Phận đời những cô gái Việt tại Ả Rập: 7 tháng địa ngục tưởng không có đường về

Giang kể bị hành hạ, bỏ đói, làm việc đến kiệt sức, quỵt lương… tôi hỏi tại sao không kêu cứu? Và tôi lại được nghe thêm những sự thật đau đớn.

Nghe chị gái gọi điện khẩn, tôi vội chạy đến.

Chị khóc. Chìa cho tôi xem tin nhắn của đứa cháu ngoại 17 tuổi, đang sống với bố nó trong Sài Gòn: “Bà ơi, cứu mẹ cháu với!”. Chị bảo con Bống xem trộm điện thoại của ba nó. Mẹ nó nhắn tin từ Ả Rập Xê Út về, nói là bị chủ đánh dã man lắm. Mẹ nó cầu xin ba nó đem 3.000 đô-la ra công ty môi giới xuất khẩu lao động để chuộc mẹ nó về…”.

Đấy là đang nói về con gái chị, cái Giang, 41 tuổi, vừa đi làm giúp việc gia đình ở Ả Rập Xê Út được vài tháng, thời hạn 2 năm.

Khi biết tin Giang đi xuất khẩu lao động sang Trung Đông tôi vô cùng sửng sốt. Sau này tôi biết Giang chẳng còn lựa chọn nào khác vào thời điểm ấy. Thế là đi, đi đâu cũng được.

Làm việc được 7 tháng Giang trốn về được. Đó là hành trình khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi. Tôi cảm thấy mình không đủ ngôn từ để thuật lại những gì Giang đã trải qua. Tôi khuyến khích Giang viết một cuốn tự truyện về thời gian sống và làm việc tại Ả Rập Xê Út. Điều đó vừa giúp cô giải tỏa những ám ảnh, đồng thời có thể giúp nhiều phụ nữ Việt Nam khác tránh sa vào cảnh địa ngục trần gian đó.

Ảnh minh họa (shutterstock)
Ảnh minh họa (shutterstock)

Xin trích đoạn mở đầu của cuốn sách.

“Tôi đến Ha’il vào ngày... Đó là một chuyến bay dài và mệt mỏi từ Sài Gòn cùng với 4 người khác. Chúng tôi quá cảnh ở Quatar chừng hơn 1h rồi bay tiếp. Ả Rập Xê Út đang vào đông, cái lạnh tê tái làm mũi tôi đông cứng. Đại lý trung gian ở Sài Gòn nói rằng tới Ả Rập thì đại lý môi giới bên này sẽ tới rước và đưa chúng tôi tới tận nơi làm việc ký trong hợp đồng tại Việt Nam.

Thực tế phũ phàng hơn tất cả những gì tôi có thể tưởng tượng ra.

Không có lời cảnh báo nào về việc bạn sẽ bị cưỡng hiếp.

Chẳng có lời nào cho bạn biết bạn sẽ bị biến thành nô lệ.

Và không có đường trở về.

Tới sân bay Riyadh lúc 7h sáng theo giờ địa phương, chúng tôi lập tức bị lùa vào một cánh cửa riêng bên khu nhập cảnh. Bước vào hành lang bên hông cửa, cảnh tượng một hàng dài rất dài những phụ nữ bẩn thỉu ngồi bệt dưới sàn với những ba lô, túi xách đập vào mắt làm tôi choáng váng. Họ chia thành nhiều nhóm ngồi tách biệt. Trên tay những người đầu hàng cầm những tấm bảng ghi bằng mực đen: SRILANKA, INDIA, PHILIPPINE, BANGLADESH và VIET NAM.

Chừng hơn chục nữ cảnh sát trùm mạng kín mít chỉ hở 2 con mắt liên tục cầm roi chỉ vào đám người và gọi bằng tiếng Ả Rập. Vài người đứng lên bước vào một căn phòng cạnh đó, những nhóm còn lại bị đưa trở lại vào những phòng ở phía cuối hành lang.

Điện thoại thì hết pin và cũng không có sim. Lúc còn ngồi ngoài sảnh nhập cảnh, tôi thấy có vài người da đen làm vệ sinh đi lảng vảng sát gần chúng tôi và hỏi bằng tiếng Anh: “10$,10$, lấy không?”. Tôi lắc đầu vì chẳng hiểu họ bán cái gì. Mãi sau này tôi mới biết họ bán sim chui cho những người như chúng tôi để kiếm thêm. Mà nếu mua sim thì tôi cũng không biết sẽ phải nói gì với đại lý tại Việt Nam nữa. Biết nói gì khi tôi đã hiểu lý do họ đưa chúng tôi tới tận sân bay và đứng đợi cho tới khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh xong, điện thoại ra là bắt đầu lên máy bay thì họ mới dám trở về.

Đói mềm, rét run, đám phụ nữ Việt túm tụm lại một góc. Có một chị mặc một chiếc áo lông màu vàng, đi đôi bốt đỏ chói chửi oang oang vào cái điện thoại cục gạch: “Tiên sư cha chúng mày chứ, chúng mày lừa bà sang đây gần một tuần rồi mà vẫn chưa ai đón là thế nào? Bà biết thế này bà ở nhà bán thịt cũng giả xong nợ. Nghe chúng mày dỗ đi kiếm được nhiều tiền lắm mà giờ nằm vạ vật ở đây, bảo chúng mày cho về chúng mày cứ tắt điện thoại không nghe là thế nào? Bà gọi quân khu nhà bà kéo lên công ty phá nát công ty chúng mày ra bây giờ…”.

Còn định chửi tiếp nhưng rồi chị ta nhìn vào cục gạch trong tay: “Bố chúng nó, mua sim mới để gọi chúng nó mới chịu nghe mà chúng nó lại tắt luôn rồi này”.

Tôi hỏi: “Chị ơi chị quê ở đâu?”. Chị ta nhìn tôi: Bắc Giang. Cả tuần chờ ở cái chuồng lợn này rôi mà chưa ai rước đây. Em mới sang à?

Tôi gật. Đầu óc quay cuồng, hoang mang.

Khoảng gần trưa chúng tôi được phát đồ ăn. Một hộp cơm cà ri và 2 miếng trứng tanh lợm giọng. Tôi bỏ chạy vào nhà vệ sinh. Một đống  hỗn hợp băng vệ sinh, đờm và giấy đầy lối đi. Mùi nước tiểu xộc lên tận óc. Gần như muốn ngất lịm vì tụt huyết áp, tôi quay trở vào nằm lăn ra đất và chìm đi.

Tiếng còi rít lên, người ê ẩm và chưa hiểu chuyện gì thì cô bé đi cùng chuyến lay lay tôi: “Chị ơi, dậy đi, người ta kêu Việt Nam ra xếp hàng kìa”. Cầm ba lô quần áo, tôi theo cô bé bước ra hành lang. Một người phụ nữ to béo tiến đến: “Viet Nam,Viet Nam?”. Chúng tôi gật. Bà ta ngoắc tay chỉ vào căn phòng đầu khu nhà. Tôi bước vào trước. Căn phòng nhỏ xiu có hai người phụ nữ che mạng với chiếc áo choàng đen quét đất. Một người ra hiệu cho tôi cởi áo ra. Tôi hỏi bằng tiếng Anh: “Cô muốn tôi cởi áo phải không?”. Lập tức người kia vụt một nhát vào mông tôi và lấy cây gậy thọc ngược áo tôi lên. Quá hốt hoảng, tôi lột hết đồ, run cầm cập. Họ sờ nắn khắp người tôi rồi ra hiệu mặc lại quần áo, đi ra ngoài.

Cứ vậy nhóm Việt Nam được kiểm tra khá nhanh. Chị Bắc Giang lầm bầm, kiểm mẹ chúng mày mà kiểm lắm thế, rồi bà cũng có được ai đón đi đâu. Tôi quay mặt đi không biết còn phải chịu đựng bao nhiêu lâu trong tình trạng khủng khiếp như thế này.

Hóa ra những phút giây ấy lại là những phút sung sướng nhất khi tôi đặt chân tới đất nước của vị thần đèn mơ ước”...

Khi nghe Giang kể đến tình trạng bị hành hạ, bị bỏ đói, bị làm việc đến kiệt sức, bị quỵt lương… tôi hỏi tại sao chị em không kêu cứu? Và tôi lại được nghe thêm những sự thật đau đớn.

“Mọi điều khoản kí trong hợp đồng tại VN khi sang tới bên kia đều trở thành vô nghĩa. Ở đó chủ nhà là luật. Đừng hòng kêu cứu, vì văn phòng đại diện tại Ả Rập sẽ làm ngơ, và văn phòng tại Việt Nam sẽ không bao giờ và không đời nào giúp cho bất kì lao động nào về nước.

Tụi cháu phát hiện ra cứ một lao động còn làm việc tại Ả Rập thì bên văn phòng đại diện cả ở Ả Rập và ở VN đều lĩnh 2/3 số lương của tụi cháu. Vì thế chủ mới bóc lột đến kiệt cùng sức lao động của người giúp việc. Nhưng những điều này không ghi vào văn bản nên nếu có nói ra cũng sẽ bị chối bay. Văn phòng đại diện để làm gì? Để đảm bảo lao động không thể trốn về. Thế thôi.

Khi cháu đổi chủ vì bị hiếp hụt, ông chủ đã hét lên: Tao phải trả 16.000 riyah để lo visa và vé máy bay với trả tiền môi giới để đưa mày sang đây, mỗi tháng tao phải trả gần 4.000 riyah tiền lương cho mày. Giờ mày tố tao rồi đổi đi tao sẽ không được đền bù đứa giúp việc khác, mày phải ở lại! Lúc đó cháu mới ớ ra vì tất cả lương lao động đồng loạt kí trong hợp đồng là 1.300 riyah.

Kí hợp đồng 2 năm, nhưng nếu đổi chủ, bất kể đã làm bao lâu với chủ cũ thì sang chủ mới hợp đồng bị tính lại từ ngày đầu. Vì vậy dù bị đánh đập, bỏ đói, làm việc quần quật, không ai muốn đổi chủ và chấp nhận cố chịu để hết hợp đồng về. Và nếu đổi chủ nhiều thì chủ mới sẽ đặt câu hỏi vì sao mà lại bị đổi nhiều thế, và họ sẽ càng cay nghiệt hơn với những lao động qua nhiều đời chủ.

Cháu không hề biết điều này cho đến khi cháu đổi chủ lần thứ ba và bị đối xử như một con chó đúng nghĩa đen thì một chị người Philipines làm cùng nhà mới nói cháu biết. Mọi quyền lợi kí trong hợp đồng ở VN sang đó đều bị tước bỏ sạch sành sanh.

Các bộ, ngành chức năng biết thừa nhưng vẫn để các công ty môi giới đưa người đi. Hầu như không thể tìm thấy thông tin người lao động kêu cứu mà họ đứng ra giải quyết. Vì nếu giải quyết cho một trường hợp, tạo tiền lệ thì họ sẽ phải giải quyết và đưa về tới 90% trường hợp lao động VN tại Ả Rập. Vì vậy họ làm ngơ tất.

Cháu định nuốt đi cho xong. Nhưng rồi khi khơi ra, mọi thứ lại bùng lên. Cái bóng áo abaiya đen ngòm đứng đạp chân vào mặt cháu, rồi bật tay huýt sáo bắt cháu đứng lên để mụ ấy tát. Chỉ vì cháu làm đổ nồi nước hầm gà… Nhiều cực kì những chuyện kinh khủng.

Ví dụ ngâm chân trong phân gà và chuột chết ở trang trại để dọn chuồng; hay bê những cọc bê tông dưới cái nắng gần 50°C từ 9h sáng đến 7h tối để xây chuồng nuôi cừu; hoặc tắm trong phân thỏ để đuổi bắt bọn nó lựa giống nuôi; về đến nhà gần 10h đêm lại vục vào nấu ăn tối cho chủ nhà, có khi phục vụ cả chục người một lúc. Gần 4h sáng họ ăn xong mới được lên ngủ. 6h lại dậy rồi. Triền miên như thế đến mức tóc bạc trắng mà không biết...”.

Kể chuyện xong, Giang vạch áo cho tôi xem, trên người nó còn đầy những vết sẹo. Tôi khóc. Nó an ủi: “Về được là may mắn hạnh phúc lắm rồi dì ạ. Ở nhà kiếm việc thu nhập 7- 8 triệu/tháng với cháu giờ không khó. Chỉ thương những chị em không biết, vẫn tiếp tục bị các công ty môi giới lừa bán đi làm nô lệ nơi xứ người”…

Phương Dung

Lao động nữ di cư dễ bị tổn thương hơn nếu bị bạo lực, lạm dụng và bóc lột

Lao động nữ di cư dễ bị tổn thương hơn nếu bị bạo lực, lạm dụng và bóc lột

Ngày 2/10, Hội thảo tập huấn “Ứng phó bạo lực đối với lao động nữ di cư dành cho cán bộ ngoại giao” đã khai mạc tại Hà Nội.