Khoa học thường được coi là lĩnh vực do nam giới thống trị.
Trên thực tế, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, có khoảng 30% các nhà nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới là phụ nữ.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ trước đến nay, phụ nữ không được khuyến khích hoặc ít quan tâm đến việc tham gia vào STEM (thuật ngữ dùng để chỉ các ngành học về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học - PV). Và theo Trung tâm nghiên cứu Pew, phụ nữ vẫn chưa thực sự được đánh giá cao về kỹ thuật, khoa học công nghệ và vật lý một cách xứng đáng.
Nhưng bất chấp những thách thức về phân biệt giới tính và sự thiếu công nhận trong cộng đồng khoa học, vô số những người phụ nữ truyền cảm hứng trong các lĩnh vực này đã có những đóng góp lịch sử cho khoa học và giúp nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh chúng ta.
Tất cả chúng ta đều biết về Marie Curie và Jane Goodall, nhưng dưới đây là 10 nhà nữ khoa học cũng có những đóng góp vô cùng vĩ đại mà bạn nên biết.
Alice Ball (1892-1916)
Nhà hóa học người Mỹ Alice Ball là người phụ nữ đầu tiên, đồng thời cũng là người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận bằng thạc sĩ từ Đại học Hawaii và tiếp tục trở thành nữ giáo sư hóa học đầu tiên của trường đại học này. Mới chỉ 23 tuổi, Ball đã nghiên cứu và phát triển một phương pháp điều trị đột phá cho bệnh phong - một căn bệnh mà trước đây ít có khả năng cứu chữa.
Trước nghiên cứu về bệnh phong của Ball, phương pháp điều trị tốt nhất là dùng dầu chaulmoogra, đây là phương pháp rất khó cho bệnh nhân sử dụng vì những hạn chế trong việc ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của những bệnh nhân phong. Khi làm trợ lý nghiên cứu tại Bệnh viện Kalihi ở Hawaii, Ball đã phát triển một dạng dầu dễ tiêm, phương pháp này đã cứu được vô số người và trở thành phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh phong cho đến những năm 1940.
Thật không may, Alice Ball đã qua đời trước khi có thể công bố những nghiên cứu này đến rộng rãi hơn. Trong khi đó, chủ tịch của Đại học Hawaii đã cố gắng tuyên truyền rằng đây là những nghiên cứu của ông ta, cho đến khi cựu giám sát viên của Ball lên tiếng rằng Ball mới thực sự là tác giả của công trình nghiên cứu này, và cô xứng đáng nhận được những phần thưởng danh giá cho phương pháp điều trị mới của bệnh phong.
Mãi đến thế kỷ 21, những thành tựu của cô mới được chính thức công nhận và thống đốc Hawaii tuyên bố ngày 29 tháng 2 là "Ngày Alice Ball".
Rosalind Franklin (1920-1958)
Rosalind Franklin là một nhà hóa học và nhà nghiên cứu DNA người Anh, trong những tài liệu kể lại, cô đã mơ ước trở thành một nhà khoa học từ khi cô 15 tuổi. Giấc mơ đó đã trở thành hiện thực khi cô được trao học bổng danh giá của đại học King College London, nơi cô trở thành một chuyên gia trong đơn vị nghiên cứu tinh thể học tia X.
Những dữ liệu nghiên cứu của Franklin lần đầu tiên chứng minh được rằng kích thước cơ bản của các chuỗi DNA và tiết lộ phân tử có hai phần khớp nhau, chạy theo hai hướng ngược nhau. Dữ liệu của cô được James Watson và Francis Crick sử dụng để đưa nghiên cứu của họ về mô hình DNA trên vạch đích và được xuất bản riêng dưới dạng dữ liệu hỗ trợ cùng với các bài báo nghiên cứu của Watson, Crick và Maurice Wilkins trên tạp chí Nature.
Nhiều người trong cộng đồng khoa học cho rằng Franklin nên được trao giải thưởng Nobel cùng với Watson, Crick và Maurice Wilkins, người đã giành giải thưởng Nobel về sinh lý học hoặc y học năm 1962 "vì những khám phá về cấu trúc phân tử của axit nucleic và tầm quan trọng của nó đối với sự chuyển hóa của vật liệu sống. " Thật không may, Franklin đã chết vì ung thư buồng trứng vào năm 1958, chỉ bốn năm trước khi giải thưởng được trao.
Dorothy Hodgkin (1910-1994)
Dorothy Hodgkin là một nhà hóa học người Anh xuất sắc nhất trong lĩnh vực nghiên cứu tinh thể học tia X. Năm 1964, Hodgkin trở thành người phụ nữ Anh đầu tiên và duy nhất giành giải thưởng Nobel về hóa học "vì những nghiên cứu của cô trong kỹ thuật X-quang về cấu trúc của các chất sinh hóa quan trọng " .
Trong suốt sự nghiệp của mình, cô đã thực hiện nhiều nghiên cứu đột phá, bao gồm cấu trúc nguyên tử của penicillin, cấu trúc của vitamin B12 và cấu trúc của insulin. Hodgkin cũng dành nhiều thập kỷ để cải thiện các kỹ thuật tinh thể học tia X, giúp cô có thể hoàn thành nghiên cứu sáng tạo về insulin và cải thiện phương pháp điều trị bệnh tiểu đường.
Cô cũng trở thành người phụ nữ thứ hai giành được Bằng khen danh giá của Vương quốc Anh vào năm 1965. Trong khi Hodgin là giáo sư tại Đại học Oxford, cô được tin tưởng giao nhiệm vụ cố vấn cho Thủ tướng Margaret Thatcher.
Grace Hopper (1906-1992)
Grace Hopper là một lập trình viên máy tính xuất sắc, người đã giúp phát triển nhiều ngôn ngữ lập trình máy tính và được coi là một trong những lập trình viên đầu tiên của thời đại điện toán hiện đại.
Được trang bị bằng thạc sĩ và tiến sĩ toán học tại Yale, Hopper tiếp tục có một sự nghiệp có ảnh hưởng trong khu vực tư nhân và Hải quân Hoa Kỳ. Cô gia nhập Cục Dự trữ Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1943 để hỗ trợ cho chiến tranh của Mỹ trong suốt Thế chiến II, cô làm việc trong một phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm về các thuật toán tối mật như hiệu chỉnh máy quét mìn, về các loại súng phòng không và hỗ trợ việc tạo ra bom plutonium.
Sự nghiệp của cô cũng đóng góp cho sự phát triển của ngôn ngữ lập trình máy tính hiện đại. Cô trở thành người đầu tiên gọi các sự cố máy tính là "lỗi" trong hệ thống.
Barbara McClintock (1902-1992)
Nhà thực vật học người Mỹ Barbara McClintock đã có những đóng góp lớn cho một số khám phá đột phá trong lĩnh vực di truyền sau sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ khi nghiên cứu cấu trúc di truyền của ngô. McClintock đã nghiên cứu cách thức di truyền của một số đặc tính có thể di truyền qua các thế hệ, cuối cùng phát hiện ra rằng một số gen có thể di chuyển.
Trong những năm 1940 và 1950, nghiên cứu của McClintock chỉ ra rằng các yếu tố di truyền đôi khi có thể di chuyển trên nhiễm sắc thể và do đó khiến các gen gần đó được kích hoạt. Nhưng phải đến hàng thập kỷ sau, các nhà khoa học mới hiểu và nhận ra giá trị to lớn của phát hiện của cô.
McClintock đã được trao Huân chương Khoa học Quốc gia năm 1971 và giành giải thưởng Nobel về Sinh lý học hoặc Y học năm 1983 "vì phát hiện ra các yếu tố di truyền".
Lise Meitner (1878-1968)
Nhà vật lý người Áo Lise Meitner đã đóng góp những sáng kiến đáng kể cho lĩnh vực vật lý hạt nhân. Cô cũng là người phụ nữ đầu tiên trở thành giáo sư vật lý ở Đức.
Công trình phân hạch hạt nhân của Meitner là công cụ giúp cộng tác viên nghiên cứu lâu năm của cô Otto Hahn giành giải thưởng Nobel về hóa học năm 1944, đến nỗi nhiều nhà khoa học sau đó cho rằng thật không công bằng khi những đóng góp của bà không được Ủy ban Nobel công nhận. Meitner cũng là người ủng hộ việc sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình và thẳng thừng từ chối làm việc trong Dự án Manhattan vì cô cực lực phản đối việc sử dụng phân hạch để tạo ra bom nguyên tử.
Ngày nay, nhiều giải thưởng danh giá về vật lý được đặt tên để vinh danh Meitner và cô thậm chí còn có một nguyên tố hóa học - meitnerium - được đặt theo tên của cô.
Sally Ride (1951-2012)
Phi hành gia NASA Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên lên vũ trụ, trở thành chuyên gia truyền giáo trên tàu con thoi Challenger năm 1983. Ở tuổi 32, cô cũng là người Mỹ trẻ nhất rời khỏi bầu khí quyển. (Tuy nhiên, cô không phải là người phụ nữ đầu tiên đi vào vũ trụ - danh hiệu đó thuộc về nhà du hành vũ trụ Liên Xô Valentina Tereshkova.)
Sau thảm họa Challenger năm 1986, trong đó một vụ nổ xảy ra ngay sau khi cất cánh và cướp đi sinh mạng của bảy phi hành gia, Ride đã phục vụ trong Ủy ban Rogers, cơ quan điều tra thảm kịch này. Cô cũng đã giúp điều tra thảm họa tàu con thoi Columbia vào năm 2003, trong đó tàu con thoi tan rã khi nó quay trở lại bầu khí quyển, Ride trở thành người duy nhất phục vụ trong cả hai ủy ban điều tra.
Ride tiếp tục có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ khi vừa là một công chức nhà nước và là một giáo sư vật lý tại Đại học California, San Diego. Cô cũng thành lập "Sally Ride Science", một tổ chức truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi trong STEM, và cô đã viết một vài cuốn sách về kinh nghiệm của mình trong không gian để dạy trẻ em về khoa học.
Tu Youyou (1930-nay)
Phát hiện của nhà hóa học dược phẩm Tu Youyou về một phương pháp điều trị sốt rét mới đã cứu sống hàng triệu người. Tu, người đã nghiên cứu các loại thuốc thảo dược và thảo dược truyền thống của Trung Quốc, đã tìm thấy một tài liệu tham khảo trong các văn bản y học cổ đại về việc sử dụng cây ngải ngọt để điều trị sốt ngắt quãng - một triệu chứng của bệnh sốt rét.
Tu và nhóm nghiên cứu của cô đã có thể trích xuất một chất ức chế sốt rét được gọi là artemisinin (hay qinghaosu trong tiếng Trung Quốc) từ cây ngải. Cô thậm chí còn tình nguyện trở thành người đầu tiên thử nghiệm chất này. Kể từ khi cô phát hiện ra artemisinin vào những năm 1970, thuốc chống sốt rét dựa trên chất này đã cứu sống hàng triệu người.
Tu hiện là nhà khoa học trưởng tại Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc - một vị trí mà cô đạt được mà không cần bằng y khoa, tiến sĩ hoặc đào tạo nghiên cứu ở nước ngoài. Cô đã giành giải thưởng Nobel về sinh lý học hoặc y học năm 2015 nhờ khám phá của mình, được coi là "Phương pháp điều trị bằng dược phẩm quan trọng nhất trong nửa thế kỷ qua" của Lasker Foundation cho nghiên cứu y học.
Maria Winkelmann (1670-1720)
Maria Winkelmann là người tiên phong trong thiên văn học Đức. Năm 1902, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra một sao chổi mới. Đáng buồn thay, chồng cô Gottfried Kirch đã công bố phát hiện này bằng tên riêng của mình và không công khai tiết lộ vợ mình mới là người thực sự của phát hiện sao chổi cho đến nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên, Winkelmann vẫn được công nhận rộng rãi là một nhà khoa học tài ba trong thời đại của cô, những nghiên cứu và quan sát của cô về hố đen, Aurora Borealis và sao chổi được đánh giá cao. Cô cũng đảm nhận vai trò tích cực trong việc cải thiện Viện hàn lâm Khoa học Berlin, nơi chồng cô là nhà thiên văn học chính.
Nhưng nhiều năm sau, Học viện đã tìm cách loại trừ cô. Khi làm trợ lý cho con trai của cô tại Đài thiên văn Berlin, các thành viên của Học viện phàn nàn rằng cô đã đảm nhận vai trò quá nổi bật và buộc cô phải nghỉ hưu - chấm dứt sự nghiệp thiên văn vào năm 1716, ở tuổi 46.
Chien-Shiung Wu (1912-1997)
Nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa Chien-Shiung Wu được cho là đã bác bỏ một trong những định luật vật lý cơ bản, được gọi là bảo tồn tính chẵn lẻ. Trước công trình của Wu, các định luật vật lý đã tuyên bố rằng tất cả các vật thể và hình ảnh phản chiếu của chúng hoạt động theo cùng một cách, đối xứng, có nghĩa là thiên nhiên không thể phân biệt giữa phải và trái. Nghiên cứu đột phá của Wu đã tiết lộ rằng trong quá trình phân rã phóng xạ, các hạt nhân phân rã giống hệt nhau không phải lúc nào cũng hoạt động đối xứng.
Cô tham gia làm việc cho Dự án Manhattan, giúp phát triển quy trình tách kim loại uranium và phát triển các công cụ để đo bức xạ hạt nhân.
Năm 1973, Wu trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ và năm 1975, cô nhận được Huân chương Khoa học Quốc gia. Cuốn sách "Beta Decay" của cô vẫn là một cuốn sách giáo khoa tiêu chuẩn cho sinh viên vật lý hạt nhân.
Cơ quan Vũ trụ Nga ra mắt bộ lịch táo bạo về nữ giới
Bộ lịch được vẽ theo phong cách pin-up với hình ảnh các cô gái gợi cảm đang thu hút chú ý.