Những người giàu nhất nước Mỹ năm 2020: Giàu lên bất chấp đại dịch COVID-19

400 người giàu nhất nước Mỹ năm nay có tổng tài sản lên đến 3.200 tỷ USD. Trong đó, 15 người giàu nhanh nhất có tài sản tăng ít nhất 40%.

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 400 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ năm nay. Tổng 400 gương mặt năm 2020 có tài sản trung bình cao hơn 8% so với năm trước, đạt 3.200 tỷ USD. 15 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong năm nay đã giúp chủ sở hữu tăng ít nhất 40% giá trị tài sản. Forbes đã sử dụng giá cổ phiếu đóng cửa vào ngày 24/7 để tính quy mô của khối tài sản những đại diện trong danh sách.

Elon Musk

Tài sản hiện hữu: 68 tỷ USD (+ 48,1 tỷ USD, + 242%)

Cổ phiếu Tesla tăng hơn 5 lần kể từ bảng xếp hạng Forbes 400 năm ngoái, khiến Elon Musk trở thành người có tài sản tăng nhiều nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Sự thăng tiến vượt bậc của ông, được hỗ trợ bởi hai khoản tài trợ khổng lồ từ cổ phiếu Tesla như một phần khoản thưởng hàng năm cho chức vụ CEO của ông.

Ông liên tiếp nhận được quyền chọn mua cổ phiếu Tesla trị giá hàng chụ tỷ USD và huy động được hơn 2 tỷ USD tài trợ mới cho công ty SpaceX. Elon Musk đã phá mốc 100 tỷ USD vào cuối tháng 8, chưa đầy hai tháng sau khi Tesla vượt qua Toyota để trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới.

Elon Musk. Ảnh: Bloomberg
Elon Musk. Ảnh: Bloomberg

Jensen Hoàng

Tài sản hiện hữu: 9,8 tỷ USD (+ 5,6 tỷ USD, + 133%)

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng khoảng 25.000% kể từ khi ông Hoàng cho niêm yết nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới vào năm 1999, bao gồm cả mức tăng 128% kể từ danh sách Forbes 400 được công bố năm ngoái. Thị giá Nvidia tăng phần nhiều là do công ty này đã mua lại công ty công nghệ mạng Israel - Mỹ Mellanox với giá 6,9 tỷ USD vào tháng 4/2020. Jensen Hoàng với chức vụ giám đốc điều hành, đang sở hữu khoảng 3,6% cổ phần của công ty.

Jensen Hoàng. Ảnh: Forbes
Jensen Hoàng. Ảnh: Forbes

Jay Chaudhry

Tài sản hiện hữu: 6,9 tỷ USD (+ 3,3 tỷ USD, + 92%)

Trước khi thành lập công ty an ninh mạng ZScaler, công ty có cổ phiếu đã tăng 90% kể từ năm ngoái, “ông trùm an ninh mạng” Chaudhry đã thành lập 4 công ty công nghệ khác đều được mua lại. Ông và vợ, Jyoti, đều bỏ việc và dùng tiền tiết kiệm cả đời để thành lập công ty đầu tiên trong số này, công ty khởi nghiệp an ninh mạng SecureIT.

Chaudhry lớn lên tại một ngôi làng trên dãy Himalaya, không có nước hoặc điện, trước khi nhập cư vào Mỹ vào năm 1980. Ông và gia đình sở hữu khoảng 45% cổ phần của công ty mà ông đã niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2018.

Jay Chaudhry. Ảnh: Forbes
Jay Chaudhry. Ảnh: Forbes

Ernest Garcia III

Tài sản hiện hữu: 4,2 tỷ USD (+ 1,9 tỷ USD, + 83%)

Garcia III là giám đốc điều hành tại đại lý ô tô đã qua sử dụng của cha mình và nhà tài trợ DriveTime, Automotive Group, trước khi đồng sáng lập với đơn vị bán ô tô đã qua sử dụng trực tuyến Carvana vào năm 2012. Được mệnh danh là “Amazon của ô tô”, cổ phiếu của Carvana đã tăng 77% so với danh sách năm ngoái.

Sau đó, ông đã tách công ty này ra và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017. Cổ phiếu Carvana đã tăng hơn 1.200% kể từ đó.

Ernest Garcia II

Tài sản hiện hữu: 9,6 tỷ USD (+ 3,9 tỷ USD, + 68%)

DriveTime của ông điều hành 127 đại lý và đã phục vụ cho hơn 4 triệu người mua xe trên khắp nước Mỹ. Công ty của ông đã giúp tài trợ cho công ty của con mình, Carvana, hoạt động như một phần của DriveTime, trước khi Garcia III tách ra vào năm 2017.

Pete Gassner

Tài sản hiện hữu: 4,5 tỷ USD (+ 1,8 tỷ USD, + 67%)

Cổ phiếu của Veeva Systems, nhà cung cấp phần mềm đám mây chuyên dành cho các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, đã tăng 60% kể từ năm ngoái. Ông Gassner là nhà sáng lập và giám đốc điều hành đương nhiệm.

Pete Gassner. Ảnh: Forbes
Pete Gassner. Ảnh: Forbes

Robert Pera

Tài sản hiện hữu: 10,5 tỷ USD (+ 4,1 tỷ USD, + 64%)

Là nhà sáng lập kiêm CEO của hãng sản xuất thiết bị không dây Ubiquiti Networks, tài sản của Pera đang “lên như diều gặp gió” nhờ cổ phiếu của Ubiquiti tăng 58% kể từ năm ngoái. Ông sở hữu khoảng 3/4 công ty khi niêm yết.

Robert Pera. Ảnh: Forbes
Robert Pera. Ảnh: Forbes

Jack Dorsey

Tài sản hiện hữu: 6,8 tỷ USD (+ 2,6 tỷ USD, + 62%)

Nhà đồng sáng lập và CEO của Twitter đã giàu hơn trong năm nay nhưng lại nhờ giá cổ phiếu của công ty khác, công ty xử lý thanh toán Square, đã tăng 96% thị giá. Đáng nói, sự gia tăng trong tài sản của ông không bao hàm việc Dorsey cam kết cung cấp 1 tỷ USD cổ phiếu Square của mình cho #startsmall, một tổ chức từ thiện mới mà ông cho biết sẽ tập trung vào cứu trợ COIVD-19, sức khỏe và giáo dục của phụ nữ và vận động hành lang để có thu nhập cơ bản phổ quát.

Jack Dorsey. Ảnh: Forbes
Jack Dorsey. Ảnh: Forbes

MacKenzie Scott

Tài sản hiện hữu: 57 tỷ USD (+ 20,9 tỷ USD, + 58%)

Vào tháng 7/2020, cùng với việc tuyên bố quyên góp gần 1,7 tỷ USD cho 116 tổ chức phi lợi nhuận, vợ cũ của Jeff Bezos cho biết bà đã đổi họ của mình từ Bezos thành Scott. Khi chia tay chồng cũ, bà đã cam kết dành ít nhất một nửa tài sản của mình cho việc thiện nguyện.

MacKenzie Scott là một trong hai người phụ nữ góp mặt trong top 15 người giàu nhất nước Mỹ năm 2020. Tài sản của bà vẫn chủ yếu gắn liền với thị giá cổ phiếu Amazon tăng vọt.

MacKenzie Scott. Ảnh: Getty
MacKenzie Scott. Ảnh: Getty

Jeff Bezos

Tài sản hiện hữu: 179 tỷ USD (+ 65 tỷ USD, + 57%)

Người giàu nhất nước Mỹ đã có một năm tuyệt vời, bất chấp một số tiêu đề tồi tệ, bao gồm các cuộc biểu tình liên quan đến COVID-19 của công nhân Amazon và cuộc điều tra chống độc quyền công nghệ lớn của Quốc hội. Với việc thế giới giãn cách xã hội, chuyển sang mua sắm trực tuyến, cổ phiếu của Amazon đã tăng 64% trong năm qua.

Tuy tốc độ gia tăng tài sản của ông không nhanh bằng vợ cũ nhưng giá trị tăng thực lại gần gấp đôi số tiền bà MacKenzie kiếm thêm trong năm qua.

Jeff Bezos. Ảnh: Forbes
Jeff Bezos. Ảnh: Forbes

Chase Coleman

Tài sản hiện hữu: 6,9 tỷ USD (+ 2,4 tỷ USD, + 53%)

Công ty đầu tư Tiger Global Management của ông đang đặt cược lớn vào các cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ và phục vụ nhu cầu làm việc từ xa, vốn đã bùng nổ trong cơn đại dịch.

Alan Trefler

Tài sản hiện hữu: 4,1 tỷ USD (+ 1,3 tỷ USD, + 46%)

Cổ phiếu của Pegasystems, công ty phần mềm mà ông thành lập năm 1983, tập trung vào việc hợp lý hóa hoạt động kinh doanh và nâng cao mức độ tương tác của khách hàng, đã tăng 42% so với năm ngoái.

Judy Faulkner

Tài sản hiện hữu: 5,5 tỷ USD (+ 1,7 tỷ USD, + 45%)

Ngoài việc cung cấp phần mềm giám sát và theo dõi sức khoẻ từ xa để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, gã khổng lồ phần mềm Epic của bà còn “số hoá” hồ sơ y tế của hơn 250 triệu bệnh nhân và được sử dụng bởi các trung tâm y tế hàng đầu như Johns Hopkins và Mayo Clinic. Doanh thu của Epic tăng 10%, lên 3,2 tỷ USD vào năm 2019.

Hiện công ty của bà đang làm việc để xác định các phòng thí nghiệm có thể giúp thử nghiệm và phân phối thiết bị bảo hộ, phục vụ thói quen giữ gìn.

Judy Faulkner. Ảnh: Business Insider
Judy Faulkner. Ảnh: Business Insider

Reed Hastings

Tài sản hiện hữu: 5 tỷ USD (+ 1,5 tỷ USD, + 43%)

Nhà đồng sáng lập và đồng giám đốc điều hành nền tảng phát trực tuyến Netflix đã “hốt bạc” khi cả thế giới gần như ở yên trong nhà. Với các “bom tấn” như Tiger King và Extraction, lượng người dùng đăng ký mới của nền tảng này tăng lên kỷ lục. Cổ phiếu Netflix tăng 66% kể từ năm ngoái góp phần đáng kể cho khối tài sản của Reed Hastings.

John Doerr

Tài sản hiện hữu: 10,5 tỷ USD (+ 3 tỷ USD, + 40%)

Chủ tịch của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins nắm giữ cổ phần lớn trong những gã khổng lồ công nghệ cao như Amazon và Alphabet. Điều này giúp tài sản của John Doerr tăng gần một nửa so với năm ngoái.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương