Nhật Bản dự định tạm đóng cửa biên giới - Indonesia ngừng nhập cảnh đối với du khách 11 nước và vùng lãnh thổ

Ngày 29/11, Chính phủ Nhật Bản sẽ thông báo quyết định ngừng nhập cảnh đối với hầu hết du doanh nhân và sinh viên nước ngoài, một biện pháp cương quyết nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 trong bối cảnh xuất hiện siêu biến chủng mới Omicron.

Kênh truyền hình NTV đưa tin Chính phủ Nhật Bản sẽ quyết định ngừng nhập cảnh đối với doanh nhân và sinh viên nước ngoài, trừ những người tới Nhật Bản phục vụ hoạt động nhân đạo.

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin quyết định trên của Chính phủ Nhật Bản có hiệu lực từ tháng này. Đây được coi là bước đi nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan chủng virus mới Omicron vào nước này.

Trước đó cùng ngày, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) đã nâng mức độ cảnh báo đối với biến thể Omicron lên mức cao nhất. NIID xếp Omicron vào danh sách các “biến thể đáng lo ngại” cùng với biến thể Delta.

https-3a-2f-2fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com-2fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4-2fimages-2f0-2f0-2f3-2f5-2f37625300-7-eng-gb-2fcropped-1638157659photo_sxm2021112900003232.jpg
Sân bay Narita gần Tokyo vào ngày 28/11. Nhật Bản đã quyết định cấm du khách và sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào nước này vì biến thể omicron COVID-19 mới. Ảnh: Nikkei

Trước khi đưa ra quyết định trên, Omicron vẫn ở trong danh sách “biến thể cần lưu tâm” - mức độ cảnh báo cao thứ 2 trong hệ thống cảnh báo ba cấp của NIID. Theo NIID, Omicron có chứa khoảng 30 đột biến ở protein gai, giúp nó có khả năng lây lan nhanh hơn và kháng vaccine.

Nhật Bản cũng đã siết chặt quy định nhập cảnh đối với những người đã từng tới 9 nước châu Phi, gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zambia và Zimbabwe, theo đó các đối tượng này sẽ phải cách ly tại các cơ sở do chính phủ chỉ định trong vòng 10 ngày sau khi nhập cảnh vào nước này.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp đặc biệt để bàn cách ứng phó với siêu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời đặt tên cho biến thể này là Omicron. WHO đã phân loại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 mới được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là "đáng lo ngại".

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, WHO nêu rõ: "Biến thể này có số lượng lớn các đột biến, trong đó một số đáng lo ngại. Bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ lây nhiễm với biến thể này cao hơn so với các biến chủng khác.

np_file_126548.jpeg
Nhật Bản có kế hoạch đóng cửa hiệu quả các biên giới đối với các công dân nước ngoài nhập cảnh mới, bao gồm cả khách doanh nhân, sinh viên nước ngoài và thực tập sinh nước ngoài, kể từ tháng này, các nguồn tin chính phủ cho biết hôm nay (29/11). Ảnh: AFP

Biến thể vừa được phát hiện tại Nam Phi này, được gọi là B.1.1.529, đã được đặt tên là Omicron theo cách sử dụng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể mới Omicron. Biến thể mới nhất này đã tràn tới hàng chục quốc gia, nhất là tại châu Âu.

Nhật Bản lo ngại một đợt dịch mới liên quan tới chủng Omicron. Thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới  chủ yếu là chủng Delta, giảm xuống các mức thấp và có ngày không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố kết hợp để giải thích về diễn biến này tại Nhật Bản, trong đó phải kể đến biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt của Nhật Bản.

Các nhà quan sát cho rằng số ca mắc mới giảm mạnh tại Nhật Bản xuất phát từ nhiều yếu tố như quản lý nghiêm ngặt việc thực hiện các biện pháp giãn cách, ý thức tuân thủ quy định phòng dịch của người dân cũng như tỉ lệ người dân tiêm chủng cao, với 76,4 % đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine.

im-442236(1).jpg

Trong khi, tai Jakarta, ngày 28/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định ngừng nhập cảnh đối với các du khách quốc tế từng ở 10 quốc gia châu Phi và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong vòng hai tuần qua nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể Omicron.

Mười quốc gia châu Phi trên gồm Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Leshoto, Mozambique, Eswatini, Malawi, Angola và Zambia. Danh sách này sẽ được xem xét lại sau hai tuần dựa trên kết quả đánh giá định kỳ.

Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 29/11. Công dân Indonesia nhập cảnh từ 11 nước và lãnh thổ trên sẽ phải cách ly 14 ngày.

Theo ông Luhut, Chính phủ Indonesia đã tổ chức họp bàn nhằm ứng phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vốn đang lan rộng ở châu Phi và đã được phát hiện tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Đức, Bỉ, Anh, Israel, Australia và Hong Kong (Trung Quốc)...

Ngoài lệnh cấm nhập cảnh nói trên, Indonesia cũng tăng thời gian cách ly nhập cảnh bắt buộc từ 3 ngày hiện nay lên 7 ngày; tăng cường giải trình tự gene, nhất là các du khách quốc tế; đồng thời đẩy nhanh tiêm chủng cho đối tượng người cao tuổi.

GIA HÂN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương