Nhà giáo Chu Văn An (1292 – 1379)
Nhà giáo Chu Văn An tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ân, tên chữ là Linh Triệt. Ông là một trong những nhà giáo ưu tú nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".
Tranh vẽ Chu Văn An. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam |
Ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Sau này, ông được chính vua Trần Minh Tông mời đến dạy tại Quốc Tử Giám và làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này.
Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)
Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hạnh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là Trạng Trình.
Ông là một nhà giáo nổi tiếng Việt Nam thời kỳ Lê – Mạc phân tranh với tính tình cương trực, mạnh mẽ, không sợ cường quyền.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà giáo vĩ đại có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông là một nhà đạo đức, nhà thơ, nhà giáo có tiếng tăm thời kỳ Nam – Bắc triều.
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Vĩnh Long |
Khi dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, ông đã cho dựng Am Bạch Vân, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học cạnh sông Tuyết (còn có tên là sông Hàn).
Ông giáo dục cho nhân dân và học trò rất nhiều về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học. Ông coi việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, nhất là việc gắn ý chí học hành với lý tưởng cống hiến hết mình cho đất nước.
Ông là nhà văn hoá lớn, nhà thơ triết lý, nhà hiền triết thông kim bác cổ, tài danh lỗi lạc "tác giả lớn của văn học thế kỷ XVI và của cả giai đoạn văn học thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII" (Từ điển Văn học Việt Nam). Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam.
Nhà giáo Nguyễn Thiếp (1723 – 1804)
Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 trong một gia đình hiếu học tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh). Bố ông là Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch. Mẹ người họ Nguyễn.
Ông là một danh sĩ nổi tiếng đời hậu Lê và Tây Sơn. Cùng với Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Thiếp được học trò tôn là "Phu tử".
Danh sĩ Nguyễn Thiếp (bên phải). |
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, khi Đàng Ngoài rối loạn, phong trào nông dân bùng lên như bão táp, tập đoàn thống trị Lê - Trịnh ngày càng thối nát, Nguyễn Thiếp đã bỏ về nhà làm ruộng, dạy học và đi đây đó khắp núi Hồng, sông Lam. Việc dạy học của thầy giáo trẻ Nguyễn Thiếp khi đó như thế nào không ai rõ, nhưng ông không mở trường lớp cố định. Ông đi đến đâu cũng được kính trọng, được mọi người coi là bậc thầy về mặt đạo đức.
Trong những năm tháng sống ẩn dật trên núi Bùi Phong, Phu tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, đem lại sự giáo hóa và muốn thay đổi học phong cho cả một thời Tây Sơn.
Nhà giáo Lê Quý Đôn (1726 - 1784)
Lê Quý Đôn, nguyên là Lê Danh Phương, sinh năm 1726 trong một gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con cả của tiến sĩ Lê Phú Thứ (sau đổi thành Lê Trọng Thứ) - người từng làm đến chức Hình bộ Thượng thư.
Ông là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”.
Tranh vẽ Lê Quý Đôn. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Năm 1739, Lê Quý Đôn theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Đến năm 17 tuổi, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên). Tuy đỗ đầu thi Hương nhưng Lê Quý Đôn thi Hội mấy lần đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách.
Năm 1752, Lê Quý Đôn dự thi Hội và lần này đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng Nhãn. Đây là danh hiệu dành cho người đứng thứ hai trong tam khôi, dưới Trạng nguyên, trên Thám hoa. Tuy nhiên, kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên nên ông lần thứ ba là người đỗ đầu.
Ở thế kỷ 18, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại hành” mọi tri thức của thời đại. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.
Theo Những người thầy trong sử Việt, ông từng mở trường dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt. Thời gian làm các công việc liên quan tới giáo dục trong triều, ông luôn là người thầy uy tín, tham gia giảng dạy, bình văn cho các giám sinh. Ông tổ chức các kỳ thi Hội, thi Đình, lo việc đào tạo và tuyển dụng nhân tài cho đất nước.5. Nhà giáo Cao Bá Quát (1809-1854)
Nhà giáo Cao Bá Quát (1809-1855)
Cao Bá Quát (1809-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, ông sinh ra tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Ông là người tài năng, đức độ và là một nhà giáo nổi tiếng, khi giáo thụ ở Quốc Oai cũng như trong những thời gian khác ông đều rất quan tâm đến việc đào tạo nhân tài. Những ghi chép và giai thoại dân gian cho biết rằng nhà giáo nổi tiếng Việt Nam Cao Bá Quát thường dẫn học trò du ngoạn núi sông và đi sâu vào cuộc sống của dân chúng.
Nhà giáo Cao Bá Quát (1809-1855) |
Nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
Nguyễn Đình Chiểu tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, hay còn được gọi với cái tên thân mật là cụ đồ Chiểu. Ông là một trong những nhà thơ, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.
Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, đồ Chiểu được nhiều học trò quý mến vì tài năng, đức độ.
Tranh vẽ Nguyễn Đình Chiểu. |
Là học trò thuộc thế hệ thứ ba và chịu ảnh hưởng từ phương pháp dạy học của người thầy Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu dễ dàng vận dụng phương pháp dạy và học “tri ngôn”, “dưỡng khí”. Ông lấy bản thân người thầy làm gương cho môn sinh. Ông coi trọng thực học, học để thực hành và dùng thực hành để kiểm chứng thành quả học tập.
Cho đến cuối đời ông vẫn kiên cường vượt qua số phận, hoàn thành xuất sắc thiên chức của mình, để lại cho đời sau một tấm gương về cách sống trong sáng đến tuyệt vời.
Nhà giáo Phan Bội Châu (1867–1940)
Phan Bội Châu (1867–1940) là một danh sĩ và là nhà cách mạng Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc.
Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đậu vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách nên ông bị khép tội "hoài hiệp văn tự" (mang văn tự trong áo) nên bị kết án suốt đời không được dự thi nữa.
Sau sự cố này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên).
Phan Bội Châu (1867 - 1940) |
Ông là người dám chỉ trích nền giáo dục lúc bấy giờ của thực dân Pháp “chỉ dạy người Việt viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp”. Ông là người khởi xướng phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân và Đông Du - những phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nên đã bị thực dân Pháp bắt giam lỏng tại nhà ở Huế cho đến khi mất.
Đất nước bị giặc ngoại xâm, ông lập Duy Tân hội, sang Nhật cầu viện, rồi phát động phong trào Đông Du nhưng thất bại. Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 12 năm 1940 tại Huế.
Nhà giáo Nguyễn Tất Thành (1890-1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.
Trước khi sang Pháp tìm đường cứu nước và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp ba và tư tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành.
Đối với Nguyễn Tất Thành, việc dạy học chỉ là tạm thời, nhưng Người vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước. Người thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Nguyễn Tất Thành đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). |
Nguyễn Tất Thành là một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ 20, một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Người còn là người Thầy tận tình chỉ bảo, đào tạo nên những chiến sĩ cộng sản xuất sắc.
Nhà giáo Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)
Võ Nguyên Giáp tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn hay còn gọi là Tướng Giáp hoặc Anh Văn. Đại tướng sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911, tại làng An Xá nay là xã Lộc Thủy - huyện Lệ Thủy - tỉnh Quảng Bìn.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, xuất thân vốn là một thầy giáo dạy sử tại trường Thăng Long (Hà Nội), nhưng sớm chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, bóc lột bởi bè lũ thực dân và tay sai, trong ông đã sớm trỗi dậy tinh thần cách mạng và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: AFP |
Ở cương vị là nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đóng góp rất lớn cho ngành Giáo dục nói chung – cho cán bộ, giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử nói riêng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách là vị tướng của lòng dân, người anh hùng dân tộc mà còn được thế giới biết đến như một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam và là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất của thế giới, được xếp ngang hàng với Alexander Đại đế; Hoàng đế Napoleon; Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; Geogry Zukop… Là vị đại tướng đầu tiên và cũng là tổng tư lệnh duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Nhà giáo Đặng Thai Mai (1902-1984)
Nhà giáo Đặng Thai Mai (1902-1984), còn được biết đến với những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình. Đặng Thai Mai là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam; và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.
Ông có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới.
Giáo sư Đặng Thai Mai (1902-1984) |
Trong 82 năm sống và cống hiến, Giáo sư Đặng Thai Mai đã giữ nhiều trọng trách như: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học. Giáo sư Đặng Thai Mai được coi là đầu tàu của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến.
Ông cũng là người tham gia sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Trên cương vị là nhà lãnh đạo, Giáo sư đã tổ chức, đào tạo được một thế hệ văn nghệ sĩ đứng vững trên lập trường nhân dân, yêu nước để sáng tạo; đào tạo một đội ngũ phê bình giàu bản lĩnh cách mạng, nhạy bén, kịp thời phát hiện và đấu tranh bài trừ những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng.
Chuyện cô giáo ở TP.HCM trả lại phong bì 50 ngàn đồng: Muốn tỏ rõ thành ý với giáo viên, 3 câu sau còn hiệu quả hơn tặng quà
Quan trọng là các con ngoan ngoãn, ham học hỏi thì cô nào cũng quý.