Các nhà khoa học Nhật Bản vừa xác định một loại khuẩn đường ruột có khả năng chuyển hóa đường dư thừa, giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và hỗ trợ kiểm soát béo phì.
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học đến từ Đại học Kyoto, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo cùng nhiều viện nghiên cứu khác thực hiện đã phát hiện vi khuẩn axit lactic có khả năng phân hủy sucrose (đường ăn) trong cơ thể. Cơ chế này giúp chuyển hóa đường thành exopolysacarit (EPS) - một loại hợp chất mà ruột non khó hấp thụ, từ đó hạn chế quá trình tích tụ chất béo trong cơ thể.
![]() |
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications của Anh cho thấy, việc kiểm soát lượng đường dư thừa đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa béo phì và tiểu đường. Nhóm chuyên gia đã tiến hành phân tích mẫu phân của 500 người, bao gồm cả người khỏe mạnh và bệnh nhân béo phì, để tìm kiếm vi khuẩn có khả năng sản sinh EPS.
Trong quá trình nghiên cứu, họ đã phát hiện vi khuẩn Streptococcus salivarius, xuất hiện phổ biến hơn ở những người có thân hình thon gọn. Vi khuẩn này sản sinh ra một dạng EPS đặc biệt gọi là SsEPS, giúp kích thích các vi khuẩn đường ruột tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFA) có tác dụng ngăn chặn sự hấp thụ chất béo trong cơ thể.
Để kiểm chứng tác động của vi khuẩn SsEPS, nhóm nghiên cứu đã tiêm vi khuẩn này vào những con chuột béo phì trong một khoảng thời gian dài. Kết quả cho thấy lượng vi khuẩn đường ruột sản sinh SCFA tăng đáng kể. Nồng độ SCFA trong máu chuột cao hơn, góp phần cải thiện lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, quá trình hấp thụ chất béo ở những con chuột này cũng bị hạn chế, giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Nhà nghiên cứu Ikuo Kimura, đại diện nhóm khoa học, cho biết phát hiện này mở ra tiềm năng ứng dụng vi khuẩn và EPS vào các giải pháp kiểm soát cân nặng và điều trị bệnh chuyển hóa. Ông cũng nhấn mạnh nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm kiếm các vi khuẩn và EPS có chức năng cao hơn nhằm phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến cho con người trong tương lai.
Với những tiến bộ này, việc ứng dụng vi khuẩn đường ruột trong kiểm soát béo phì và tiểu đường không còn là viễn cảnh xa vời, hứa hẹn mang lại giải pháp tự nhiên và hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng.
Món ăn từ châu Á là “thần dược” tự nhiên kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì
Nhóm tình nguyện viên từ 20-65 tuổi đã có lượng mỡ giảm đáng kể sau 12 tuần mà không cần giảm cân.