Cuộc tranh chấp xuyên thế kỷ
San Andres nằm bên vùng biển Carribean, cách đất liền Colombia khoảng 750km và cách Nicaragua khoảng 230km. Diện tích đảo khoảng 45km2 với những hòn đảo tuyệt đẹp như Johny Cay, Provencia, Santa Catalina, những bãi san hô nguyên vẹn và hệ sinh vật cực kỳ phong phú. Năm 2000, hòn đảo được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển di sản thế giới trên một diện tích khoảng 10% vùng biển Carribean.
Quần đảo San Andres |
Lịch sử San Andres khá ly kỳ bởi sự tranh chấp giữa Colombia và Nicaragua. Quần đảo vốn nằm trong lãnh hải của Nicaragua và Colombia tuyên bố chủ quyền với San Andres từ trước khi Nicaragua giành độc lập năm 1821. Cuộc tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ và tạm thời ngã ngũ khi có phán quyết của Tòa án quốc tế La Haye. Tuy nhiên, người dân San Andres nói riêng và người dân Nicaragua không “phục” phán quyết này. Dù rất hòa nhã nhưng người San Andres hầu hết đều cương quyết từ chối khi được coi là người Colombia.
Theo thỏa thuận giữa Nicaragua và Colombia năm 1928 và được thông qua năm 1930, Nicaragua có chủ quyền với bờ biển Mosquitto và Colombia sở hữu toàn bộ các đảo thuộc quần đảo San Andres.
Suốt những năm tháng sau đó, cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia vẫn khá căng thẳng, kéo theo nhiều va chạm tàu chiến và tàu cá của hai bên. Năm 1980, Nicaragua đưa tranh chấp San Andres ra toà án quốc tế ở La Haye. Theo đó, Nicaragua đòi chủ quyền với San Andres, đảo Providencia, Santa Catalina và cho rằng Hiệp ước năm 1930 là vô giá trị.
Vụ kiện kéo dài trong 11 năm và đến năm 2012, tòa án quốc tế mới ra phán quyết công nhận các hòn đảo trên quần đảo San Andres thuộc chủ quyền của Colombia nhưng không công nhận ranh giới lãnh hải. Điều này đồng nghĩa với việc người dân trên các quần đảo này sẽ bị cô lập và không thể tiến hành đánh cá quy mô lớn.
Nicaragua được phép mở rộng vùng chủ quyền 200 hải lý, được phép khai thác cá và thăm dò dầu khí và Colombia không thể tiếp tục kiểm soát vùng biển này. Phía Colombia trả đũa bằng cách rút ra khỏi Hiệp ước Bogota ký năm 1948, trong đó ghi rõ các nước châu Mỹ La tinh phải tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế La Haye.
Cho đến nay, cuộc tranh chấp vẫn diễn ra âm ỉ giữa hai quốc gia, dù phán quyết của tòa án đã có hiệu lực và Colombia đã chính thức khai thác du lịch trên quần đảo.
Điên rồ ở San Andres
Không thể không thưởng thức cocktail Coco Loco (dịch nghĩa từ tiếng Tây Ban Nha là “Nước dừa điên rồ”), một loại cocktail pha chế từ rượu rhum và Vodka và các loại hoa quả nhiệt đới, đặt trong một quả dừa, đủ làm chếnh choáng các vị khách. “Màu đỏ tươi sôi nổi như tính cách người dân ở đây”, Brian, một người bán Coco Loco cho hay.
Người dân San Andres khá sôi nổi |
Để di chuyển quanh đảo có thể thuê xe điện hoặc thuê xe máy. Đi ra đảo gần bờ như Johny Cay hay El Acuario là lựa chọn tối ưu cho những tour một ngày để lặn ngắm san hô, cá đuối hay ngắm các loại sinh vật biển gần bờ. Du khách sẽ chỉ phải trả khoảng 30.000 pesos (tương đương 220.000 đồng tiền Việt) cho mỗi chuyến tàu ra đảo.
Sau một buổi lặn ngắm san hô, du khách có thể tự thưởng cho mình một bữa ăn trưa trên đảo – gồm cơm với cá rán hoặc cá hấp, thưởng thức một ly Coco Loco, nằm dài tắm nắng hoặc nhún nhẩy theo những ban nhạc Acapella địa phương.
Dù làm du lịch rất chuyên nghiệp nhưng San Andres hầu như không xây dựng nhiều ở các đảo nhỏ. Chỉ có một căn lều lá cọ dựng ở Johny Cay và El Acuario. Mọi thứ đều tương đối hoang sơ. Du khách có thể tự mang hoặc thuê mặt nạ, ống thở, áo phao sau đó tự do khám phá ngắm san hô, các loại cá quanh đảo.
Sẽ rất khó kiếm hải sản tươi sống dù bạn đang ở ngay trên đảo. San Andres cũng như khá nhiều hòn đảo của Nam Mỹ, để phát triển du lịch họ hạn chế đánh bắt thủy hải sản quy mô lớn. Đó là lý do bạn hầu như sẽ phải ăn hải sản đông lạnh mà không có cảnh những con tôm, con cá tươi ngon bơi trong nước hay trên các nhà bè như ở Việt Nam. Chính sự bảo vệ này mà ngay gần bờ vẫn bảo tồn được những khung cảnh đẹp với san hô, đa dạng các chủng loại thủy sinh.
Chỉ có duy nhất đường hàng không đến San Andres và để lên được máy bay, du khách phải mua một thẻ du lịch trị giá 50.000 pesos (tương đương 375.000 đồng tiền Việt). Khoản tiền này sẽ dùng để tái đầu tư du lịch cho quần đảo. Để ra các đảo thuộc quần đảo, cần phải theo dõi lịch tàu chạy. Chỉ có 3 chuyến tàu một tuần đi từ San Andres ra đảo Provencia hay Santa Catalina. Du khách cần phải tính toán thời gian để tránh lỡ hành trình.
CNN phát sóng phim quảng bá về du lịch Việt Nam 1336 lần từ nay đến hết năm 2019
Kênh truyền hình Mỹ CNN tiếp tục phát sóng 2 bộ phim "Hà Nội - Trái tim Việt Nam" và "Hà Nội - Cái nôi di sản".