Với mong muốn tìm hiểu rõ về thành phần hoá học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào của cây Mắc khén (Z. rhetsa), nhằm tìm kiếm các thành phần có hoạt tính tốt có thể định hướng sử dụng làm thuốc chữa bệnh trên cơ sở nguồn dược liệu quý của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây Mắc khén (Zanthoxylum rhetsa) nhằm định hướng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thực vật này”. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN xếp loại xuất sắc.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân |
Mắc khén có tên khoa học Zanthoxylum rhetsa (Roxb.) DC., thuộc họ Cam (Rutaceae). Một số tên thường gọi khác: Vàng me, Sẻn hôi, Hoàng mộc hôi. Theo y học dân gian, quả Mắc khén có vị đắng cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm se, kích thích, lợi tiêu hóa. Vỏ thân thơm, bổ và hạ nhiệt. Vỏ rễ màu đỏ nâu có vị đắng, mùi thơm dễ chịu, tính ấm, có tác dụng kích thích, trị giun, điều kinh, lọc máu ở thận. Quả được dùng để trị đầy hơi, tiêu chảy, thấp khớp; Tinh dầu quả dùng chữa thổ tả; Vỏ thân dùng trị tiêu chảy, sốt rét, thấp khớp, mất trương lực của dạ dày. Mắc khén phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam, Mắc khén mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cây Mắc khén (Z. rhetsa) trên thế giới cho thấy cây này có thành phần chủ yếu là các hợp chất quinoline alkaloid, ngoài ra còn có một số hợp chất khác như amide, lignan, coumarin, triterpenoid, flavonoid. Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy nhiều hợp chất thu được từ cây này có những hoạt tính sinh học đáng chú ý như kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV…, trong đó nổi bật nhất là khả năng gây độc tế bào ung thư và kháng khuẩn.
Ở Việt Nam, cây Mắc khén được coi là cây đặc sản của vùng núi phía Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang và một số vùng khác như Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng bào dân tộc Tây Bắc thường dùng quả Mắc khén thay hạt tiêu làm gia vị nổi tiếng, lá non cây này cũng được dùng làm gia vị. Tuy nhiên, các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học cây Z. rhetsa ở Việt Nam chưa có nhiều. Cho tới nay, mới chỉ thấy có một số kết quả công bố về thành phần hóa học tinh dầu quả Z. rhetsa, nhưng đây cũng chỉ là những nghiên cứu sơ bộ về thành phần hóa học tinh dầu mà chưa có các nghiên cứu định hướng sử dụng các thành phần có hoạt tính cao để làm thuốc chữa bệnh.
Cây Mắc khén |
Phương pháp nghiên cứu: Việc phân lập và tinh sạch các chất được sử dụng các phương pháp sắc ký kết hợp, như: sắc ký lớp mỏng trên bản mỏng silica gel đế nhôm tráng sẵn DC-Aluofolien 60 F254 (Merck 1.05715), sắc ký cột với chất hấp phụ là silica gel pha thường (Merck, 0.040-0.063mm), pha đảo (YMC, 30-50µm, Fujisilisa Chemical Ltd.) hoặc nhựa trao đổi ion Diaion HP-20 (Misubishi Chem. Ind. Co., Ltd.). Việc xác định cấu trúc hoá học của các hợp chất phân lập được dựa vào các phương pháp vật lý và các phương pháp phổ như phổ khối lượng phun mù điện tử (ESI-MS), phổ khối lượng phân giải cao (HR ESI-MS), phổ cộng hưởng từ hạt nhân một chiều (1H-NMR, 13C-NMR, DEPT) và hai chiều (HSQC, HMBC, COSY, NOESY). Tinh dầu thu được bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trên thiết bị Clavenger và được xác định thành phần hoá học trên thiết bị sắc ký khí kết nối khối phổ (GC/MS) với máy sắc ký khí HP7890A (Mỹ) nối ghép với detector khối phổ Agilent5975C (Mỹ), thư viện phổ Wiley 275, NIST 98 và kết hợp với chỉ số khóa thời gian lưu (Kovast Index). Hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định được tiến hành trên các phiến vi lượng 96 giếng. Độ độc tế bào in vitro được tiến hành theo phương pháp SRB.
Kết quả của nhóm là phân lập, xác định cấu trúc hoá học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các hợp chất thứ cấp từ các bộ phận lá, quả, vỏ thân cành cây Mắc khén. Kết quả đã phân lập và xác định cấu trúc của 15 hợp chất từ vỏ thân, trong đó có 01 chất mới là Zanthorhetsavietnamese, 08 chất từ lá và 05 chất từ quả. Một số chất thể hiện có hoạt tính tiềm năng, trong đó đáng chú ý là hoạt chất nitidine và hesperidin. Nhóm cũng đã nghiên cứu thành phần hoá học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các mẫu tinh dầu thu được từ các bộ phận quả, lá, cành quả, cành lá, vỏ thân cành cây Mắc khén.
Thông qua các kết quả nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu đã tìm ra các thành phần có tiềm năng trong cây Mắc khén Z. rhetsa như nitidine, hesperidin và tinh dầu có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, đồng thời chiếm hàm lượng cao trong cây. Do đó, để tiến tới việc khai thác một cách có hiệu quả các thành phần hoạt tính này nhằm định hướng phát triển thành các sản phẩm thiên nhiên có giá trị chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, nên có thêm các nghiên cứu về một số hoạt tính khác như kháng viêm, giảm đau, chống oxi hoá, tăng cường miễn dịch, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn ... của các thành phần này.
(Nguồn: Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)
Các nhà nữ khoa học Việt Nam cùng quốc tế bàn về phát triển bền vững
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị APNN 2020, đại diện đoàn Việt Nam kiến nghị: tích cực thảo luận triển khai mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.