Những khóa học “làm giàu” online nở rộ như "nấm mọc sau mưa" trong mùa dịch

“Trở thành triệu phú ngay cả khi đang ngủ”, “Kiếm trăm triệu đồng dễ như trở bàn tay”, “Không thành công không phải trả tiền”, “Đánh thức giấc mơ triệu đô của bạn”, “Cam kết lợi nhuận khủng"... là lời cam kết cho những khóa học làm giàu đang “mọc lên như nấm” thời gian gần đây.

Thời điểm hiện tại, quảng cáo về các hoạt động đa cấp và những lớp học theo kiểu dạy làm giàu, kỹ năng, thay đổi số phận đang được đăng tải tràn lan. Trái ngược lại với những lời quảng cáo, khi tham dự thực tế các lớp học thì nhiều người mới nhận thấy rằng nội dung không đúng như những gì họ mong muốn sẽ nhận được.

Gần đây, ngoài các khóa học dạy làm giàu, các sàn tiền ảo cũng hoạt động dưới mô hình tương tự. Tuy nhiên, các sàn này lại ăn hoa hồng trực tiếp từ các cấp dưới. Theo một môi giới, nếu người này tuyển được người A, họ đóng 120 USD thì môi giới sẽ được hưởng 60 USD. Người A tuyển thêm người B, tùy theo tỷ lệ B đóng, môi giới sẽ được hưởng hoa hồng từ cả 2 người. Người tham gia vào sàn chủ yếu đi tuyển người, mở rộng chân rết.

Hiện có hàng trăm sàn giao dịch ngoại hối được lập ra để kinh doanh tiền điện tử, huy động vốn theo phương thức đa cấp như vậy. Theo thống kê của Công an Hà Nội, tại Việt Nam có khoảng 240 sàn giao dịch vàng, ngoại hối (Forex) trái phép và thu hút lượng người tham gia đầu tư đặc biệt lớn.

Nhiều cơ quan chức năng như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra lời cảnh báo với không ít bài học trên thực tế. Song trước những lời mời chào đầy “mật ngọt” với “lợi nhuận khủng, lãi suất cao”, “không phải làm gì cũng được nhận tiền”… đã khiến nhiều nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn thậm chí hàng tỷ đồng để tham gia vào những sàn ảo này. Vì vậy, những loại giao dịch kiểu này vẫn chưa bao giờ hết nóng. Sàn giao dịch ảo này sập, các sàn khác tương tự lại mọc lên để kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và vẫn đang để lại nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, theo tìm hiểu, văn phòng tại Việt Nam của các sàn này thường nằm kín đáo trong các tòa nhà cao tầng, không có biển hiệu, chỉ có vài bộ bàn ghế tạm bợ và có thể “biến mất” chỉ trong một nốt nhạc... Hoặc các sàn được giới thiệu văn phòng, trụ sở ở nước ngoài nhưng thực chất là “văn phòng ma”.

Thủ đoạn chung là các đối tượng dựng lên sàn đầu tư tài chính ảo, không có giấy phép đăng ký và để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã thuê máy chủ dữ liệu đặt tại nước ngoài. Và người điều hành máy chủ có thể can thiệp để người chơi thắng thua tùy ý. Sau đó họ có thể đánh sập sàn hoặc can thiệp vào tài khoản để nhà đầu tư mất sạch tiền trong tài khoản…

Các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để giữ ổn định trật tự xã hội, cần bảo vệ người dân bởi trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhiều người đã khó khăn lại càng bần cùng hơn vì trót tham gia các lớp học như thế này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có sự tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, tránh tiền mất tật mang.

"Đánh" vào tâm lý làm giàu nhanh của giới trẻ, những khóa học làm giàu được quảng cáo tràn lan trên khắp các diễn đàn Internet và trên mạng xã hội. Những “chuyên gia” đứng lớp, giảng dạy học viên đều tự xưng là “bậc thầy” trong lĩnh vực làm giàu.

Nhật Hạ