'Nữ hoàng mía đường' rời ghế chủ tịch TTC Land

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), vừa nộp đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân.

Bà Huỳnh Bích Ngọc đã giữ vị trí Chủ tịch HĐQT TTC Land từ ngày 25/4/2022 và đồng thời là Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc của TTC Group. Hai thành viên khác của HĐQT TTC Land là ông Hoàng Mạnh Tiến và bà Trần Diệp Phương Nhị cũng đã nộp đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, sinh năm 1962 được biết đến với biệt danh "nữ hoàng mía đường" khi giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT). Bà cũng là vợ ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group).

Đại diện của TTC Land giải thích rằng, việc thay đổi nhân sự cấp cao trong công ty nhằm phù hợp với chiến lược mở rộng mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại thị trường phía Nam trong giai đoạn đến năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, TTC Land đang tập trung vào việc chuẩn bị nguồn nhân lực có kinh nghiệm để thực hiện.

'Nữ hoàng mía đường' rời ghế chủ tịch TTC Land- Ảnh 1.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT TTC Land.

Ngoài ra, TTC Land đã công bố danh sách ứng viên do nhóm cổ đông đề cử cho vị trí thành viên HĐQT mới. Trong danh sách này có sự xuất hiện của ông Lê Quang Vũ và ông Phạm Trung Kiên, đều là những người có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực bất động sản.

Về tình hình tài chính, TTC Land ghi nhận doanh thu đạt 371 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 58% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 15 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm 2023, TTC Land ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm kỷ lục 1.585,97 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 630,96 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 495,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.083,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt vốn kinh doanh.

Tổng tài sản của TTC Land tính đến 31/12/2023 tăng 9,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 939,9 tỷ đồng, lên 10.631,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 3.663,7 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng tài sản, và các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.569,3 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng tài sản. 

Các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 902,6 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng tài sản, trong khi bất động sản đầu tư ghi nhận 857,3 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong năm 2023, hàng tồn kho chủ yếu liên quan tới hàng hóa bất động sản tăng từ 92,5 tỷ đồng lên 845,6 tỷ đồng. Điều này dẫn đến tăng tồn kho và các khoản thu ngắn hạn, đồng thời dòng tiền kinh doanh của TTC Land âm kỷ lục.

Về nguồn vốn, vào cuối năm 2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của TTC Land tăng 56,8% so với đầu năm, lên 2.993,8 tỷ đồng, bằng 58,4% vốn chủ sở hữu, so với 37,7% vốn chủ sở hữu ở đầu năm.

Về chính sách phân phối cổ tức, trong năm 2023, TTC Land trình cổ đông tiếp tục không trả cổ tức cho cổ đông, lý do tình hình hoạt động kinh doanh khó khăn.

Được biết, lần gần nhất TTC Land trả cổ tức là năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Nếu tính từ năm 2011 tới nay, chưa năm nào TTC Land trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Như vậy, hai năm liên tiếp TTC Land không trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu 705 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng trong năm 2024, đồng thời tái khởi động mở bán dự án Panomax River Villas tại quận 7, TP.HCM, cùng với các dự án trọng điểm khác như TTC Plaza Đà Nẵng và Selavia Phú Quốc.

VIÊN VIÊN