Bắt đầu bằng truyện trinh thám, rồi chuyển sang du ký, rồi bây giờ là ẩm thực, chị có thể kể thêm một chút về hành trình văn chương của mình? Vì sao lại có những bước ngoặt như vậy trong văn chương của chị?
Nhà văn Di Li: Tôi là người ưa khám phá và thay đổi, viết nhiều thể loại cũng là một cách trải nghiệm và khám phá vậy. Tạng tôi phù hợp làm được nhiều thứ đa dạng. Đặc biệt là những thể loại và đề tài này khiến tôi say mê từ lâu rồi. Cũng từ rất lâu tôi đã ấp ủ ý tưởng về một cuốn sách ẩm thực. Và rồi đến thời điểm phù hợp thì tôi đã thực hiện nó. Tôi yêu ẩm thực đến mức đó là một trong những chủ đề yêu thích nhất của tôi trong các cuộc nói chuyện.
PV: Làm quá nhiều việc cùng một lúc: Viết văn, Viết sách, Dạy học, Làm truyền thông, Dịch thuật, Phê bình nghệ thuật… đó là lựa chọn của chị?
Nhà văn Di Li: Tôi nghĩ là nghề chọn người đấy thôi. Tôi làm thử và thấy thành công, được đón nhận thế là cứ làm miết. Ví dụ như nghề MC chẳng hạn, đầu tiên là có người nhờ tôi từ chối, vì nghĩ mình không làm được, sau đó tôi được thuyết phục và thấy khán giả đương nhiên coi tôi là MC chuyên nghiệp, thế là tôi cứ túc tắc dẫn chương trình từ bấy cho đến giờ. Rồi đầu tiên là làm báo, cũng có công ty đặt hàng tôi viết cho một bài báo để bình luận cho một chương trình ca nhạc.
Tôi cũng nghĩ mình không làm được, sau nể quá thì làm, rồi từ đó đến giờ cũng viết tù tì được vài ngàn bài, trong đó có vô số phóng sự. Thậm chí đến lúc lười viết báo rồi nhưng vẫn rất nhiều báo đặt hàng nên tôi tham công tiếc việc lại làm tiếp. Rồi nghề gì cũng vậy, tôi toàn được đặt hàng, thậm chí cả nhờ dạy những môn tôi chưa từng dạy bao giờ. Rồi khi viết sách, tôi cũng hay thử viết nhiều thể loại, viết ra thấy sách bán được, được độc giả và giới chuyên gia đón nhận, vậy là cứ thế làm thôi. Chứ ví thử làm đâu hỏng đấy là có đam mê đến mấy cũng đành chịu chết
PV: Trong tất cả những việc chị làm, việc gì có ý nghĩa quan trọng nhất với chị?
Nhà văn Di Li: Tất nhiên là viết văn, tôi phải từ chối nhiều lời mời công việc hấp dẫn để dành thời gian cho việc viết, vì nghĩ rằng những công việc mang lại tiền bạc cho mình cũng sẽ lấy đi thời gian ghê gớm. Văn chương giống như một người bạn của tôi, nó luôn an ủi tôi về mặt tinh thần cũng như lắng nghe toàn bộ cảm xúc và những ý tưởng mới của tôi.
PV: Quá nhiều thành công trong sự nghiệp, chị có phải đánh đổi điều gì? Chị có ân hận về điều đó không?
Nhà văn Di Li: Có một thời gian trong khoảng chục năm, tôi quá bận rộn với công việc mà không có thời gian chia sẻ nhiều với con gái. Tôi quan tâm đến sức khỏe, việc học tập và vui chơi của con và cũng nghĩ thế là đủ, nhà cũng đông người, con có thể trò chuyện với nhiều người khác, nhưng sau này khi nói chuyện với con hàng ngày, tôi mới phát hiện ra nhiều chuyện không vui trong tinh thần của con lúc còn nhỏ.
Đối với người lớn đó là chuyện vặt nhưng trẻ con coi là chuyện rất to, lại không đủ kỹ năng để giải quyết nên có thể ảnh hưởng lớn đến thế giới tinh thần. Nghe con chia sẻ lại những chuyện lúc nhỏ tôi rất thương con và ân hận. Giờ mới nghĩ rằng không ai có thể thay thế sự chia sẻ của người mẹ, nên mỗi ngày tôi đều trò chuyện với con từ 1-2 tiếng. Có lẽ đó là sự đánh đổi không mong muốn khi tôi dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp của mình. Và đó cũng là điều mà tôi hối tiếc duy nhất trong cuộc đời.
PV: Xin hỏi ngoài lề một chút, gần đây có khá nhiều các nghệ sỹ dùng hình thức viết hồi kí, tự truyện, công khai những góc khuất đời tư để PR tên tuổi như Công Vinh Thủy Tiên, Hoàng Thùy Linh, Vũ Cẩm Nhung… chị đánh giá thế nào về việc này? Liệu đó có phải là một cách hay?
Nhà văn Di Li: Tôi nghĩ có thể rất nhiều người muốn trải lòng và chia sẻ với công chúng những góc khuất của cuộc đời họ. Cũng có thể họ nghĩ rằng cuộc đời họ thực sự là một câu chuyện hay. Tôi nghĩ bản thân tự truyện là bình thường, nhiều chính trị gia và doanh nhân thành đạt nổi tiếng thế giới cũng đều có tự truyện. Tuy nhiên việc đủ khách quan để tường thuật chính xác sự việc là điều không đơn giản. Nó giống như những câu chuyện kể thường ngày, cùng là một chuyện nhưng người trong cuộc mỗi người nhìn nhận một cách khác nhau. Khi đi vào sách, nếu câu chuyện chỉ thiên kiến một góc nhìn nó có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những người liên quan.
PV: Giữa văn chương và truyền thông, báo chí có gì mâu thuẫn với nhau không, với chị?
Nhà văn Di Li: Nó không mâu thuẫn mà hỗ trợ nhau về mặt kiến thức. Tôi thường sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của nghề nghiệp này để áp dụng cho công việc kia. Chỉ có điều khi làm việc ra không thể lẫn lộn các nghề với nhau. Viết báo theo cách của văn chương thời này sẽ rất kén độc giả. Viết văn mà theo cách báo chí thì thôi hỏng.
PV: Viết rất nhiều, rất khỏe, nhưng có bao giờ chị rơi vào trạng thái cô đơn và mất phương hướng giữa văn chương, chữ nghĩa của mình không?
Nhà văn Di Li: Không, đời tôi chẳng có mấy khoảnh khắc cô đơn. Tôi nhiều lần ngồi ngẫm nghĩ xem mình cô đơn nhất vào lúc nào thì hầu như chỉ nhớ được hai lần, đó là những lần tôi bị khủng hoảng tâm lý theo xu hướng bệnh lý. Lúc đó dùng từ tuyệt vọng thì đúng hơn là cô đơn. Tôi không chắc mình đang đối mặt với chuyện gì và ai có thể giải quyết chuyện này giúp mình khi mà bác sĩ cũng không thể. Còn lại thì cuộc đời tôi bận rộn lắm, và rất đa sắc màu, tôi thậm chí không có một giây trống để cô đơn. Trong cả hai lần ấy, văn chương là bác sĩ của tôi.
PV: Kế hoạch sắp tới của chị là gì?
Nhà văn Di Li: Tôi đang có 5 bản thảo đã hoàn thành và khoảng 5 bản thảo đã có sẵn trong đầu giờ chỉ việc viết. Tôi cứ đấu tranh tư tưởng sẽ viết cái gì trước nhưng chắc chắn năm sau tôi sẽ hoàn thành cuốn sách về 40 kỹ năng sống cho thanh niên. Ngoài ra là hai cuốn tiểu thuyết trinh thám mà tôi đã lên sẵn khung sườn từ lâu.
Cảm ơn chị đã trả lời phỏng vấn!
Di Li (sinh 1978) là một nhà văn nữ và là một dịch giả Việt Nam. Cô được đánh giá là cây bút nữ đang nổi với dòng văn học trinh thám kinh dị, được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. Trại Hoa Đỏ là tiểu thuyết đầu tay của cô.
Cô từng theo học tại trường Phổ thông trung học Việt Đức, tốt nghiệp Cử nhân tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Thạc sĩ Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện cô là giảng viên tiếng Anh trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Di Li là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn và Dịch giả châu Á Thái Bình Dương.
Không chỉ viết văn, viết báo và dịch thuật, cô còn là một chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực quảng cáo & PR, là giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng. Tất cả kiến thức và kinh nghiệm của cô hầu hết đều là tự học.
Nhà văn cụt cả tay, chân bị tố ngoại tình với 50 phụ nữ, phụ bạc vợ chạy theo tình mới
Hình tượng của một người từng được coi là vĩ đại, tấm gương của biết bao người Nhật đã hoàn toàn sụp đổ sau scandal tình ái.