Ô tô, giấc mơ nơi này là ác mộng nơi kia

Trong lúc sắm ô tô vẫn đang là một giấc mơ đẹp đẽ và chính đáng của nhiều người dân Việt Nam, thì ở nơi khai sinh ra những chiếc xe 4 bánh có khả năng đưa bạn tới mọi nơi bạn muốn, mưa không tới mặt nắng không tới đầu, chúng - những “giấc mơ đời người” (nhà lầu xe hơi) ấy đang vật lộn để tìm con đường sống mới.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Triển lãm ô tô Frankfurt, sự kiện lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Đức, nơi khai sinh ra chiếc xe 4 bánh với động cơ đốt trong từ gần 130 năm trước, thay vì thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng lẫn các thương hiệu xe hơi quốc tế như lâu nay, thì lại trở thành nỗi thất vọng lớn, như thú nhận của cựu CEO hãng xe Opel (thương hiệu Đức, chiếc Vinfast Fadil chính là từ một mẫu của Opel).

Một mảng trần ở gian hàng của BMW đã sập xuống ngay buổi chiều ngày triển lãm mở cửa đầu tiên cho báo giới mà ban đầu người ta còn tưởng là có khủng bố. Nhưng hình như nguyên do đơn giản chỉ là do nó đã… cũ (xây dựng 10 năm trước). Hình ảnh này được truyền thông phương Tây ví như một tín hiệu cho thấy mọi thứ đang thay đổi. Và bên ngoài Frankfurt, có một sự mệt mỏi, một mớ hỗn độn giữa ô tô và chính trị, tương lai của ô tô truyền thống và ô tô điện trước áp lực của vấn đề môi trường.

Các nhà hoạt động môi trường giơ biểu ngữ phản đối sản xuất ô tô ở Đức
Các nhà hoạt động môi trường giơ biểu ngữ phản đối sản xuất ô tô ở Đức

Thay vì vào xem triển lãm, hàng ngàn người dân Đức đạp xe quanh khu vực nhà triển lãm, giương cao khẩu hiệu yêu cầu chính phủ của bà Merkel phải dừng việc sản xuất xe hơi với động cơ đốt trong (xăng, diesel). “STOP SUV,” “SUV not cool,” và “We can’t replace our lungs” là những khẩu hiệu bao vây IAA. SUV hay xe thể thao đa dụng gầm cao chính là dòng xe cho doanh thu lớn nhất hiện nay.

Không chỉ Đức, nhiều thành phố châu Âu đã phê duyệt kế hoạch cắt giảm tiến tới khai tử xe 4 bánh. Ước tính, 12,6 triệu chiếc xe hơi đang nằm trong diện sẽ bị tống khứ. Đây là việc nằm trong lộ trình thải loại xe hơi chạy nhiên liệu truyền thống để giảm khí thải ra môi trường. Cụ thể như sau:

- Đến 2024: Xe chạy diesel sẽ biến mất tại nhiều thành phố châu Âu. Hiện tại Madrid đã áp dụng biện pháp hạn chế xe động cơ xăng sản xuất trước năm 2000 và động cơ diesel sản xuất trước 2006.

- Đến 2030: Cấm toàn bộ ô tô sử dụng nhiên liệu truyền thống tại 13 thành phố châu Âu và 24 thành phố khác cấm ô tô chạy diesel. 

- Các cây xăng trong thành phố sẽ bị dẹp bỏ.

Từng được ví là “Thủ đô xe đạp” của thế giới, ngay từ sang năm, năm 2020, Amsterdam, Hà Lan cấm toàn bộ xe hơi chạy động cơ diesel vào thành phố. Và đến năm 2030, tất cả các phương tiện giao thông trong Amsterdam hoàn toàn không khí thải.

Thay đổi hay là chết? Việc chuyển từ động cơ đốt trong truyền thống sang động cơ “sạch”, sử dụng điện hoặc khí hydro – để không còn khí thải CO2 - đang được xem là con đường sống của các nhà chế tạo xe 4 bánh. Ba ông lớn của ngành công nghiệp ô tô Đức là Mercedes, BMW và Volkswagen cam kết trong 10 năm tới, một nửa xe sản xuất của họ sẽ hoàn toàn không khí thải - đồng nghĩa với 50% các sản phẩm của 3 tập đoàn này sẽ là xe điện.

Xe điện hiện đã được nhiều nước châu Âu áp dụng, tuy nhiên đây cũng không hẳn là giải pháp.
Xe điện hiện đã được nhiều nước châu Âu áp dụng, tuy nhiên đây cũng không hẳn là giải pháp.

44 tỷ đô la là khoản chi phí cho các chuyển đổi này trong vòng 3 năm tới. Và hàng ngàn tỷ đô la khác cũng sẽ được chi ra cho sự thay đổi này trên toàn thế giới, không chỉ để tạo ra những chiếc xe hơi kiểu mới, mà còn phải xây dựng hệ thống nạp nhiên liệu mới thay thế cho hệ thống cây xăng truyền thống. Đi kèm theo nó cũng sẽ là ngành công nghiệp chế tạo pin, các cơ sở sản xuất điện, sản xuất hydro…

Nhưng mọi việc không đơn giản chỉ là tiền, dù đó là một núi… đô la.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành môi trường, thì ô tô điện, ngay cả khi không thải rất ít khí CO2 nào, cũng không phải là câu trả lời cho vấn đề ô nhiễm. Quan điểm của Kelly, giáo sư về sức khỏe môi trường tại King College London, Chủ tịch của Ủy ban về tác động y tế của chất ô nhiễm không khí, cố vấn chuyên gia chính phủ Anh là “Các thành phố của chúng ta cần ít xe hơn, không chỉ là xe sạch hơn”.

Xe điện không thải ra CO2 nhưng tạo ra ô nhiễm hạt nhỏ từ sự mài mòn của đĩa phanh và lốp xe và ô nhiễm hạt mới thật sự đáng ngại vì nó gây ô nhiễm rất cao, đặc biệt nhiều độc tính ảnh hưởng tới tim phổi, giáo sư Kelly viết trong một bài báo trên tờ Guardian.

Sáng nay bạn ra khỏi nhà mấy giờ?

Đừng nói rằng dù giờ làm việc của công ty bắt đầu lúc 9h sáng song bạn phải dời khỏi nhà từ lúc 5h nhé. Nhưng đó lại là chuyện hàng ngày của các nhân viên văn phòng, công ty ở Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria, nền kinh tế thứ năm của châu Phi! Bạn nhân viên này đã phải viết trên trang cá nhân: “Đây đâu còn là công việc nữa, đó là đau khổ. Ông chủ thân mến ơi, tôi có thể làm việc ở nhà không?”. Và để trải nghiệm cảm giác ở “Địa ngục giao thông” này, phóng viên CNN đã mất 8 tiếng trên xe để di chuyển với một quãng đường chưa đầy 50km từ sân bay về thành phố.

Tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Tình trạng tắc đường, ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Đấy lại là một câu chuyện khác, bức xúc không kém, thậm chí, có vẻ rát mặt hơn, ở hầu hết các đô thị lớn hiện nay, Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài vùng phủ sóng: nạn kẹt xe, một thứ ô nhiễm không gian đô thị, gây nên áp lực sống căng thẳng và mệt mỏi cho mọi người dân ở đây, dù có đi ô tô hay không.

Kẹt xe tới mức “không còn thuốc chữa” tại Jakarta, Indonesia (trang web du lịch còn khuyên mọi người đi xe trong thành phố này nhớ mang theo… bô nếu không muốn… vỡ bụng), là một trong hai nguyên nhân khiến nước này phải dời đô. Và Jakarta không phải là trường hợp duy nhất.

Tình trạng kẹt xe tại Jakarta, Indonesia
Tình trạng kẹt xe tại Jakarta, Indonesia

Ngay cả Mỹ, quốc gia mênh mông đất đai, xa lộ tít tắp, vậy mà ở nhiều thành phố lớn, người ta đang đặt vấn đề phải qui hoạch lại, mà gạch đầu dòng đầu tiên trong bản qui hoạch ấy là… tống cổ những chiếc xe hơi ra khỏi thành phố!

Buổi sáng, nhận được thư mời tham gia chương trình lái thử xe Vinfast tại khu đô thị Vinhome, thì lại cũng đọc nhanh trên báo thấy nói Hà Nội sắp thử nghiệm cấm sạch xe hơi, xe máy khu vực Bờ Hồ (không giới hạn cuối tuần nữa)…

Đúng là giấc mơ hay ác mộng, chỗ kia hay chỗ khác, mà thôi!

Thủy Phạm

Vingroup gây sốc khi tặng luôn ô tô Vinfast cho người mua nhà

Vingroup gây sốc khi tặng luôn ô tô Vinfast cho người mua nhà

Sau khi tặng 100.000 cư dân Vinhomes điện thoại Vsmart, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại "tung chiêu" tặng luôn ô tô Vinfast cho người mua nhà.