Những ca khúc kinh điển bị hát sai lời mà không phải ai cũng biết

Nhiều ca khúc đã ra đời đến nửa thế kỉ, mà phần lời vẫn liên tục bị hát không chính xác

 Thành phố buồn - Lam Phương

"Thành phố buồn" là một trong những ca khúc thành công nhất của nhạc sỹ Lam Phương, cũng là ca khúc nổi tiếng nhất của dòng nhạc Bolero trước 1975. 

Trong phần lời của ca khúc, tác giả Lam Phương ghi lời là: “Rồi từ đó, TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người”

Khi xem lại tờ nhạc phát hành trong thập niên 1960, lời chính xác được in ấn là “trốn phong ba…”, có nghĩa là nhân vật “em” đã trốn cuộc tình phong ba để về làm dâu nhà người ta. Nhưng hầu hết các ca sỹ từ xưa tới nay, khi hát đều phát âm thành "Chốn phong ba", và phần ca từ ấy được hiểu thành: về làm dâu nhà người cũng là đi về nơi chốn phong ba. Điều này được ca sỹ Phương Dung, một trong những giọng ca vàng gạo cội, có mối thân tình với Lam Phương xác nhận, đó là lời chính xác là “TRỐN phong ba…”, cô cũng cho rằng hầu hết ca sĩ trẻ đều hát sai lời ở câu này vì hiểu nhầm ý nghĩa câu hát.

              Nguyên bản ca khúc Thành phố buồn
Nguyên bản ca khúc Thành phố buồn
Nguyên bản ca khúc Thành phố buồn

 Đà Lạt Hoàng Hôn - Minh Kỳ

Trong bài hát nổi tiếng "Đà Lạt Hoàng Hôn" của nhạc sỹ Minh Kỳ, có 1 câu hát mà nhạc sĩ Minh Kỳ sử dụng chữ tương đối lạ, làm cho nhiều ca sĩ không hiểu và hát sai lời nhiều nhất là:

“…bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn THÙA màn đêm…”

Trước năm 1975, Thanh Tuyền là người duy nhất hát bài "Đà Lạt Hoàng Hôn". Cho đến nay, cô cũng là người duy nhất hát đúng lời gốc của bài hát, đặc biệt là ở cụm từ “hoàng hôn thùa màn đêm” (là khoảng thời gian chạng vạng, chuyển chiều sang tối). Sau này các ca sĩ trẻ hát thành “thua màn đêm” hay “khua màn đêm” đều vô nghĩa.

Xem lời gốc của bài hát, được in trong tờ nhạc phát hành trước 1975, bản in ghi rõ là “thùa màn đêm. Ngoài ra một điểm lưu ý trong bài này, cũng được in trong tờ nhạc, là 1 số chữ trong bài Đà Lạt Hoàng Hôn có 2 cách hát khác nhau, và cách nào cũng đúng so với lời gốc của tác giả:

Hàng cây thẫm màu đèn lên phố PHƯỜNG…
hoặc:
Hàng cây thẫm màu đèn lên phố NHỎ… 

Ca khúc Đà Lạt Hoàng Hôn
Ca khúc Đà Lạt Hoàng Hôn

 Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn

Bài hát nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn là Diễm Xưa cũng bị ca sĩ hát sai lời rất nhiều ở câu hát:

Nhỡ mai trong cơn đau vùi…

Thông thường, từ thường dùng là “lỡ mai…”, nhưng ngôn ngữ ngày xưa, người ta cũng hay dùng từ “nhỡ” thay cho từ “lỡ”. Trong câu hát này, nhiều ca sĩ lại hát là: NHỚ MÃI trong cơn đau vùi… làm cho câu hát bị sai ý nghĩa và “tầm thường hóa” một câu hát trách móc rất hay và nhẹ nhàng của tác giả: Chiều này còn mưa sao em không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi…

Những ca khúc kinh điển bị hát sai lời mà không phải ai cũng biết

 Nhạc Vũ Thành An

Nhạc sỹ Vũ Thành An cho biết, các sáng tác của ông nhiều lần bị các ca sỹ trẻ hát sai lời, bị tam sao thất bản khá nhiều, phần lớn do ca sỹ không hiểu hết ý nghĩa bài hát., và chuyện này xảy ra khá phổ biến.

Ví dụ ca khúc "Một lần nào cho tôi gặp lại em" của ông, chữ “em” đã bị đổi thành “anh” để rồi sau đó mâu thuẫn với “Mái tóc mây bay giờ còn không/ Tiếng nói thơ ngây giờ còn không/ Anh có vui không/ Hai má còn hồng”. “Anh” mà “hai má còn hồng”. Vậy mà ca sĩ vẫn hát được.

Trong bài "Lời tình buồn" (thơ Chu Trầm Nguyên Minh) có bốn đoạn, hầu như ai hát cũng sai, mất hẳn một đoạn: “Anh đi rồi còn ai đưa đón/ Áo em bay khuất mất thiên đường/ Tuổi hai mươi vòng tay níu gọi/ Ngôn ngữ nào anh nói yêu thương”. Có những bản, lời trên bị đưa xuống dưới, lời dưới đưa lên trên.

Thậm chí, với "Bài không tên 50", nhạc sĩ cho biết, ông không hề viết chữ "Thuyền" nào trong ca khúc. Thế mà nguyên bản lời ca khúc có đoạn: “Thì thôi xin gửi sóng/ Đưa tình về cuối sông/ Đưa tình về với mộng/ Đưa tình về cõi không”, có ca sỹ hát thành: “Đưa thuyền về với mộng”. Không có ý nghĩa gì hết.

Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn

Cũng như trường hợp của nhạc sỹ Vũ Thành An, vì không hiểu hết ý nghĩa ca khúc, nên các ca sỹ vô ý hát sai lời mà không biết mình hát sai. 

Với bài Một cõi đi về , Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất nhiều lần giải thích cái hay, cái chất Huế độc đáo của từ “con tinh”  trong câu "con tinh yêu thương vô tình chợt gọi…". Theo Trịnh Công Sơn thì các cô gái nhỏ, xinh đẹp và nghịch ngợm ở Huế hay bị gia đình, người thân mắng yêu là “đồ yêu tinh”. Cái “con tinh” đó đã đi vào văn học và đi qua dòng nhạc Trịnh trong bài hát Một cõi đi về mà ông yêu thích nhất nhưng đa số ca sĩ lại hát là “con tim”, làm cho câu hát trở nên "bình thường" đi nhiều phần.

Xóm đêm - Phạm Đình chương

Bài hát Xóm Đêm của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trong thập niên 1950 có câu: “qua phên vênh có hai mái đầu…” Nếu là ca sĩ trẻ thì ít người biết “phên” là gì nên tự ý đổi chữ trong câu hát này thành “chênh vênh”.

“Phên” là tấm che được đan bằng tre của những nhà nghèo thời những năm 1950 ở Sài Gòn. Trong con ngõ nhỏ, nhiều vách nhà được che bằng tấm phên, lâu ngày mưa nắng nó bị cong vênh lên tạo thành một khe hở, nhạc sĩ nhìn qua khe phên vênh ấy, thấy có hai mái đầu chụm lại dưới ánh đèn “hắt hiu vàng ánh điện câu”.

LA (t/h)

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử?

Các chuyên gia nói gì khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử?

Giá nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đang tăng cao, khiến một số chuyên gia về hàng hóa coi tình trạng hiện tại là “khủng hoảng năng lượng” có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với người tiêu dùng, đặc biệt là Mỹ.