Những tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây cho thấy rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh để ổn định

Hành lang pháp lý và công cụ giám sát kiểm tra được cho là điểm yếu trong quan hệ giữa quản lý và vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê của FiinRatings, trong tương quan trên thị trường vốn, quy mô huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 ở mức khoảng 715 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn ước tính giá trị tín dụng trung và dài hạn cho vay mới của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Sau một năm áp dụng Nghị định 153, vào tháng 12/2021, cơ quan quản lý tiến hành gửi dự thảo sửa đổi lần thứ nhất để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Từ đó đến nay, trải qua 5 lần dự thảo sửa đổi nhưng ngay cả ở phiên bản gần nhất, các chuyên gia cho rằng: vẫn chưa kê đúng “thuốc” cho thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế, trong đó, chủ đạo là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đi liền với đó, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lách luật khi phát hành trái phiếu riêng lẻ và cơ quan quản lý đã kịp thời thanh lọc trong thời gian gần đây. Đó cũng là một trong những lý do chính khiến Bộ Tài chính phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153).

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị SaigonRating nói với phóng viên Vneconomy: “Tại sao để xảy ra một sai phạm lớn như Tân Hoàng Minh, đến mức vướng vào vòng lao lý mà trước đó không có một cảnh báo gì cả? Nếu cơ quan quản lý kiểm soát một cách chặt chẽ thì việc lũng đoạn thị trường lên đến hơn 10.500 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh sẽ không xảy ra”.

Ông Hiếu cho rằng, một trong những “toa thuốc đặc trị” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam là cơ chế kiểm tra giám sát cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa. “Những vụ việc thao túng thị trường trong thời gian qua chứng tỏ sự kiểm soát của các cơ quan quản lý còn nhiều thiếu sót”, ông Hiếu nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, không quá khó để giám sát bởi vì chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số. Điều quan trọng là Nhà nước phải có một sân chơi và luật chơi rõ ràng để tất cả doanh nghiệp phát hành đưa dữ liệu giao dịch về một đầu mối. Còn nếu Nhà nước không bắt họ minh bạch thông tin và đưa về một đầu mối cơ sở dữ liệu thì họ hoàn toàn có thể lũng đoạn thông tin… Bởi vậy, cần có công cụ kỹ thuật số để có thể tra cứu và kiểm soát được các giao dịch.

Góc độ rủi ro về thị trường thì biến động của giá trái phiếu không nhiều. Nhưng trái phiếu lại có rủi ro về thanh khoản, nghĩa là mua đi bán lại hơi khó. Hiện nay, thanh khoản đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc bên phân phối có mua lại trái phiếu cho nhà đầu tư hay không.

Ngoài ra, hiện trên thị trường Việt Nam có xu hướng nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư trong khi họ thiếu kiến thức và thông tin về tất cả các sản phẩm tài chính; thiếu thông tin và bị hạn chế trong phân tích doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, rất cần các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp đồng bộ từ công cụ pháp lý đến phát triển các công cụ thị trường như xếp hạ

ng tín nhiệm, kiểm toán, thẩm định giá… để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần chú trọng tạo ra văn hóa, thói quen, thông lệ xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Tổng Hợp