"Nhìn bạn bị chị đại trong trường đánh, tôi chỉ dám đứng yên vì sợ vạ lây"

Một vụ bạo lực học đường xảy ra thường có ba đối tượng xuất hiện: nạn nhân bị bạo lực, kẻ bạo lực và người chứng kiến bạo lực.

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết đến 2 đối tượng chính trong một vụ bạo lực học đường đó chính là nạn nhân và người gây ra bạo lực. Tuy nhiên, không phải vụ bạo hành nào cũng chỉ có 2 người, mà phần lớn thời gian còn có sự góp mặt của những người chứng kiến xung quanh - những người thường được coi là “không liên quan” hay “vô can”. 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có tồn tại thứ gọi là “không liên quan” thực sự hay không?

Vô số vụ bạo lực học đường xảy ra và vô số người chứng kiến "không liên quan"

Theo thống kê, từ tháng 9/2021 - tháng 11/2023, cả nước ta xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Trong đó, có nhiều vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người.

Ngày 23/09, dân tình xôn xao trước vụ việc một nữ sinh bị ba nữ sinh khác thay nhau đánh đấm túi bụi vào người tại nhà vệ sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ngoài ba nữ sinh đánh bạn, nơi xảy ra vụ việc khi ấy còn có cả những học sinh khác giữ "vai trò" đứng canh cửa và quay phim. Vừa đánh bạn, nhóm nữ sinh vừa cười đùa hả hê. Thậm chí, khi nạn nhân bị đánh ngã lăn ra sàn nhà vệ sinh, em vẫn bị bạn túm tóc và tiếp tục đấm. Nữ sinh bị bạn đánh chỉ ôm đầu chịu trận.

Sự việc xảy ra tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 23/09
Sự việc xảy ra tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi vào ngày 23/09

Ngày 30/10, một nam sinh tại TP.HCM đánh bạn kinh hoàng trong lớp học trước sự chứng kiến của những em học sinh khác. Qua tìm hiểu, vụ việc xảy ra tại Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Được biết, hai học sinh trên mâu thuẫn xuất phát từ sự việc học sinh bị đánh nhặt được tờ tiền 500.000 đồng nhưng không trả, nam sinh đánh bạn có đòi nhiều lần nhưng không được nên xảy ra sự việc trên. 

 Một nam sinh tại trường THCS Đống Đa bị bạn đánh bạn ngay trong lớp vì 500.000 nghìn đồng
 Một nam sinh tại trường THCS Đống Đa bị bạn đánh bạn ngay trong lớp vì 500.000 nghìn đồng

Mới đây nhất, mạng xã hội cũng xuất hiện video ghi lại cảnh một học sinh nữ có vóc dáng nhỏ bé bị nhóm bạn quây vào một góc ngay tại hành lang lớp học để bạo hành. Trong video, nữ sinh lớp 6 liên tục bị nhóm bạn đấm đá túi bụi lên đầu, cổ, thậm chí đá lên cả mặt. Vụ việc này xảy ra vào khoảng 16h45 ngày 10/11 tại hành lang lớp 6D, Trường THCS Tân Minh. Điều đáng nói, trong khi nhóm người đang hành hung nữ sinh, xung quanh có các học sinh khác đứng xem và quay video.

Tại sao những em học sinh khi chứng kiến bạn bị bạo hành lại không có bất kỳ hành động nào ngăn cản? 

"Tôi đã chọn im lặng khi chứng kiến bạo lực học đường"

Là sinh viên ngành Công tác xã hội tại một trường đại học tại Hà Nội, Hoàng Anh (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) quê Sơn La từng chứng kiến rất nhiều vụ bạo lực học đường. Nhà cách trường gần 30 cây số, hàng ngày Hoàng Anh phải bắt xe bus đi học. Tuy nhiên, vì số lượng học sinh đi học bằng phương tiện này rất đông, đã thể còn ít nhiều chuyến được phân bổ trong giờ cao điểm, nên nhiều lúc cố gắng lắm Hoàng Anh mới có cho mình một “slot” đi vì lúc nào xe cũng chật ních người. Thậm chí nói đây là một “cuộc chiến” cũng không ngoa.

Cũng chính vì thế, rất nhiều mâu thuẫn giữa các học sinh với nhau xảy ra từ việc này. Nhớ lại năm lớp 11, trong một lần chỉ vì tranh nhau lên xe bus, mà bạn cùng lớp của Hoàng Anh có xô xát với một bạn học sinh lớp khác. Ban đầu chỉ là những lời qua tiếng lại, rồi dần dần bộc phát thành hành động, họ lao vào xô xát lẫn nhau. 

Chứng kiến bạn mình như vậy, phản xạ đầu tiên của Hoàng Anh là vào can ngăn vì nam sinh không muốn sự việc trên diễn ra quá nghiêm trọng. Một mình Hoàng Anh không thể ngăn cản được sức giằng kéo của hai nam sinh, may thay lúc đó có người lớn xung quanh nên tình trạng căng thẳng nhanh chóng được giải quyết, hai bạn cũng làm hòa với nhau.

“Lúc đấy mình chỉ có một suy nghĩ duy nhất là bảo vệ bạn mình bằng việc can ngăn. Với cả người đang tham gia vào là bạn cùng lớp, chẳng lẽ lại đứng giương mắt nhìn?”, Hoàng Anh nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không phải ai cũng can đảm đứng lên để ngăn chặn hành vi bạo lực học đường lan rộng. Đơn cử như Hồng Nhung (20 tuổi), từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực học đường nhưng nữ sinh luôn chỉ góp mặt “cho vui” chứ chưa bao giờ can ngăn, hay có bất kỳ biện pháp can thiệp nào.

Nhớ lại hồi còn học cấp 2, Hồng Nhung nhìn tận mắt một vụ xô xát giữa một em học sinh lớp dưới, với một người được gọi là “chị đại” của trường. Được biết, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên tầm phơ tầm phào vô cùng, chỉ vì em học sinh kia đi lướt qua, không lễ phép chào “chị đại” nên đâm ra bị ghét. Trước khi bị bạo lực thân thể, cô bé đã bị nhóm chơi chung với “chị đại” bạo lực ngôn từ, xỉa xói, nói móc trong một khoảng thời gian dài.

Hôm xảy ra vụ việc trên là trưa thứ 7, thường thì tất cả các thầy cô sẽ họp giao ban, nên “chị đại” có thể thực hiện hành vi bạo lực học đường của mình dễ dàng hơn. Nữ sinh lớp dưới bị “hẹn” gặp ở nhà vệ sinh sau trường - một nơi khá vắng vẻ. Tại đây, cô bị tát, bị đánh mà không có chút kháng cự nào.

Bất ngờ ở chỗ, có rất nhiều người đứng “hóng” nhưng tuyệt nhiên không một ai mảy may có ý định vào can ngăn hay giúp đỡ cả em nữ sinh khóa dưới cả. Thậm chí, xung quanh còn có những tiếng hô hào cổ vũ “chị đại” thực hiện hành vi bạo lực của mình. Được tiếp sức từ những khán giả, người thực hiện hành vi bạo lực dường như càng hăng máu hơn. 

“Thật sự ai mà dám vào can ngăn chứ vì mấy bạn đó được xưng là ‘chị đại’ mà, bình thường không sao, dính dáng vào lại bị ăn vạ lây nên tuyệt nhiên cô bé khối dưới đó phải chịu trận một mình”, Hồng Nhung chia sẻ.

Đó những lời thú nhận của cô bạn này, chính vì tâm lý “sợ” bị trả thù, “sợ” sẽ bị vạ lây… nên chẳng có ai dám can đảm để bước vào, đối diện với “chị đại” và khẳng khái nói hành vi của bạn đang làm tổn hại đến thân thể của người khác. Sau khi vụ việc đó được diễn ra, thầy cô trong trường không một ai biết. Mọi thứ chỉ “vỡ lở” khi nữ sinh bị bạo lực tâm sự với gia đình. “Chị đại” sau đó đã bị đình chỉ học tập trong 1 tuần. 

Cũng kể từ sau ngày hôm đấy, Hồng Nhung làm gì cũng “kín kẽ” hơn, không dám bộc lộ bản thân thái quá vì sợ sẽ bị nhóm “chị đại” để mắt đến. Nữ sinh bộc bạch: “Mình sợ một ngày nào đó mình sẽ trở thành ‘nạn nhân’ giống em học sinh khóa dưới đó”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Sợ hãi” là một trong những cảm giác mà đã phần những người chứng kiến bạo lực học đường bám vào để viện lý do mình là người “đứng ngoài cuộc”. Tuy nhiên, cũng có những người cho rằng việc không đứng lên ngăn cản hành vi bạo lực chỉ đơn giản là không phải chuyện của mình. 

Dưới góc nhìn cá nhân, Linh Anh (20 tuổi, Hà Nội) cho rằng “hồn ai người nấy giữ, việc ai người nấy làm”. Với tâm thế của một người đứng ngoài thụ động quan sát, Linh Anh thừa nhận bản thân không biết làm gì khi bạo lực học đường hay những trò nghịch dại, chơi đùa quá trớn xảy ra. Nữ sinh nghĩ cách giải quyết tốt nhất là im lặng để được “yên thân”. 

“Hồi cấp 2, lớp mình hay có trò mỗi lần ai đứng lên phát biểu sẽ đổ nước ra ghế để khi ngồi xuống quần sẽ bị ướt. Người chủ mưu thường là những bạn nam, còn ‘nạn nhân’ thường là các bạn gái. Nếu bạn nữ nào bị ‘dính bẫy’, ra chơi đámcon trai sẽ túm tụm vào trêu ‘Ê cái đồ tè dầm’. Nhiều người trêu dai còn khiến một số bạn khóc luôn, không dám đi ra ngoài.

Nhìn thấy vậy thì mình cũng chỉ biết yên lặng, luôn tỏ ra cứng rắn mạnh mẽ vì mình cũng là con gái mà, rất dễ rơi vào tầm ngắm của các bạn trai. Yên lặng để cho yên thân”, Linh Anh chia sẻ. 

Hối hận khi vì không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải

Như Hoa (19 tuổi, Sơn La) luôn cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến bạo lực học đường. Vậy nên, Hoa luôn né tránh những đám đông có hành vi kích động vì bản thân “không thể bình tĩnh được khi chứng kiến ai đó bị đánh, đá”.

“Hồi cấp 3 trường mình thường xuyên xảy ra những vụ bạo lực học đường, nhưng không dám giờ dám chứng kiến hay ‘hóng’ gì cả vì mình rất sợ cảm giác nhìn thấy người khác bị thương, thậm chí còn run luôn tưởng chừng như mình đang là nạn nhân của bạo lực vậy”, Như Hoa nói.

Đó là cảm giác của Như Hoa, còn đối với những người từng tận mắt chứng kiến bạo lực học đường như Hồng Nhung hay Hoàng Anh, thì cảm xúc của họ cũng không dễ chịu một chút nào.

“Sau vụ việc đó, mình luôn cảm thấy ám ảnh, tội lỗi”, Hồng Nhung tâm sự. 

Dẫu vậy, đặt trong trường hợp giả định nếu được quay trở lại ngày Nhung chứng kiến em nữ sinh khóa dưới bị “chị đại” đánh, thì có can đảm đứng dậy bảo vệ lẽ phải không, thì nữ sinh ngập ngừng một hồi lâu rồi bộc bạch bản thân thực sự… không dũng cảm được như vậy. Song, Hồng Nhung sẽ có những cách “đánh động” khác như báo với thầy cô, gia đình của nạn nhân trước khi vụ việc xảy ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn đối với Hoàng Anh, khi đặt trong trường hợp giả định nếu quay trở lại ngày đó, chứng kiến bạn cùng lớp của mình xô xát với bạn học sinh khác, Hoàng Anh có dũng cảm xông vào để ngăn cản vụ việc diễn ra trầm trọng nữa không, nam sinh vẫn khẳng khái nói chắc chắn sẽ làm như vậy.

“Kể cả khi người bị bạo lực không phải là bạn của mình, thì mình vẫn sẽ vào can ngăn. Đằng này còn là bạn cùng lớp, hàng ngày tiếp xúc với nhau, nên không thể ngó lơ được.

Dẫu biết không dễ để một ai đó dũng cảm đứng dậy để bảo vệ lẽ phải nhưng các bạn cũng đừng yên lặng với những hành vi bạo lực, đặc biệt là không lên cổ vũ hay có những hành vi nhằm kích động kẻ bắt nạt. Bởi như vậy chẳng khác gì là đang tiếp tay cho kẻ xấu cả”, Hoàng Anh chia sẻ.

Ánh Tuyết (20 tuổi, Thanh Hóa) dù chưa từng chứng kiến bạo lực học đường, nhưng nữ sinh nghĩ mọi người không nên im lặng trước hành vi bạo lực, bởi như thế chúng ta sẽ dần trở nên thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi đau của người khác. Đây cũng chính là biểu hiện của sự vô cảm trước nạn bạo lực học đường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Làm gì khi chứng kiến bạo lực học đường?

Khi chứng kiến bạo lực học đường nói chung, chúng ta không nên thờ ơ mà hãy có những hành động thiết thực nhằm phản đối và ngăn chặn những hành vi không chuẩn mực diễn ra. Tuyệt đối không im lặng, phớt lờ cho qua chuyện bởi như vậy chẳng khác gì đang “dung túng” để vấn nạn này gia tăng. Dưới đây là một số việc bạn có thể làm:

- Cô lập, khống chế kịp thời các đối tượng gây ra bạo lực học đường, không để đối tượng tiếp tục gây các hậu quả nghiêm trọng.

- Liên lạc, báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để xử lý vụ việc theo quy định. Bạn có thể thông báo cho gia đình, thầy cô hoặc trình báo cơ quan chức năng.

- Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của nạn nhân và cung cấp sự giúp đỡ hoặc yêu cầu sự giúp đỡ nếu cần.

- Khuyến khích nạn nhân lên tiếng và cho họ biết rằng bạn luôn ủng hộ và bên cạnh họ.

- Không a dua, cổ vũ, tiếp tay cho những hành vi bạo lực học đường.

- Gọi số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111 nếu bạn không biết phải làm gì hoặc cần được tư vấn.

Huỳnh Đức

Ranh giới giữa bạo lực học đường và bạn bè “đùa cho vui” nằm ở đâu? Đáp án cảnh tỉnh tất cả mọi người

Ranh giới giữa bạo lực học đường và bạn bè “đùa cho vui” nằm ở đâu? Đáp án cảnh tỉnh tất cả mọi người

Với kẻ bắt nạt, đó là trò đùa vui. Còn với nạn nhân, đó là cơn ác mộng.