Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Lễ hiến sinh tập thể giải tỏa nỗi sợ của người M’nông khỏi cơn thịnh nộ của các vị thần suối... và lại bình yên hội tụ sức sống quanh bến nước.

Mùa mưa ở Nậm Nung

Nhà già làng Y Thi nằm sát bên suối Đắk M’Hang (Bon Ja rá, xã Nậm Nung, huyện K’rông Nô, tỉnh Đắk Nông). Già làng bảo rằng đây là dòng suối có các vị thần suối lớn nhất trong các dòng suối bắt nguồn từ núi Nậm Nung. Các vị thần suối nhỏ hơn sống ở suối Đắk Rúc, suối Đắk Viên, suối Đăk Roòng, suối Đắk K’poa, suối Đắk Măm… suối nào cũng có rùa, ếch, tôm, cá… nhiều nhất là cá trắng, cá tê, cá dút (cá lóc).

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Vào mùa mưa (bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 hàng năm), bà con thường đi câu cá. Còn vào mùa khô, bà con rủ nhau đi vài ba ngày, thậm chí ngủ ở trong rừng cả tuần để bắt cá. Người M’nông thường vò lá cây tranle, đập vỏ cây tamnao thả xuống nước, khoảng 30 phút thì xuống bắt cá. Sau đó nhóm một đống củi, đốt thành than, chặt lồ ô rồi đóng giàn hong cá. Khi mang về nhà, cá khô tiếp tục được để trên gác bếp giữ làm thức ăn dự trữ trong suốt mùa mưa. Vào mùa khô, khi các dòng suối, còn hồ cạn nước, bà con rủ nhau chặn dòng, tát nước để bắt cá.

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Lễ cúng suối

Cá, tôm, cua, ếch là những món ăn ưa thích được bắt từ các dòng suối của các vị thần; Do đó, hàng năm người M’nông ở xã Nậm Nung tổ chức lễ cúng cộng đồng cúng suối Đăk M’hang. Lễ cúng thường tổ chức vào thời điểm sang năm mới, trời không mưa. Lễ cúng được tổ chức theo luật tục: các bon dưới sự phân công của già làng: thanh niên đi chặt cây nêu, cây lầu ô. Các cụ già vót xôm, phụ nữ chuẩn bị rượu, gói bánh… trong ngày cúng già làng làm chủ lễ.

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Sau lời mời các thần linh bằng âm nhạc cồng chiêng, khèn, tù và… già làng tiến sát cạnh cây nêu, đập đầu một con gà, bôi máu lên cây nêu rồi khấn: “Ơi Jàng Đắk Rúc, Jàng Đắk Viên, Jàng Đăk Roòng, Jàng Đắk K’poa, Jàng Đắk Măm và Jàng K’rông Nô… hôm nay chúng con xin dâng rượu cần, máu gà, máu heo, máu trâu… cho các thần để cầu phồn vinh và bình an cho cộng đồng”.

Lễ cúng suối Đắk M’hang còn được tổ chức ở từng gia đình trong trường hợp có người chết đuối, chết sét đánh, chết do bị cây đè, chết do rắn cắn, hổ vồ, hoặc các vụ đâm chém chết người. Gia đình có người chết cũng tổ chức cúng bên bờ suối Đắk M’hang. Lễ vật cúng bắt buộc phải có dê, chó, vịt. Người M’nông hy vọng thần suối Đắk M’hang che chở để những tai nạn như vậy không trở lại gia đình họ.

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Trong các lễ cúng thần suối – kể cả lễ cúng cộng đồng, lễ cúng gia đình, người M’nông ở Nậm Nung không bao giờ quên mời các vị thần tối cao là thần sông K’rông Nô (sông ông), sông K’rông Ana (sông bà) tới dự.

Các vị thần suối, đặc biệt là thần suối Đắk M’hang, theo người M’nông ở vùng núi Nậm Nung là những vị “thần người” với đầy đủ tính cách khốc liệt: khi giận giữ hung tợn, lúc yêu thương đùm bọc: nhiều lần gây nguy hiểm cho sự yên tĩnh của ngư dân trong bon. Xong rất nhiều lần khác lại ra tay cứu giúp họ thoát khỏi cái chết trong gang tấc.

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Khi tôi hỏi gần đây có tổ chức cúng cho người chết xấu không? Già làng Y Thị lắc đầu xua tay. Theo già làng: những vụ trừng phạt đã qua của thần suối Đắk M’hang, người dân Nậm Nung không được nhắc lại, không được oán trách… Mỗi bon, mỗi gia đình, mỗi người đều có trách nhiệm tổ chức lễ hiến sinh theo phần tương ứng của mình. Lễ hiến sinh cộng đồng có thể tổ chức theo từng bon, cũng có thể nhiều bon góp lại.

Những nghĩa vụ cho một lễ cúng cộng đồng có thể xảy ra sau những trận lũ quét làm chết nhiều người; hoặc dịch bệnh làm chết nhiều heo, gà… khi đó đòi hỏi có sự hợp tác của toàn thể cộng đồng. Một cuộc họp giữa các già làng lập tức diễn ra. Hội đồng già làng lựa chọn cách ứng xử với các vị thần suối. Các chi tiết nghi lễ được phân công rõ ràng. Ngày giờ cho lễ cúng suối được ấn định. Lễ hiến sinh tập thể này sẽ giải tỏa nỗi sợ của người M’nông khỏi cơn thịnh nộ của các vị thần suối… và dân làng lại bình yên hội tụ sức sống quanh những bến nước.

Những câu chuyện bên bờ sông K’rông Nô

Trên con đập nhỏ xưa cũ của dân làng – giờ đây là đập thủy lợi Đắk M’hang – vẫn là nơi giao du, gặp gỡ yêu thích của dân bon. Bà con vẫn đến đó tắm sau mỗi ngày làm việc: đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con tắm chung ở đó. Phụ nữ và đàn ông đều ở trần, vừa tắm vừa đùa giỡn, trò chuyện rất vui vẻ… trẻ con leo lên cây rồi nhảy tùm xuống nước bơi lội như cá. Từng đàn trâu mập ú đắm mình trong làn nước mát lạnh. Bến nước đồng thời là không gian, nơi chốn cho những người tình khi màn đêm buông xuống…

Đinh Thị Nga (Ảnh: Hoài Linh)

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Ladakh là miền đất cho phép ta tự do "say" thứ màu mè lạ lùng của cuộc sống, đem đến du khách những trải nghiệm sắc màu hoàn mĩ nhất.