Mình bảo thôi mẹ vứt đi, cọc cạch thế đi lại ngã, con mua mấy đôi mới.
Mẹ không chịu, đem vào nhà tắm cọ sạch, rồi lại xếp dưới chân cầu thang từng tầng.
Bây giờ người ta gần như không có khái niệm giày dép đi đến mức phải vứt vì hỏng. Chỉ cũ cũ, lỗi mốt là xếp xó, rồi đem cho, hoặc vứt. Không hẳn là hoang phí, chỉ bởi vì rẻ quá. Một đôi giày tốt bây giờ, hơn trăm nghìn là mua được. Còn dép nhựa chỉ một đôi chục nghìn.
Ngày bé, trẻ con chỉ có hai lựa chọn: Dép nhựa cho mùa hè, và ủng cao su cho mùa đông. Giày là thứ cực xa xỉ hiếm quý, còn ủng cho trẻ em là hàng Liên Xô viện trợ. Chỉ có dép nhựa là gia công trong nước.
Không biết ai là người thiết kế ra mẫu mã đôi dép tổ ong thần thánh |
Ban đầu là những đôi dép nhựa cứng quèo, đầy ba-via (1). Sau đó đến thời của dép tổ ong. Không biết ai là người thiết kế ra mẫu mã đôi dép tổ ong thần thánh ấy. Chỉ biết, sự tiện lợi, êm ái và bền chắc khiến dép tổ ong trở thành “quốc dép” trong suốt 2 thập kỷ (và cho đến tận bây giờ vẫn được nhiều người ưa dùng).
Xỏ chân vào đôi tổ ong “thần thánh” là một cảm giác dễ chịu bậc nhất mà các loại giày dép trên đời này có thể mang lại cho con người. Nó êm ái, khít khao, không gò bó, không trơn trượt, lại rất dễ cọ rửa và vì thế thơm tho.
Những gã trai mới lớn cọ dép mỗi ngày, khi đi tắm, cố gắng giữ cho đôi tổ ong luôn trắng tinh (một cách khá là tuyệt vọng, vì chẳng mấy mà lòng dép đen xì).
Còn bọn trẻ con thì triệt để tận dụng đôi tổ ong của mình. Phần đế dày và nặng khiến dép tổ ong là dụng cụ không gì thay thế được trong các trò ném ống bơ, ném bàng, ném ảnh (ảnh các diễn viên, ca sĩ in trên bìa cứng). Phần mũi mềm xốp, lót xuống ngồi thì êm hơn đệm, trong những tối có ca nhạc ở quảng trường, hay ngồi nghe thầy tổng phụ trách huấn thị mỗi thứ hai đầu tuần.
Nhưng nếu mà đỉnh cao hoành tráng lúc ấy, phải là đôi dép nhựa trắng Tiền Phong |
Nhưng nếu mà đỉnh cao hoành tráng lúc ấy, phải là đôi dép nhựa trắng Tiền Phong. Dép quai hậu, mà lại bằng loại nhựa trắng trong suốt, rất dẻo và bền. Kiểu dáng nó cũng trang nhã, chứ không thô mộc thực dụng như dép rọ nhựa nâu của quân đội. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, dép nhựa Tiền Phong đã không còn hiếm đến mức là độc quyền của các lãnh đạo cấp quận huyện trở lên, nhưng với bọn học trò thì được diện đôi dép ấy vẫn là rất oách.
Cả xã hội đi dép nhựa, thì lại phát sinh ra một dịch vụ rất đặc thù: nghề hàn dép.
Cả xã hội đi dép nhựa, thì lại phát sinh ra một dịch vụ rất đặc thù: nghề hàn dép. |
Những đôi dép nhựa đứt quai, rách mũi, không bao giờ bị vứt đi ngay, nếu chưa qua hàng hàn dép vài lần. Ông thợ hàn dép ngồi bên cái bếp than tổ ong ở góc phố, đồ nghề là mấy thanh sắt nung đỏ trong lò.
Có khách hàn dép, ông lựa trong đống nhựa vụn ra 1 miếng vừa vặn với vết rách, rồi khéo léo dùng nhiệt của các thanh sắt làm chảy nhựa miếng vá ra, hàn vết rách lại.
Đôi dép nhựa đi đến mức cũ rách vốn đã chẳng còn mấy giá trị, vậy nên khỏi nói cũng hiểu tiền công cho mỗi “ca” hàn dép nó bèo bọt đến thế nào.
Thế nhưng, nhờ những người thợ hàn dép, những đôi tổ ong, quai hậu Tiền Phong, lại được cứu, được nối dài sự tồn tại phục vụ con người.
Không nhớ được lần cuối mình đi hàn dép là năm lớp mấy. Người thợ hàn dép cuối cùng ở phố, sau chuyển sang làm thợ ảnh Bờ Hồ (mà bây giờ với sự phổ biến của smartphone thì cũng ít việc lắm rồi). Câu chuyện về những đôi dép nhựa được hàn đi hàn lại nhiều lần, giờ kể cho con trẻ nghe như chuyện cổ tích.
Nhưng sáng nay trời lạnh, mở cửa buồng tắm đã có đôi dép nhựa mẹ để đấy, mới thấy nó hữu ích thật. Dù là nó cũng cũ rồi, lại còn cọc cạch.
--
(1) ba-via: phần còn thừa ở các góc cạnh rìa của các sản phẩm đúc bằng kim loại hay nhựa.
Bạn sách
Những người bạn sách ấy thì luôn tốt, dù là ở trong tay ai và theo cách nào đi nữa…