Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, cái tên Nguyễn Ngọc Tư như một trong những đại diện tiêu biểu nhất của các cây viết nữ, đặc biệt là những cây viết có sự gắn bó sâu sắc với mảnh đất miền Tây. Văn học của Nguyễn Ngọc Tư càng đến gần hơn với công chúng khi tác phẩm “Cánh Đồng Bất Tận” của cô được chuyển thể thành phim và trở thành một tựa phim quan trọng của điện ảnh nước nhà.
Hơn một thập kỷ sau “Cánh Đồng Bất Tận”, văn học Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục bước lên màn ảnh rộng. Hai truyện ngắn “Tro Tàn Rực Rỡ” và “Củi Mục Trôi Về” của cô đã được chuyển thể thành phim điện ảnh “Tro Tàn Rực Rỡ”, được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn gạo cội Bùi Thạc Chuyên.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư |
Một trong những điểm đặc biệt trong “Tro Tàn Rực Rỡ” là việc phim có được sự đồng hành của chính “mẹ đẻ” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong khâu kịch bản. Hiếm có một phim điện ảnh Việt nào lại có được sự ưu ái lớn đến vậy từ chính tác giả của tác phẩm gốc, đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư. Song, nữ văn sĩ chia sẻ, cô “không có kỳ vọng gì” và dường như có vẻ “lãnh đạm”.
“Tôi còn không đếm được bao nhiêu lần Chuyên quay lại Cà Mau”
“Tro Tàn Rực Rỡ” là lần đầu tiên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư làm việc cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Một người miền Nam, một người miền Bắc; một người viết văn, một người làm phim. Nữ văn sĩ chia sẻ vài điều cô biết về vị đạo diễn người Hà Nội trước khi có cơ duyên cùng mang “Tro Tàn Rực Rỡ” và “Củi Mục Trôi Về” lên màn ảnh:
“Nghe nói anh này hồi trẻ dại có đóng phim (cười). Nghe đâu sau đó ảnh chuyển qua làm đạo diễn. Hình như toàn làm mấy phim nghệ thuật (mà tụi nhỏ hay gọi là phim buồn ngủ). Ba của ảnh cũng là nhà văn. Đó, tất cả những gì tôi biết về Chuyên.”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và ê-kíp “Tro Tàn Rực Rỡ”: NSX Trần Thị Bích Ngọc, diễn viên Quang Tuấn, Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (từ trái qua) |
Nguyễn Ngọc Tư là một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện tại. Cô đặc biệt được yêu mến với những áng văn rất “tình” về đất mũi Cà Mau, về cuộc sống người nông dân miền Tây. Được đắm mình trong đời sống thôn quê sông nước, Nguyễn Ngọc Tư mang trọn vẹn sự nhạy cảm của tâm hồn, cái tài tình khi dùng câu chữ vào kể chuyện miền Tây sông nước long đong, lận đận này. Cái tình người miền Tây cứ đầy ăm ắp trong từng trang sách của cô, để độc giả dẫu có từng sống ở mảnh đất này hay không, cũng không thể ngăn lòng mình yêu mến con người nơi đây, hay mảnh đất vừa yên bình, vừa chuyển động dữ dội này.
Diễn viên Phương Anh Đào trong một phân cảnh của “Tro Tàn Rực Rỡ” |
Bởi nguyên tác “Tro Tàn Rực Rỡ” và “Củi Mục Trôi Về” đậm chất Nguyễn Ngọc Tư là thế, kể chuyện người đàn bà miền Tây yêu thương đầy nhiệt huyết đến vậy, có không ít ngờ vực khi người mang câu chuyện lên màn ảnh lại là một đạo diễn Hà Nội chính gốc. Cũng giống như Nguyễn Ngọc Tư đẫm “chất miền Tây” trong từng câu văn, cách nói chuyện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tỏa ra cái “chất Hà Nội” rõ rệt, thêm chút nghệ sĩ của người đã làm nghệ thuật gần như cả cuộc đời. Năm 2009, Bùi Thạc Chuyên cho ra mắt “Chơi Vơi”, bộ phim kể về câu chuyện yêu đương của những người phụ nữ Hà thành, vừa khuôn phép vừa phá cách, vừa dịu dàng vừa dữ dội. Sau một thập kỷ mới trở lại màn ảnh rộng, ông tìm về miền Tây, kể chuyện tình yêu của những người phụ nữ nơi đây.
Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi không phân biệt vùng miền đâu. “Cánh Đồng Bất Tận” cũng là người Hà Nội làm mà. Tôi có nói ở đâu đó rồi, tôi không để tâm lắm chuyện ai kể chuyện của mình một khi nó đã chuyển qua ngôn ngữ khác. Dù là phim, hay kịch, bất cứ người nào đến hỏi đầu tiên là tôi nhượng quyền chuyển thể cho người đó. Tôi tin vào duyên. Đời mênh mông vậy biết đâu mà chọn lựa.”
Ê-kíp trên trường quay “Tro Tàn Rực Rỡ” |
Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, ông đã mất 2 năm cho việc viết kịch bản, và 5 năm để chuẩn bị quay phim. Về câu chuyện đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuẩn bị để đưa các chất liệu miền Tây lên màn ảnh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư kể:
“Tôi còn không đếm được bao nhiêu lần Chuyên quay lại Cà Mau, sau cái lần tới nói chuyện tác quyền. Khi một mình, khi đi với cộng sự. Có khi báo trước quãng ấy anh có tới, nào rảnh ra ngồi cà phê chơi. Có lúc ảnh đến, biến mất trong rừng ngập mặn hay cái xó quê nào, rồi lặng lẽ rời đi, tôi không hay. Lại có đợt Chuyên nói đi vô một xóm làm chuối ép, bẵng cả tuần tôi tưởng ảnh về lại Hà Nội rồi, thì bỗng lù lù thấy xuất hiện ở chợ Cà Mau. Ảnh với người bạn ém mình trong cái xóm đó từ bữa giờ. Đi một vòng về, Chuyên hay khoe hình ảnh mình thu nhặt được, hoặc hớn hở nói tìm được cái đáy hàng khơi đẹp quá đẹp không thể tưởng tượng, hoặc xuôi xị râu buồn hiu nói chắc đợt tới đi một vòng Hậu Giang, Đồng Tháp coi sao. “
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, trong quãng thời gian chuẩn bị cho “Tro Tàn Rực Rỡ”, ông đã nhiều lần về miền Tây, sinh hoạt cùng người dân nơi đây. Khoảng một tháng trước khi khởi quay bộ phim, dàn diễn viên cũng sắp xếp công việc để xuống set quay, “sống” cuộc đời của các nhân vật trong phim. Bởi vậy, miền Tây qua lăng kính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong “Tro Tàn Rực Rỡ” vô cùng gần gũi, sống động.
Hai nhân vật nữ chính Nhàn (Phương Anh Đào) và Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) trong “Tro Tàn Rực Rỡ” |
Không chỉ đóng vai trò tác giả nguyên tác, với “Tro Tàn Rực Rỡ”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn đích thân tham gia khâu viết lời thoại cho phim, sao cho ra đúng “kiểu miền Tây”. Cô hài hước chia sẻ: “Tôi bảo với Chuyên tụi mình là bạn bè nên em mới giúp chút này. Chứ bình thường em ẵm tiền tác quyền xong là xong, đừng có mà mong. Thật ra tôi phụ vào vì việc cũng nhẹ nhàng, ví như chỗ nào “…quá nhỉ?” thì tôi sửa thành “quá ta”, “mệt chết được” thì thành “mệt thấy mụ nội”, kiểu vậy.”
“Thật lòng tôi không có kỳ vọng gì”
Không quá lời khi nói “Tro Tàn Rực Rỡ” là một trong những tác phẩm được kỳ vọng nhất năm nay của màn ảnh Việt. Ngay từ khi chỉ còn là những “dự án” trên giấy, phim đã ghi dấu ấn tại Quốc tế khi giành giải thưởng Busan Award tại Asian Project Market trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan năm 2017, cũng như thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2018. Vào tháng 10 vừa qua, phim trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên được chọn tranh giải hạng mục Official Competition tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo và có buổi World Premiere tại đây. Mới đây, “Tro Tàn Rực Rỡ” cũng vinh dự nhận giải Khinh khí cầu Vàng cho Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục.
Một phân cảnh ấn tượng của “Tro Tàn Rực Rỡ” |
Vậy nhưng, trên góc độ tác giả nguyên tác, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Thật lòng thì tôi không có kỳ vọng gì. Tôi luyện tập và thành quen việc không kỳ vọng vào ai khác (kể cả con cái) ngoài mình. Đây là kiểu tôi sống, không phải riêng cho việc nào. Tôi cũng nói với Chuyên rằng thay vì chạnh lòng bởi tác giả nguyên tác có vẻ lãnh đạm quá, ảnh nên nghĩ theo hướng tích cực hơn, bớt một kỳ vọng là đỡ đi áp lực. Nhiều năm rồi Chuyên mới làm phim lại, tôi biết áp lực ấy cũng khủng khiếp, đỡ được một chút nào, chẳng phải tốt hơn sao.” Có lẽ, chính sự thấu hiểu của Nguyễn Ngọc Tư càng trở thành nguồn động viên mạnh mẽ để “Tro Tàn Rực Rỡ” thành hình với phiên bản hoàn hảo nhất.
Juliet Bảo Ngọc Doling, gương mặt mới của điện ảnh Việt trong “Tro Tàn Rực Rỡ” |
Cuối cùng, chia sẻ về ấn tượng khi tác phẩm lên màn ảnh, Nguyễn Ngọc Tư dành nhiều lời khen: “Lúc viết tôi chỉ quan tâm câu chuyện mình sẽ kể và nội tâm của nhân vật trong câu chuyện ấy. Với ngôn ngữ điện ảnh, mọi thứ đều được hiện thực hoá bằng hình ảnh hết, gì cũng hiện ra dưới mắt, tôi nhìn vừa lạ vừa quen. Hồi đoàn phim làm việc ở Cà Mau, tôi có tới trường quay chơi, thấy một bạn diễn viên mặc bồ độ dính đầy mủ chuối đang ngồi chờ tới cảnh quay của bạn, tôi tự dưng xúc động, nghĩ đây chính là xương thịt mà mình có muốn tả cũng không ra được cái sống động này.” “Tro Tàn Rực Rỡ” đã vượt qua những giới hạn của một tác phẩm chuyển thể để thổi sức sống mãnh liệt vào câu chuyện, là minh chứng cho vẻ đẹp sống động của điện ảnh.
TRO TÀN RỰC RỠ khởi chiếu tại rạp 02.12.2022.
Bưởi da xanh Việt Nam bán ở Mỹ giá đến hơn 500.000 đồng/kg
Thông tin từ các siêu thị, cửa hàng trái cây của Mỹ, giá bán lẻ bưởi da xanh Việt Nam khoảng 15-22 USD/kg, tương đương 375.000 - 535.000 đồng/kg.