Những nhà khoa học đạt giải VinFuture 2023: "Đừng sợ thất bại vì không ai tránh được điều đó!"

Trong buổi gặp mặt sau Lễ trao giải VinFuture 2023, các nhà khoa học đã có những chia sẻ khiến nhiều người suy ngẫm.

Mới đây, giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất hành tinh - VinFuture 2023 đã được tổ chức thành công  tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 4 nhà khoa học: Giáo sư Martin Andrew Green (Australia), Giáo sư Stanley Whittingham (Mỹ gốc Anh), Giáo sư Rachid Yazami (Maroc) và Giáo sư Akira Yoshino (Nhật Bản). Ngoài ra, các giải Đặc biệt của VinFuture 2023 cũng tìm được chủ nhân xứng đáng.

Sáng 21/12, chủ nhân các giải thưởng đã có cuộc giao lưu với khán giả. Bên cạnh những câu chuyện mang tính học thuật, những chia sẻ thú vị bên lề của các nhà khoa học khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Những nhà khoa học đạt giải VinFuture 2023:

 Không ngừng học hỏi

Phiên trò chuyện đầu tiên là của 4 nhà khoa học giành Giải thưởng Chính của VinFuture 2023. Mở đầu, Giáo sư Rachid Yazami chia sẻ bản thân đã tìm hiểu về những thứ nhỏ nhất khi bắt đầu  nghiên cứu về lĩnh vực Hóa học. Trước khi kể lại thí nghiệm đầu đời của mình, ông nhấn mạnh mọi người không được làm theo. Cụ thể, Giáo sư Rachid Yazami có bỏ bột lithium và một chai Coca Cola, phản ứng tạo ra hydro làm cho bóng bay lên trời.

Từ đây, ông bày tỏ khi nhìn vào sự vật hiện tượng nào đó, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi tại sao. Ngay từ khi còn nhỏ, bản thân Giáo sư đã say mê quan sát mọi thứ xảy ra xung quanh nơi mình sinh sống. Theo ông, dù làm việc gì, chúng ta cũng cần tạo cho mình lối tư duy đào sâu suy nghĩ, tư duy xem vì sao nó lại xảy ra như thế. 

Tiếp lời, Giáo sư Akira Yoshino cũng chia sẻ về thời tuổi trẻ đầy đam mê với khoa học của mình. Ông bắt đầu nghiên cứu về pin từ năm 1981, khi ấy ông 33 tuổi. Trước đó, Giáo sư Akira Yoshino đã có những nghiên cứu liên quan tới vật liệu mới, song chưa phải về pin. Công việc nghiên cứu chưa bao giờ là dễ dàng và nó đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà khoa học. Đối với Giáo sư Akira, để tạo dựng được động lực khi tham gia vào lĩnh vực này là phải không ngừng nghiên cứu và hướng mục tiêu của mình để giải quyết những vấn đề trong tương lai. Bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng phải hun đúc trong mình đức tính không ngại khó, ngại khổ, đây là yếu tố vô cùng quan trọng.

Còn đối với Giáo sư Martin Andrew Green, thời điểm ông vẫn là chàng nghiên cứu sinh, mọi thứ vô cùng khó khăn. Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo khi ấy đắt đỏ vô kể, nhưng bằng sự nỗ lực cùng với đó là những chính sách hỗ trợ từ các bên, ông đã có thể theo đuổi mục tiêu của mình. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, đến năm 2005, dự án của ông mới có nhà đầu tư. 

Giáo sư Martin Andrew Green
Giáo sư Martin Andrew Green

Những vị giáo sư hàng đầu thế giới này đã dành cả thanh xuân của mình cho việc nghiên cứu. Hiện tại dù đã có cho mình danh tiếng đồ sộ, nhưng họ vẫn không ngừng học hỏi. Giáo sư Stanley Whittingham tâm sự bản thân thường xuyên có những buổi chia sẻ kiến thức cho sinh viên trên khắp thế giới thông qua các nền tảng trực tuyến, nhiều bạn trẻ có những câu hỏi xoáy đáp xoay khiến Giáo sư phải suy nghĩ rất nhiều.

"Các bạn trẻ là động lực khiến tôi phải tiếp tục tìm tòi", Giáo sư Stanley Whittingham chốt lại.

Giáo sư Stanley Whittingham 
Giáo sư Stanley Whittingham 


Thất bại không hề đáng sợ

Phiên thứ 2 trong buổi trò chuyện là màn chia sẻ của những giáo sư nhận được giải thưởng đặc biệt của VinFuture 2023. Đầu tiên, Giáo sư Daniel Joshua Drucker thừa nhận bản thân nhiều lần thất  bại trong hành trình làm nghiên cứu của mình. Ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu sau khi học Y. Trước đó, vì chưa thực hiện bất kỳ dự án nghiên cứu nào và cũng chưa học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ nên khi bắt đầu công việc ở phòng nghiên cứu, ông cứ loay hoay mãi không biết làm gì cả.

"Khi ấy, phần lớn thí nghiệm của tôi không cho ra kết quả. Ngày nào về nhà tôi cũng  trầm cảm, chán nản lắm, chỉ muốn từ bỏ công việc này đi cho xong để quay lại học tập. Nhiều đồng nghiệp cũng bảo hay tôi về bệnh viện làm bác sĩ đi", ông nói.

Sau cùng ông nhận ra, thất bại trong nghiên cứu khoa học không phải là điều quá khó hiểu nên thay vì lo lắng, chúng ta cần vững tin và quyết tâm. Ngay kể cả nhà khoa học vĩ đại nhất thì cũng không thể nào tránh khỏi thất bại. Nhưng hãy nhớ rằng chúng ta có một cuộc sống cá nhân song song với cuộc sống nghiên cứu, trở về nhà sau hàng giờ nghiên cứu trong phòng lab, mọi người hãy rũ bỏ mọi thứ để sum họp gia đình hay dành thời gian để nuông chiều bản thân, đó là đệm đỡ khi ta vấp ngã.

Tiếp lời, Phó Giáo sư Svetlana Mojsov chia sẻ: "Đúng là khi nghiên cứu không thể tránh được thất bại, nhưng hãy nhớ rằng nếu chúng ta quyết tâm, ta sẽ tìm ra được vấn đề. Phải quyết tâm, thất bại thảm hại cũng phải làm tiếp, đừng nản lòng".  

Phó Giáo sư Svetlana Mojsov
Phó Giáo sư Svetlana Mojsov

Đồng cảm với những người đồng nghiệp, Giáo sư Daniel Joshua Drucker thừa nhận ngày trước ông cũng từng chật vật với mức lương khởi điểm khi bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu. Thậm chí cho đến tận bây giờ, tình trạng nghiên cứu sinh làm việc nhiều giờ đồng hồ trong phòng thí nghiệm nhưng được trả công không xứng đáng vẫn còn tiếp diễn. Ông hy vọng vấn đề này sẽ được thay đổi trong tương lai. 

Lời khuyên mà Giáo sư Daniel Joshua Drucker đưa ra đó chính là hãy học hỏi những người đi trước xem họ đã bước qua giai đoạn khó khăn ấy như thế nào. Kết nối để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các bậc tiền bối là điều mà các nhà khoa học trẻ cần làm trong hành trình sự nghiệp tương lai. 

Nhìn nhận từ khía cạnh người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng của VinFuture, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ khi ngân sách cho việc nghiên cứu bị hạn chế, các nhà khoa học nên tìm và xác định vấn đề từ thực tiễn xã hội, không cần quá xa xôi, chỉ cần ở ngay địa bàn, khu vực mà liên quan gần gũi với mọi người hay với chính vấn đề mà chúng ta nghiên cứu. Sau đó, chúng ta phải thiết kế các thí nghiệm để thử nghiệm giả thiết rồi áp dụng vào thực tế.

"Thay vì chỉ tạo ra một bài báo, một nghiên cứu với chủ đề hay nhưng kết quả sau cùng chỉ nằm trên sách vở hay những giá trị đó không chạm tới cuộc sống người thì hãy làm những điều thực tiễn hơn. Tôi hy vọng các nhà khoa học trẻ hay theo định hướng đó. Nhưng trước mắt các bạn hãy học tập thật xuất sắc đã. Mà phải học thật chứ không phải học giả", ông nhấn mạnh.

Giáo sư Võ Tòng Xuân
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Đông

Toàn cảnh Lễ trao giải VinFuture 2023 - giải thưởng Khoa học công nghệ lớn nhất hành tinh

Toàn cảnh Lễ trao giải VinFuture 2023 - giải thưởng Khoa học công nghệ lớn nhất hành tinh

Lễ trao giải VinFuture 2023 đã diễn ra thành công, các giải thưởng cũng tìm được chủ nhân xứng đáng.