Novaland giảm 78% doanh thu, còn nợ hơn 38.000 tỷ đồng

Novaland có doanh thu trong quý II/2020 chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước, dòng tiền thuần tiếp tục âm, nợ phải trả gấp 3 vốn chủ sở hữu.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va ( Novaland ) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 . Ở kỳ này, Novaland có phần hụt hơi về tình hình kinh doanh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận tăng gấp 3 nhờ bán công ty con

Báo cáo tài chính quý II/2020 ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland đạt 709,6 tỷ đồng. Mức này giảm đến 1/4 so với quý trước đó và chỉ bằng 22% so với doanh thu của cùng kỳ năm trước.

Hoạt động chuyển nhượng bất động sản tiếp tục đem lại doanh thu chủ yếu cho Địa ốc No Va, chiếm 1/2 tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu tư vấn quản lý, phát triển dự án và tư vấn bán hàng cũng góp tới 34% cho nguồn thu của Tập đoàn Novaland trong quý này.

Giá vốn bán hàng được doanh nghiệp này giữ ở tỷ lệ khá so với doanh thu, ở mức 7/10. Biên lợi nhuận gộp của Novaland trong quý II/2020 là 30,6% đi lùi so với mức 38,3% ở quý I/2020, nhưng lại có cải thiện so với cùng kỳ năm trước.

Ở kỳ này, chi phí thường xuyên của doanh nghiệp đội lên không ít. Chi phí lãi vay tăng thêm 35 tỷ đồng lên mức 168,7 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng đến 62%, chủ yếu là chi phí nhân viên và dịch vụ mua ngoài để đẩy mạnh công tác tiếp thị bán hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 32%.

Tuy nhiên, tổng lại Novaland vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 874,5 tỷ đồng, tức biên lợi nhuận ròng vọt lên mức 123%. Mức lãi này vượt quý trước đến gần 3 lần và đạt gần gấp đôi lãi ròng cùng kỳ năm 2019.

HĐQT Novaland giải thích mức tăng đột biến lợi nhuận đến từ nguồn tăng của doanh thu từ hoạt động tài chính, cụ thể là việc bán công ty con. Doanh thu từ hoạt động tài chính được ghi nhận đến 1.807 tỷ đồng.

Cụ thể, hồi cuối tháng 3/2020, Novaland đã bán toàn bộ vốn góp tại CTCP Đầu tư Bất động sản Phong Điền với giá 987 tỷ đồng và thu về khoảng lãi hơn 795 tỷ đồng. Tiếp đến cuối tháng 6, công ty này tiếp tục bán một phần vốn góp tại Cảng Phú Định với giá gần 2.396 tỷ đồng, lãi gần 1.706 tỷ đồng.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2020, Novaland thu về 1.663,8 tỷ đồng doanh thu và 1.177,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, đơn vị này chỉ mới hoàn thành hơn 1/10 chỉ tiêu về doanh thu và hơn 1/3 chỉ tiêu về lợi nhuận.

Trong nửa cuối năm nay, Novaland phải đối mặt với áp lực kinh doanh không hề nhỏ để hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Dòng tiền âm, nợ tài chính hơn 38.000 tỷ đồng

Về sức khoẻ tài chính, có vẻ việc kinh doanh hụt hơi đã tổn hại không ít mô cơ của Novaland.

Tổng tài sản được nâng thêm 7% lên mức 98.779 tỷ đồng nhưng chủ yếu là tài sản ngắn hạn. Trong đó có đến 60% tài sản của Novaland là hàng tồn kho. Chưa kể, tiền và các khoản tương đương tiền vẫn sụt giảm so với đầu năm, hiện còn 5.879 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không còn âm như quý trước nhưng chỉ bằng 59% so với tháng 6 năm ngoái. Mảng u tối của Novaland trong kỳ báo cáo này đến từ dòng tiền hoạt động đầu tư khi lùi gấp đôi so với quý trước, đang ở mức âm 5.508 tỷ đồng. Dòng tiền thuần cải thiện đáng kể so với quý trước nhưng vẫn đang âm 585 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần của Novaland vẫn tiếp tục âm trong quý II/2020. Ảnh: Tất Đạt
Dòng tiền thuần của Novaland vẫn tiếp tục âm trong quý II/2020. Ảnh: Tất Đạt

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Novaland đã gấp 3 lần vốn chủ sở hữu vào cuối tháng 6/2020. Tuy nhiên, áp lực nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này không quá nhiều khi có đến 70% là nợ dài hạn.

Tổng các khoản vay của Novaland vào cuối tháng 6/2020 là 38.087 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ phải trả và tăng 10% so với con số đầu năm. Chủ yếu, doanh nghiệp này vay ngân hàng và vay dài hạn.

Đến cuối kỳ báo cáo, “chủ nợ” lớn nhất của Novaland là Credit Suisse AG - chi nhánh Singapore với tổng vay vào khoảng 7.560 tỷ đồng. Theo bản thuyết minh, đây là các khoản vay có tổng hạn mức lên đến 251 triệu USD trong thời hạn 42-48 tháng cho Công ty Cổ phần Nova Hospitality. Đây là công ty con nằm trong chiến lược phát triển chuỗi bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Novaland.

Các khoản vay từ Credit Suisse AG được đảm bảo bằng tổng giá trị tài sản được hình thành trong tương lai của một dự án tại Quận 2 (TP.HCM) và một dự án tại Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngoài ra, khoản vay còn được đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng.

“Chủ nợ” lớn thứ hai là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tổng khoản vay lên đến 3.930 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020. Đây là khoản vay có thời hạn 36-48 tháng được đảm bảo bằng cổ phần và phần góp vốn của công ty con, công ty liên kết của Novaland. Ngoài ra, quyền tài sản phát sinh từ quyền giải toả đền bù đất ở Quận 2 (TP.HCM) cũng được đem ra đảm bảo cho khoản vay trên.

Trong quý II/2020, các khoản phải thu của Novaland tăng tới 68% lên mức 9.890 tỷ đồng. Trong đó, 1.000 tỷ đồng phải thu từ bán bất động sản bên thứ ba; đặt cọc mua cổ phần, nhận chuyển nhượng vốn góp 3.302 tỷ đồng; đặt cọc nhận chuyển nhượng đất, dự án 1.277 tỷ đồng,...

Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơ tiếp tục mua thêm vốn góp tại ba đơn vị. Cụ thể, Novaland đã mua 99,98% vốn của CTCP Dịch vụ Đầu tư Lucky House với giá trị gần 20 tỷ đồng nhưng chỉ mới trả hơn 81 triệu đồng.

Công ty này cũng mua 99,99% vốn của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Kim Yến cũng với tổng cộng gần 20 tỷ đồng và đã trả hơn 98 triệu đồng. Novaland cũng đã hoàn tất mua lại 69,86% vốn góp tại Công ty TNHH Bất động sản Phúc Hoa với 4.300 tỷ đồng đã thanh toán.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương