Ở Hà Nội vẫn tiết kiệm đến 15-20 triệu/tháng chỉ nhờ những thứ này

Nhờ thay đổi thói quen trong quản lý tài chính, các cặp đôi có thể tiết kiệm được nhiều hơn cho các dự định trong tương lai.

Liệu cơm gắp mắm

Đây là nguyên tắc mà vợ chồng Trần Lợi (SN 1991, nhân viên IT) - Khánh Hòa (SN 1996, giáo viên) nói về cách họ chi tiêu khi sống tại TP. Hà Nội. Họ kiếm được tổng thu nhập 60 triệu/tháng, nhưng chỉ dành khoảng 25-30% cho chi phí sinh hoạt. Còn lại bao nhiêu tiền, họ dùng để mua vàng, gửi tiết kiệm và mua đất ở vùng ven.

Cụ thể hơn, cặp đôi chia tổng thu nhập hàng tháng thành từng khoản chi tiêu sau đây:

- Chi phí sinh hoạt: (25% - 30% thu nhập, tức 15 - 20 triệu)

Trong số đó, họ dành 9 triệu cho tiền ăn, 2 triệu cho tiền điện nước và phí quản lý chung cư. Tiền mua đồ dùng khác là khoảng 1 triệu. Còn lại bao nhiêu là chi phí phát sinh như xăng xe, đám ma và cưới hỏi. Họ không mất tiền thuê nhà vì đã mua căn hộ.

"Những nhu cầu vật chất gần như hạn chế, vì cả hai đều quan điểm, chưa giàu thì không nên lãng phí", cặp đôi cho biết.

- Quỹ dự phòng: (10% thu nhập, tức 6 triệu)

Đây là khoản chi tiêu mà họ dành cho những trường hợp bất khả kháng như tai nạn, hỏng xe cộ hay máy móc… Đây cũng là quỹ mà họ cất tiền riêng để biếu gia đình hai bên.

- Quỹ tiết kiệm và đầu tư: (60% thu nhập, tức 35 triệu).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nói riêng về tổng chi phí sinh hoạt khi sống ở Hà Nội là khoảng 15 triệu, cặp đôi chia sẻ cặp đôi có 2 kinh nghiệm:

- Ghi chép lại toàn bộ khoản chi tiêu trong 1 tháng trên file excel

Bất kể khoản chi tiêu, dù lớn hay nhỏ đều được vợ chồng Trần Lợi ghi chép lại. Cuối tháng, họ sẽ ngồi cùng tổng hợp và kiểm tra dòng tiền thu chi hàng tháng của gia đình.

- Nỗ lực cắt giảm các khoản chi tiêu

Cặp đôi chia sẻ: “Tụi mình còn trẻ và muốn tranh thủ thời điểm chưa có con nên xác định cần phải bắt đầu tích lũy dần tiền bạc. Chúng mình hạn chế đi siêu thị, vào shop quần áo vừa phải, ít tụ tập và du lịch nhiều.

Mỗi tháng có lương là rút ngay tiền gửi vào tài khoản tiết kiệm. Nếu tháng nào thiếu tiền thì mình cố gắng đi mua chịu, hoặc tự dặn lòng sang tháng sau phải bù vào. Về phần thiết bị điện tử thì đã sắm 1 lần lúc mua nhà, nên 1 năm chỉ phát sinh khoản chi mới không quá 30 triệu đồng".

Dùng nhiều tài khoản ngân hàng, hạn chế xài thẻ tín dụng

Trâm Anh (26 tuổi, Content Marketing) cùng chồng Minh Tuấn (29 tuổi, nhân viên IT) và con gái 2 tuổi đang sống tại Hà Nội. Bên cạnh công việc văn phòng chính, đôi khi vợ chồng Trâm Anh còn làm thêm công việc phụ và đầu tư cổ phiếu.

Tổng thu nhập hàng tháng của cặp đôi là khoảng 50 triệu đồng. Trong số đó, họ để dành được 15 - 20 triệu đồng tiền tiết kiệm.

Họ chia sẻ về cách họ phân bổ tổng thu nhập: “Vợ chồng mình dành 10 triệu đồng cho con, 20 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt, 5 triệu đồng cho chi phí phát sinh (tiền đối nội đối ngoại, ma chay, cưới hỏi, sửa chữa xe hỏng…

Con số thực tế có thể dao động tuỳ thuộc vào các khoản chi và tình hình thu nhập của cả hai. Còn lại là số tiền vợ chồng mình dành để vào quỹ tiết kiệm”.

Để kiểm soát tài chính hiệu quả, vợ chồng Trâm Anh có một số nguyên tắc sau: Quẹt thẻ tín dụng ít hơn; Chi tiêu gì cũng ghi vào sổ để cuối tháng, họ cùng kiểm tra lại tổng tiền thu chi, xem có khoản mục nào tiêu quá tay thì tháng sau sẽ cân đối lại.

Bên cạnh đó, cô nàng còn dùng đến 3 tài khoản ngân hàng với những mục đích khác nhau. Họ dùng một tài khoản cho các chi tiêu hàng hàng ngày, một tài khoản để trả tiền học cho con và tiền thuê nhà. Trong khi đó, tiền tiết kiệm được cất riêng vào tài khoản ngân hàng khác.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Lời khuyên dành cho vợ chồng trẻ

Với vợ chồng trẻ dự định kết hôn, Trần Lợi cho lời khuyên rằng cả hai nên lên lập kế hoạch chi tiêu và xác định ai cầm tiền để tránh chuyện cãi vã. Bên cạnh đó, hãy học cách xây dựng kế hoạch tài chính từ sớm, vì chúng giúp bạn cân đối và biết trước hạn mức tiêu dùng của gia đình.

Còn về phía Trâm Anh, cô cho biết nếu như trước kia hai vợ chồng cô chỉ tiêu khoảng 15 - 20 triệu cho chi phí sinh hoạt hàng tháng thì khi có con, họ tốn thêm 10 - 15 triệu cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Trâm Anh chia sẻ: “Khi có con thì mình sẽ chi thêm tiền. Cụ thể là tiền tiêm phòng (2 năm đầu hết khoảng hơn 20 triệu); tiền bỉm sữa (3-4 triệu/tháng); tiền quần áo, đồ chơi, bánh ăn dặm, các đồ dùng khác (2-4 triệu/tháng); tiền khám bệnh nếu con ốm; tiền học (4 triệu/tháng)". Được biết, Trâm Anh cho con đi học từ lúc bé 16 tháng tuổi.

Đối với những gia đình có dự định sinh con nhỏ, Trâm Anh đưa ra lời khuyên: “Mình nghĩ có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Tuy nhiên, bạn nên thật sự sẵn sàng cả về kinh tế lẫn tinh thần thì hẵng có em bé. Bởi khi yêu, hai người dù có thu nhập 7-10 triệu cũng có thể sống được. Tuy nhiên nếu bạn có con mà thu nhập vẫn ở mức đó thì cuộc sống sẽ rất vất vả, dần dần vợ chồng cũng sẽ cãi nhau vì tiền… Theo mình, mỗi vợ chồng nên có thu nhập trên 15 triệu thì việc có em bé sẽ ổn hơn".

Nguyệt

Bớt chi tiền cho 5 thứ này, cô gái tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng

Bớt chi tiền cho 5 thứ này, cô gái tiết kiệm được tiền triệu mỗi tháng

Cô bạn này đã chỉ ra bí quyết cực hiệu quả để tối giản chi tiêu và tiết kiệm.