Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Ladakh là miền đất cho phép ta tự do "say" thứ màu mè lạ lùng của cuộc sống, đem đến du khách những trải nghiệm sắc màu hoàn mĩ nhất.

Tôi đã biết Ladakh là vùng đất đặc biệt. Có người từng nói với tôi, Ladakh là thiên đường dù để đi tới đó, ta sẽ phải vượt qua những thứ chẳng khác gì địa ngục.

Thực tế, đường đến Ladakh không đến mức là địa ngục, nhưng chắc chắn không giản đơn. Từ Việt Nam qua Bangkok, từ Bangkok đến Delhi, từ Delhi đến Leh KBR, một trong những sân bay ở độ cao cao nhất thế giới… là hơn một ngày di chuyển.  Cho đến khi ngồi trên ghế nhựa còn rơi rớt những bãi phân chim trong hiên chờ của sân bay địa phương, bồng bềnh vì sự thiếu hụt oxy bất ngờ, nhìn lên những ngọn núi đá cỗi cằn không bóng cây, và bầu trời xanh xa thẳm, bạn sẽ biết, đây có thể chẳng là thiên đường lẫn địa ngục, nhưng đích thực là một thế giới khác. Một thế giới đủ mới lạ, đủ bí ẩn, đủ là lời gọi mời xứng đáng cho bạn đặt chân đến một lần.

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Vùng đất “say” của những mĩ từ đối lập

Nằm ở vùng Bắc Ấn, tiếp giáp Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan, Ladakh từ hàng nghìn năm vẫn là vùng đất của giao thoa và tranh chấp. An toàn và hiểm nguy. Hoang sơ và bí mật. Cằn cỗi và nhiệm màu. Mai một và lưu giữ. Xen giữa những lính tráng và những căn cứ quân sự rải khắp mọi nơi, là những tu viện hàng nghìn năm tuổi. Xen giữa thiên nhiên khắc nghiệt, cực đoan là con người hiền lành thân thiện. Ladakh khiến người ta “say” vì những ấn tượng mâu thuẫn trong lòng một đất nước Ấn Độ đầy đa dạng. Và có đôi khi, người ta thực sự “say” nó, theo những nghĩa đơn giản và trần tục nhất.

Như là say độ cao

Hội chứng sốc độ cao khá phổ biến khi bạn là khách phương xa tới du lịch lại Ladakh. Đặt chân xuống Leh, với độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, người ta dễ cảm nhận thực trạng thiếu oxy với những biểu hiện: mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn… Hầu hết mỗi người trong chúng tôi đều đã nếm trải cảm giác “say” này, theo những mức độ khác nhau, và theo độ cao mà chúng tôi di chuyển. Khi lên đến những ngọn đèo cao hơn 5000 mét, quả thực, sự “say sưa” này càng rõ hơn cả. Thậm chí, đêm bên hồ Moriri, độ cao hơn 4500 mét, chúng tôi hầu như đã thức trắng bởi đau đầu.

Nhưng, cũng có lẽ vì thế, Ladakh là nơi gợi nhắc cho con người về nguyên lý đầu tiên của sự sống. Đó là hơi thở, là cách hít thở. Hít sâu, thở chậm. Lắng nghe bản thân, và cảm nhận thế giới. Đó là trải nghiệm của riêng tôi, để thích nghi và hòa nhập với nơi này.

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Ladakh, có nghĩa là “đất đèo cao” và quả thực, nơi đây có những ngọn đèo cao vào bậc nhất thế giới là Khardung La (5602m), Chang La (5360m), Taglang La (5328m). Cùng với những ngọn đèo cao ngất ấy, cũng là những khúc cua rất gắt, những địa hình không hề dễ chịu với mọi tay lái thích chinh phục miền đất “xa lắc” này. Cộng hưởng với say độ cao, say xe là cảm giác đầy thách thức nếu bạn ngồi trên ô tô, đi qua những địa hình dốc cao vực sâu, đường xấu, đá lở, và dài dằng dặc.

Nhưng, bù lại hai thứ “say” mệt nhọc ấy, Ladakh là xứ sở chỉ cần giơ máy ảnh lên là có ảnh đẹp, chỉ nhìn ra khung cửa đã là sự kì lạ và chân thật của thiên nhiên. Đây là miền đất cho phép ta tự do “say” thứ màu mè lạ lùng của cuộc sống.

Những ngọn núi tím thẫm. Dải trời xanh trong vắt. Những trái táo chín đỏ dọc đường đi. Những hàng cây mùa thu vàng rực. Những núi tuyết trắng lạnh thâm trầm. Những trảng cây hồng rực dọc thảo nguyên. Những mảng rêu xanh chàm lặng lẽ. Và có đôi khi, trước mắt bạn là sự pha trộn ngẫu hứng của tất cả những mảng màu đó. Thiên nhiên nơi này như một nghệ sĩ, phóng túng và nhiều bột màu, có khả năng đem đến cho những du khách những trải nghiệm sắc màu hoàn mĩ nhất.

Xứ sở Ngựa Gió, Mộ Đá và một nhân gian nguyện cầu

Ladakh ở một địa thế thú vị: nằm giữa 2 dãy núi cao nhất thế giới là Himalaya và Karakoram, với địa hình cao, không khí loãng và có những vùng hầu hết trong năm đều mênh mông tuyết phủ. Như mọi miền đất còn bị chi phối, phụ thuộc bởi tự nhiên, mà lại là một tự nhiên có phần khắc nghiệt, Ladakh là nơi thế giới tinh thần con người còn nương tựa chặt chẽ ở tôn giáo.

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Từng là một phần của Tây Tạng, liên tục khắc nhập rồi khắc xuất, cho đến khi trở thành một phần của tỉnh Jammu & Kashmir, Ấn Độ như ngày nay, dễ hiểu khi thấy Ladakh mang trong mình những ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Tây Tạng. Điều đó không chỉ thể hiện ở sự xuất hiện dày đặc của các tu viện có lịch sử hàng nghìn năm, mật độ đông đảo của các tu sĩ, những biểu tượng Pháp khí có mặt khắp mọi nơi, mà còn thể hiện ở cách con người an nhiên sống, an nhiên cầu nguyện.

Đây là xứ sở mà những chú chó cũng ăn chay, ít sủa, tha thiết với mọi ân cần. Là xứ sở mà tiếng khèn Ốc loa vang lên khắp mọi nơi, vòng kinh luân luôn xoay chuyển, và sớm sớm chiều chiều, lời nguyện cầu ngân nga khắp không gian. Là xứ sở mà ngay cả khi những người đàn ông xung đột với nhau thứ xung đột nặng nề nhất là tôn giáo, thì cách va chạm của họ cũng vẫn ôn hòa. Và nơi đây, giống như mọi vùng đất ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng, phấp phới màu cờ Lungta trên trời cao, và lặng trầm những ngôi mộ đá dưới mặt đất. 

Lungta/ Phong Mã - Ngựa gió, là loại cờ có 5 sắc màu cơ bản, tương ứng với 5 nguyên lý tạo thành thế giới: Đất (màu vàng) - Nước (màu xanh dương) - Lửa (màu đỏ) - Khí (Trắng) - Không (xanh đậm); đồng thời cũng tương ứng với 5 vị Phật và 5 trí tuệ của Phật. Ở bốn góc của lá cờ là những linh thú là chim Garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Trung tâm cờ, chính là Phong Mã - ngựa gió, đại diện cho Tam Bảo của Phật giáo.

Trên từng lá cờ là hình ảnh, những câu thần chú, và đương nhiên, thật nhiều những lời cầu nguyện. Người dân bản xứ tin rằng, những chú Ngựa Gió sẽ khiến lời nguyện cầu được chứng giám và lan tỏa, đem phước lành đi khắp nhân gian.

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Trong khi đó, ngôn ngữ của từng “Mộ đá” thì không chỉ là lời nguyện cầu, mà còn chứa đựng cả lòng biết ơn đối với những đấng thần linh. Người ta lí giải sự tồn tại của những tháp hình chóp (stupa), được xếp đặt từ những phiến đá đặt lên nhau dọc đường đi,  là do xưa kia, mỗi khi vượt qua được quãng đường hiểm nguy ở Ladakh, người ta lại xếp một tháp đá, như lời cảm tạ với các vị thần linh đã độ trì cho họ một chuyến đi an toàn, đồng thời, đó cũng là lời chúc may mắn cho những người phía sau, cũng sẽ được bình an như thế...

Và vì, ở Ladakh, thứ gì nhiều nhất, phong phú nhất, thì ấy chính là đá sỏi, nên mộ đá được xếp khắp mọi nơi. Người bản xứ xếp vì cầu nguyện, còn khách du lịch, đôi khi, chỉ là xếp cho vui, xếp như một kỉ niệm để lại nơi này...

Khi nhìn những lá cờ tung bay phấp phới ở mọi rẻo trời cao, chăng đầy trên phố mùa lễ hội, chăng ngang những cây cầu bắc qua sông, hay phất phơ trên đỉnh tuyết trắng; cũng như lúc lặng ngắm những tháp đá tĩnh tại ở mọi địa hình, những đèo xa hiểm trở, nơi khuôn viên tu viện, nơi sát đường quốc lộ, hay nơi sát kề những hồ muối mặn lớn nhất, tôi luôn cảm nhận quanh mình là cả một nhân gian nguyện cầu.

Đôi mắt của cao nguyên

Ladakh cỗi cằn hoang dại, nhưng có đôi mắt xanh tuyệt đẹp. Đó là 2 hồ lớn Moriri, còn gọi là hồ Núi (ở độ cao 4522m) và hồ Pangong - hồ đồng cỏ (4350m). Hồ Moriri với vẻ đẹp tự thân và vẻ đẹp tổng hòa khung cảnh xung quanh, đủ để chứng minh cho mệnh đề: cái gì cũng có giá của nó.

Ladakh, miền khắc nghiệt an nhiên

Giá của việc đến Moriri là đường sá xa xôi, mệt mỏi. Là việc ai lên tới đó cũng quay cuồng vì không khí loãng, khó thở, buồn nôn, mất ngủ. Nhưng thứ đền đáp lại là vẻ đẹp của cả một hành trình với vô vàn cảnh đẹp, là màu sắc rực rỡ của núi đồi, là bức tranh cô đơn và khoáng đạt của những đàn gia súc, là việc nhìn thấy đích đến của hành trình ấy, đẹp đẽ như một giấc mơ: một không gian rộng lớn, với núi và trời, với tuyết trắng và một đời sống an nhiên phản chiếu trên mặt hồ. Thậm chí, ngay cả khi bắt đầu ngày mới với cơn đau đầu chóng mặt, thì rất có thể vẻ yên lành ở Moriri cũng làm người ta nghi ngờ, ta chóng mặt vì thiếu oxy, hay vì vẻ đẹp lặng người của cảnh sắc?

Pangong, nổi tiếng hơn Moriri, ít nhất vì bộ phim đặc sắc của Ấn Độ “Ba chàng ngốc” đã được quay ở địa điểm tuyệt đẹp này. Hơn nữa, Pangong còn đi vào lịch sử của tôn giáo, bởi nó đã từng ghi dấu như một nhịp cầu lưu vong của vị Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 - Tenzin Gyatso. Vào mùa đông giá lạnh, mặt hồ Pangong sẽ hóa băng, biến thành con đường bộ tuyệt đẹp nối liền từ Tây Tạng sang Ấn. Đức Đại Lai Lạt Ma 14 khi chứng kiến việc Trung Quốc đàn áp nhân dân Tây Tạng, đã rời Lhasa sang Ấn Độ tị nạn trên chính con đường này.

Mặc dù, diện tích hồ trên đất Ấn chỉ chiếm 40% (còn lại thuộc về Trung Quốc), nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của Pangong đã khiến nó như một điểm hẹn nhất định phải đến của những người yêu thiên nhiên, và cả những vận động viên yêu những môn thể thao trên băng trên toàn thế giới.

Đều nằm ở những độ cao đáng nể, được vây quanh bởi những dãy núi tuyết và đều mang màu xanh rực rỡ, thứ màu xanh phản chiếu màu trời, Moriri và Pangong như đôi mắt xanh tuyệt đẹp, chứa đựng tâm hồn thẳm sâu, an nhiên và kiêu hãnh của miền Ladakh.

Gặp nhau bên một ly trà

Chúng tôi đến Leh, trung tâm của Ladakh vào cuối tháng 9. Lá vừa ngả vàng, và vài nơi tuyết đã rơi. Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống mảnh đất này, những người bạn còn xa lạ ở Leh đã bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi:

“Bạn muốn một ly trà không?”

Một cái cớ bắt chuyện thật ấm áp, nhất là khi trời lạnh đến vậy. Nhưng, rồi những ngày sau, ngay cả khi quen thân hơn, thì câu hỏi bạn muốn một ly trà không vẫn luôn là câu chào hỏi đầu tiên của một ngày mới. Và không chỉ là những người bạn ở Leh, mà ngay khi ở Tso Moriri, ở Nubra, ở Pangong… mọi nơi tôi qua, guest house hay quán ăn ven đường, trong những buổi sớm và lúc cuối ngày, hoặc bất cứ khi nào lờ đờ mệt mỏi, sẽ có người nhắc tôi rằng nơi đây vẫn luôn còn có những ly trà.

Trà nơi này vô cùng đa dạng. Trà sữa ngọt mềm dễ chịu. Trà Ladakh vàng ươm nóng sực vị gừng. Trà Kashmir nâu đỏ chứa chan mùi quế. Trà organic trên dãy Himalaya đầy mùi thảo dược lạ lùng. Và vị trà bơ, vừa béo vừa mặn vừa có phần… tanh tanh, người sợ hãi kẻ xuýt xoa, theo cách nào cũng là muôn phần đáng nhớ.

Ngày chúng tôi rời Ladakh, lúc sớm tinh sương, lời tạm biệt của những người bạn nơi đây, cũng vẫn là những ly trà.

Mỗi nơi ta đến, một ly trà nơi đó sẽ có một câu chuyện riêng để kể cho chúng ta về tự nhiên, về văn hóa. Về thời tiết. Về thổ nhưỡng. Về cả những gì đã lưu giữ nghìn đời trong đó đã tạo thành thứ vị riêng biệt.

Trà ở Ladakh, cũng như người nơi đây, có vị của sự ân cần.

Và nếu như bạn từng nếm một lần, bạn sẽ muốn quay lại, để nếm thêm vị ngọt ngào ấy, một lần nữa.

(Ảnh: Nguyễn Hưng, Trần CuMits)

Nguyễn Thu Thủy

Đến Iran thăm mộ Alexander de Rhodes

Đến Iran thăm mộ Alexander de Rhodes

Chúng tôi tìm đến đặt hoa trên mộ Alexandre de Rhodes, người có công lao lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam.