Những nữ nhà văn, nhà thơ nổi bật của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh

Họ là những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh thầm lặng, đặt hạnh phúc của mình sang một bên để ra chiến tuyến.

Trong chiến tranh, có rất nhiều nữ nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Họ là những người luôn hy sinh thầm lặng, đặt hạnh phúc riêng của minh sang một bên để xông pha tiền tuyến, bảo vệ Tổ quốc bằng ngòi bút mang phong cách rất riêng. Mỗi tác phẩm của họ cho đến nay vẫn là những tư liệu quý, chân thực về một thời kỳ oanh liệt của Tổ Quốc.

Những cái tên nổi bật có thể kể đến đó là Dương Thị Xuân Quý (1941-1969), Trần Thị Thắng (sinh 1948), Lê Minh Khuê (sinh 1949), Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh 1949), Lê Thị Mây (sinh 1949), Vũ Thị Hồng (sinh 1950), Phạm Hồ Thu (sinh 1950).

Nhà báo, Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941, tại Hà Nội, quê gốc ở thôn Phú Thịnh, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ra đi ở tuổi 28, chị đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn – người chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho mỗi người. Dương Thị Xuân Quý đã gửi con cái nhỏ cho bố mẹ để khoác ba lô đi chiến trường, thời điểm này bà là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam. 

Dương Thị Xuân Quý
Dương Thị Xuân Quý

Cuộc sống của  Dương Thị Xuân Quý đã dừng lại năm 28 tuổi nhưng tên tuổi sự nghiệp của bà đã đi vào ký ức của người đọc như một trong những tên tuổi đẹp nhất, làm vẻ vang cho thế hệ các nhà văn chống Mĩ. Bà được gọi là đóa "Hoa rừng" còn mãi với thời gian. Năm 2007, bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

Nhà văn Lê Minh Khuê tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ năm 1965. Nữ nhà văn có phong cách viết độc đáo dựa trên với nguồn cảm hứng dạt dào trước những vấn đề của đất nước cũng như số phận con người ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Các sáng tác của nhà văn Lê Minh Khuê đã góp phần đổi mới diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn.

Tác phẩm của Lê Minh Khuê khắc hoạ đậm nét về tinh thần của các chiến sĩ quả cảm Trường Sơn và tái hiện chân thật về sự tàn bạo của chiến tranh tại Việt Nam. Từ những năm 1984, sau khi chiến tranh kết thúc, những câu chuyện của bà được thay đổi đề tài, bà nhanh chóng bắt kịp sự thay đổi của nền văn học nước nhà, từ đó cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê trong thời kì này bám sát những biến chuyển của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới. 

Lê Minh Khuê
Lê Minh Khuê

Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã là phóng viên trong những năm chiến tranh trước khi tốt nghiệp khóa bồi dưỡng những người viết văn trẻ Quảng Bá, Hà Nội (1971). Bài thơ Khoảng trời - hố bom (1972) của Lâm Thị Mỹ Da cho đến hôm nay vẫn khiến nhiều độc giả phải rơi nước mắt. Bài thơ viết về sự hy sinh anh dũng của những cô gái trên những tuyến đường thời chiến. 

Lâm Thị Mỹ Dạ
Lâm Thị Mỹ Dạ

Một cái tên nổi bật trong số những nữ nhà văn thời chiến phải kể đến nhà thơ Lê Thị Mây. Bà tên thật là Phạm Thị Tuyết Bông. Học xong phổ thông, và tham gia Thanh niên xung phong chống Mỹ. Học lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam khóa 6 (1973 – 1974). Học trường viết văn Nguyễn Du khóa I (1979 – 1982). Cử nhân báo chí. Nhiều năm làm báo và làm biên tập văn học của tạp chí Sông Hương. Phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa Quảng Trị, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương.

Những bài thơ của Lê Thị Mây viết về sự chờ đợi, lòng chung thủy của những cô gái trong chiến tranh có người yêu/ chồng ra chiến trận. Đó cũng là một chiến công thầm lặng của người phụ nữ.

Lê Thị Mây
Lê Thị Mây

Nhà văn Trần Thị Thắng sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 đã tham gia làm phóng viên báo Văn nghệ Giải phóng.

Trần Thị Thắng
Trần Thị Thắng

Nhà thơ Vũ Thị Hồng mới học xong năm thứ ba khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, đã sẵn sàng đi vào chiến trường, làm phóng viên tạp chí Quân Giải phóng Trung Trung bộ. Những tác phẩm chị in sau 1975 vẫn còn đượm mùi thuốc súng chiến tranh. 

Nhà thơ Phạm Hồ Thu (Phạm Thị Sửu) sinh năm 1950 tại Hà Nội; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; từng là phóng viên mặt trận của Báo Nhân Dân và Ðài phát thanh giải phóng tại chiến trường khu V thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tốt nghiệp đại học Báo chí (1973), Phạm Hồ Thu xung phong đi chiến trường trong vai phóng viên chiến tranh của báo Nhân Dân. Bà chuyên về sáng tác thơ (dẫu có đôi khi viết truyện ngắn, hay viết tiểu luận, chân dung văn học). Bà là tác giả của nhiều tập thơ, chân dung văn học và tiểu luận; đoạt một số giải thưởng thơ trên các báo Văn Nghệ, Người Hà Nội, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng nhiều giải thưởng báo chí quốc gia thể loại bút ký, phóng sự...

Trong số những cây bút nữ trên, có tới 4 người được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Dương Thị Xuân Quý (truy tặng năm 2007), Lê Minh Khuê (năm 2012), Lâm Thị Mỹ Dạ (năm 2007) và Lê Thị Mây (năm 2017).

Thanh Mai

Những gì cần biết về Threads - đối thủ nặng ký của Twitter

Những gì cần biết về Threads - đối thủ nặng ký của Twitter

Threads, một ứng dụng chia sẻ nội dung ngắn chuyên về văn bản được xây dựng bởi đội ngũ phát triển Instagram, là nền tảng mạng xã hội mà tập đoàn công nghệ Meta mới cho ra mắt và được coi là "đối thủ nặng ký" của Twitter.