Nhiều tập đoàn lớn xin đầu tư Sân bay Quảng Trị hơn 8.000 tỷ chỉ để phụ vụ tâm linh?

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Qui hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất qui hoạch tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, cách Tp. Đông Hà (Quảng Trị) khoảng 7 km một cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự.

Hiện FLC, TPI, Vietjet là 3 tập đoàn mong muốn được đầu tư sân bay tại tỉnh Quảng Trị nếu quy hoạch được phê duyệt.

Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Cùng với đó, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay đảm bảo cho 5 vị trí đỗ tàu bay.

Thông tin này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận và trên mạng xã hội cùng câu hỏi: một tỉnh như Quảng Trị - cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) chỉ chưa đến 100km - thì việc xây dựng sân bay có hợp lý không và con số hơn 8.000 tỉ đồng vốn đầu tư cho sân bay này có quá sức với nhu cầu của một tỉnh nhỏ như Quảng Trị?

Ông Lê Đức Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng điều may mắn nhất khi triển khai dự án xây dựng sân bay Quảng Trị là quỹ đất. Khu vực dự kiến làm sân bay trên địa phận hai xã Gio Quang và Gio Mai hiện vẫn đang để trống và gần như không phải giải tỏa hay di dời dân cư. Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch chi tiết. Hiện việc còn lại là lên kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư.

Ông Tiến chia sẻ khi đưa dự án này ra bảo vệ trước Bộ Quốc phòng, đại diện bộ này ban đầu cũng không đồng tình về vị trí giữa hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, sau khi tỉnh đứng ra giải thích lý do về sự cần thiết phải xây dựng sân bay Quảng Trị thì đã nhận được sự ủng hộ.

Lý do quan trọng nhất, theo ông Tiến, đó là việc phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cả nước. Ông Tiến nói Quảng Trị lâu nay vốn là trung tâm tâm linh. Người dân cả nước có sẵn nhu cầu về Quảng Trị viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm các khu di tích hoài niệm như Thành cổ, địa đạo Vịnh Mốc..., nhất là các dịp lễ như 30-4, 27-7, 2-9.

Ngoài ra, Quảng Trị còn là nơi có trung tâm hành hương Đức mẹ La Vang - một địa chỉ tâm linh lớn của Công giáo. Mỗi năm nơi này đón hàng trăm ngàn lượt người từ khắp cả nước về hành lễ.

"Tổng lượng người đến và lưu trú tại Quảng Trị trong năm 2019 là hơn 2 triệu lượt và con số này tăng lên sau mỗi năm. Nhu cầu đi lại của người dân là có thật và đã được chứng minh bằng những con số" - ông Tiến phân tích.

Ngoài ra, ông Tiến cũng nói việc xây dựng sân bay Quảng Trị sẽ tận dụng được nguồn khách trên hành lang kinh tế Đông - Tây, từ Lào qua đông bắc Thái. Khu vực này không có biển nên nhu cầu về biển sẽ rất lớn.

Nếu giao thông thuận lợi sẽ thay thế được việc đi bằng ôtô khách như lâu nay. Tiết kiệm được thời gian đi lại, Quảng Trị sẽ có thêm thời gian để khách lựa chọn khám phá thêm những tỉnh thành lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình.

"Quảng Trị hiện đang phát triển khu kinh tế đông nam thành trung tâm năng lượng. Khu tây Quảng Trị thành trung tâm điện gió. Điều kiện đi lại thuận lợi thì nhà đầu tư sẽ dễ tiếp cận với môi trường đầu tư hơn" - ông Tiến nói.

Nhà ga hành khách được qui hoạch tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu bay dân dụng, có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng qui hoạch xây thêm khi có nhu cầu.

Đối với nhà ga hàng hoá, do khối lượng hàng hoá vận chuyển giai đoạn đầu chưa cao nên khi xây dựng nhà ga hành khách sẽ tính toán và bố trí mặt bằng xử li hàng hoá, hành lí trong khu vực nhà ga hành khách. Tuy nhiên, vẫn dự trữ đất để xây dựng nhà ga hàng hoá khi nhu cầu tăng cao.

Qui hoạch cũng đã tính đến các công trình bảo đảm hoạt động bay cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khác. Dự kiến, tổng số tiền cần để triển khai qui hoạch này lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Nếu qui hoạch được duyệt, sắp tới, khách đến Quảng Trị bằng đường hàng không sẽ không còn phải bay một chuyến bay trung gian đến sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Sau đó mới tiếp tục đi đường bộ về đây như trước.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lí khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước cho rằng, tầm quan trọng và sự cần thiết của sân bay Quảng Trị đã được khẳng định tại Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Qui hoạch Phát triển Giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần 8.014 tỷ đồng để xây dựng sân bay Quảng Trị

Việc phát triển thêm một cảng hàng không mới trong qui hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc như hiện nay cần tối thiểu từ 5 - 10 năm mới đạt được sản lượng kì vọng.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, hiện đã có khá nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đặt vấn đề đầu tư vào sân bay này.

Trước đó nhiều ý kiến cho rằng việc qui hoạch Cảng hàng không quá dày đặc sẽ gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt Cảng hàng không Quảng Trị chỉ cách sân bay lân cận với bán kính 100 km.

Về góc độ phát triển kinh tế, việc qui hoạch sân bay nằm ở khía cạnh dự báo phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng đi lại của người dân. Nếu chỉ xét về mặt địa lí hay khoảng cách gần giữa hai sân bay mà không qui hoạch hoặc đầu tư sân bay thì cũng không hợp lí.

Cũng theo đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, việc qui hoạch sân bay nói chung và sân bay Quảng Trị nói riêng, các đơn vị làm qui hoạch đã phải tính toán đến các tiềm năng của sân bay đó.

"Khi qui hoạch một sân bay sẽ căn cứ vào tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Các nước phát triển như Nhật Bản có mật độ phát triển sân bay còn dày hơn Việt Nam… Họ có tới 70 - 80 sân bay, thậm chí Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc cũng có mật độ sân bay cao hơn. Tuy nhiên, việc so sánh này chỉ là tương đối vì phát triển sân bay còn phụ thuộc vào qui mô GDP và đặc điểm địa lí, địa hình…", đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư thông tin.

Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, việc qui hoạch phải làm trước nhiều năm bởi từ bước qui hoạch đến bước chuẩn bị đầu tư là một khoảng thời gian. Sau khi qui hoạch được phê duyệt lại cần thêm thời gian cho việc lập dự án; trong đó, các đơn vị chuyên môn sẽ tính toán thời điểm nào đầu tư phù hợp, nguồn lực sẵn có ra sao...

Một yếu tố quan trọng trong việc qui hoạch sân bay được đại diện Vụ kế hoạch Đầu tư phân tích là khi công bố qui hoạch, địa phương mới tính toán dành đất cho dự án.

Mặt khác, qui hoạch sân bay không chỉ qui hoạch mỗi đất xây sân bay mà còn phải qui hoạch vùng trời sân bay. Từ đó, dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển thành phố của mỗi địa phương cũng sẽ phải tính toán để phù hợp với quy hoạch sân bay đã được công bố.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)

Theo Phụ Nữ Mới