Nữ đầu bếp sushi và hành trình 10 năm xoá bỏ định kiến về giới ở Nhật

Mùa thu ở Akihabara (một quận ở Tokyo, Nhật Bản) luôn đông kín khách du lịch. Tấm biển hiệu “Nadeshiko Sushi” bật sáng kiêu hãnh ở một phố nhỏ. Điệp khúc mời gọi ghé nhà hàng của những nhân viên nữ rộn ràng khắp nơi.

Khách hàng từng đòi đuổi phục vụ là nữ

Tất cả các nhân viên ở Nadeshiko Sushi đều là phụ nữ, kể cả các đầu bếp. Đó là các thợ sushi nữ hiếm hoi trên thế giới. Làm sushi ở Nhật là một lĩnh vực mà việc phân biệt đối xử với nữ giới chẳng có gì là bí mật. Những định kiến như “lòng bàn tay phụ nữ ấm hơn, sẽ làm hỏng các nguyên liệu”, “kỳ kinh nguyệt của nữ giới sẽ làm ảnh hưởng mùi vị món ăn” đã là chuyện quen thuộc.

Yuki Chizui, nữ đầu bếp sushi trong nhà hàng toàn nữ ở Nhật Bản
Yuki Chizui, nữ đầu bếp sushi trong nhà hàng toàn nữ ở Nhật Bản

“Có nhiều vị khách là CEO hoặc quản lý các công ty lớn đi cùng nhân viên đến, nhân viên phải thử sushi ở đây trước để chắc chắn an toàn thì sếp mới dám ăn”, quản lý nhà hàng kiêm đầu bếp sushi chính Yuki Chizui kể, “Lần khác, khách hàng đòi đổi người phục vụ vì cho rằng cô ấy quá béo. Những chuyện như thế xảy ra suốt”.

Thay vì mặc đồ trắng truyền thống của các đầu bếp sushi, Chizui và các cộng sự mặc kinomo nhiều màu. Họ đeo các phụ kiện cầu kỳ cho mái tóc búi, sử dụng đồ trang sức và cũng không ngại trang điểm. 

“Người thầy dạy làm sushi của tôi từng nói rằng chuẩn bị làm sushi là một nghi thức. Làm sushi thủ công là một màn trình diễn của đôi tay. Tôi thích ý nghĩ đầu bếp sushi giống như một người làm nghề giải trí, và tôi ăn mặc theo cách hiểu đấy”, Chizui giải thích

Nhưng nhiều khách hàng không thích vậy, họ chỉ trích rằng như thế tóc, móng tay và các thứ đồ linh tinh sẽ rơi vào sushi.

“Có phải các lớp trang điểm sẽ dễ dàng rơi ra khỏi mặt bạn đến thế? Chúng tôi dùng keo xịt tóc để cố định tóc, mà rụng tóc đâu phải chuyện của riêng nữ giới?” Chizui nói. Cô nhấn mạnh có nhiều nhà hàng vẫn cho phép phụ nữ bước chân vào bếp mà chẳng cần cạo trọc. 

Chizui đang hướng dẫn cho một thợ học việc
Chizui đang hướng dẫn cho một thợ học việc

 Những phản ứng trái chiều dành cho Nadeshiko Sushi không chỉ đến từ các thực khách. Nhà hàng còn bị các đầu bếp trong ngành công nghiệp ẩm thực chỉ trích. Một nam đầu bếp sushi đã đến nhà hàng với một cô nhân viên quán bar gần đó và nói với cô ấy: “Tôi không động vào món này, cô ăn đi”. Nhiều đầu bếp khách đặt câu hỏi về tính chính danh của nhà hàng.

“Chúng tôi tự hào về những gì chúng tôi làm”, Chizui nói, “Nếu bạn thực sự là một đầu bếp sushi, những lời buộc tội đó có ảnh hưởng đến niềm kiêu hãnh của bạn không? Bạn có nói như vậy với các nhà hàng nổi tiếng không?”

 

Không muốn phụ nữ là công cụ mua vui

Nadeshiko Sushi có đầu bếp nữ đầu tiên kể từ khi mới mở vào tháng 9/2010. Chizui là người đã thắp lên giấc mơ đó.

Từ một sinh viên ngành nghệ thuật, cô làm thêm ở một nhà hàng sushi, Sau đó, cô xin việc ở một cửa hàng bách hoá, nhưng nhà hàng cũ gọi cô trở lại làm.

“Tôi đã làm thêm ở một nhà hàng sushi địa phương ở Asakusa trong vài năm. Tôi chỉ làm các công việc phục vụ bên ngoài quầy, tự tay làm một miếng sushi là điều chưa được nghĩ tới”, cô nói, “Mất vài năm tôi mới được cho phép chuẩn bị nguyên liệu tôm ngọt. Nó khiến tôi hiểu rào cản đối với nữ giới trong ngành này lớn thế nào”

Vào thời kỳ đầu, những thợ làm sushi nữ ở Nadeshiko Sushi không phải là đầu bếp sushi đúng nghĩa. Họ chỉ nắn cơm với nguyên liệu theo thực đơn có sẵn. Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và các khâu khác vẫn phải do các đầu bếp nam thực hiện.

Giám đốc của công ty sở hữu nhà hàng thời gian đó chỉ hy vọng những nữ đầu bếp đứng làm sushi ở quầy sẽ làm công cụ marketing cho nhà hàng. Cụm từ “moe sushi” (sushi dễ thương) để dành miêu tả những cô gái làm sushi như vậy, nhanh chóng thu hút truyền thông.

Với cách thức đó, nhà hàng bắt đầu được chú ý sau 2 tháng mở cửa. Điều đó làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các đầu bếp nam và nữ. Một số đầu bếp nam đã bỏ đi.

“Mặc dù tôi cuối cùng đã trở thành thợ sushi như mơ ước, nhưng từ góc độ kinh doanh, tôi vẫn phải mặc bộ trang phục hầu gái – một trang phục quen thuộc cho các nữ phục vụ ở các nhà hàng Nhật quận Akihabara để thu hút thực khách”, Chizui khá bực bội vì điều đó.

Lúc đó, một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên với một hãng truyền thông nước ngoài đã làm thay đổi cách nghĩ của Chizui.

“Trong bài báo của họ, tôi được gọi là Yuki Chuzui - người đầu bếp sushi phá vỡ sự trọng nam khinh nữ của Nhật Bản. Nhìn thấy danh hiệu mà họ phong cho mình, tôi cảm thấy một cái gì đó lạc lõng khi trước giờ tôi chỉ được xem là một công cụ mua vui. Tôi phải thay đổi thế giới làm sushi, nhưng lại đang mất phương hướng. Tôi thấy bản thân chỉ đang làm cái mà xã hội muốn thôi”.

Trước nguy cơ đóng cửa nhà hàng, Chizui đưa ra chiến lược kinh doanh mới. Đó là đưa nữ giới làm việc như những đầu bếp sushi thực thụ.

Từ vị trí quản lý, Chizui trở về nhà hàng cũ tiếp tục học nghề làm sushi chuyên nghiệp. Cô có các cố vấn hướng dẫn tìm nguồn nguyên liệu và sau đó cô có thể đủ kiến thức để đi chọn nguyên liệu một mình. Một vài chỗ kỳ thị giới tính khi bán hàng cho Chizui, nhưng cũng có những nơi đã trở thành nhà cung cấp thường xuyên cho cô. Chẳng hạn như cửa hàng Noji Kiyo ở chợ Toyosu.

Chizui chọn mua nguyên liệu ở khu chợ Toyusu trong cửa hàng của Yusuke Yamazaki 
Chizui chọn mua nguyên liệu ở khu chợ Toyusu trong cửa hàng của Yusuke Yamazaki 

“Cô ấy làm việc chăm chỉ, lại đang phải đối mặt với áp lực từ một ngành do đàn ông thống trị. Cô ấy khêm tốn học hỏi và tôi muốn giúp đỡ cô ấy”, chủ cửa hàng Yusuke Yamazaki nói.

Khi chiến lược nhà hàng thay đổi, những tranh cãi cũng nổ ra. Khách hàng chế giễu về việc Chizui làm đầu bếp. Dù cô có đủ bản lĩnh vượt qua mọi lời lăng mạ, nhưng cô cũng bị gọi là “táo tợn”, “mặt dày” khi đứng vững trên quầy làm sushi.

“Tôi cũng chiến đấu với khách hàng nữa. Bởi vì tôi cảm thấy mình cần phải vững vàng vì những nhân viên nữ khác, những người đang học việc để trở thành nữ đầu bếp sushi”

 Dần dần, khách hàng cũng thay đổi thái độ. “Chẳng có gì bất thường khi phụ nữ làm đầu bếp. Nó rất là tự nhiên đấy”, một nam thực khách thường xuyên của nhà hàng nhận định. “Nhiều nhà hàng sushi thường có không khí buồn tẻ, khách chỉ đến ngồi và im lặng ăn. Chizui đã khiến thực khách thấy thoải mái và thư giãn hơn, khiến người ta muốn quay lại”, anh này cho biết.

Nhiều nhà hàng sushi có các nam đầu bếp thường có không khí nghiêm trang, im ắng. Khách của Nadeshiko Sushi được đối xử nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Họ còn có cả khu vui chơi cho trẻ em, để các bậc phụ huynh có thể toàn tâm toàn ý thưởng thức sushi bên quầy.

Nadeshiko Sushi cũng đã bắt đầu thu hút du khách nước ngoài. Một phụ nữ đến từ Ma-rốc đã đến nhà hàng vì đọc được quảng cáo trên xe buýt rằng: “toàn bộ nhân viên ở đây là nữ”.

“Tôi vốn nghĩ đầu bếp sushi phải là nam. Cho nên quảng cáo đó thu hút tôi. Mọi người ở đây rất thân thiện và hòa đồng, họ xinh đẹp nữa”, du khách này nói.

Sau 4 năm, cuối cùng nhà hàng đã “nữ hoá’ hoàn toàn. Hiện nay, Chizui và đội ngũ của cô đang phát triển chương trình đào tạo thêm đầu bếp sushi ở nước ngoài.  

Nghệ thuật độc đáo trên miếng sushi của đầu bếp nữ

Những miếng sushi trang trí lạ mắt là điểm nhấn cho tác phẩm của Chizui
Những miếng sushi trang trí lạ mắt là điểm nhấn cho tác phẩm của Chizui

Điểm nổi bật của Nadeshiko Sushi là cách sắp xếp sushi đẹp mắt.

Sushi được tạo thành từ 2 phần: cơm và phần phủ trên. “Mặc dù màu sắc và hình dáng nhìn đơn giản vậy nhưng tôi thấy đó là 2 phần cần hài hoà tuyệt đối. Tôi đã học từ các thiết kế làm bánh mà tôi từng biết trong trường đại học và áp dụng vào cách làm sushi kiểu mới”, Chizui giải thích.

Cô thay đổi các loại cá theo mùa, sử  dụng dao chuyên dụng để cắt tỉa lá tre thành hình trang trí làm tăng độ bắt mắt cho miếng sushi.

Bước vào năm thứ 10 hoạt động, Nadeshiko Sushi lại đang tiếp tục tuyển đầu bếp nữ.

“Cuộc đời của người phụ nữ luôn thay đổi: lấy chồng, sinh con… Mỗi lần thay đổi, nhiều phụ nữ phải từ bỏ công việc của mình”, Chizui nói, “Tôi sẵn sàng hỗ trợ những người phụ nữ ấy. Tôi muốn biến việc trở thành đầu bếp sushi có thể là một kế hoạch lâu dài của nữ giới, muốn giải phóng nữ giới khỏi các định kiến và sự phân biệt đối xử”, Chizui kết luận. 

MN (theo Huffpost)

Nhật Bản sẽ tính phí túi nilon từ năm 2020

Nhật Bản sẽ tính phí túi nilon từ năm 2020

Quyết định trên đã được một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản nhất trí ngày 1/11.