Phát hiện bản năng hồi sức đồng loại bất tỉnh của chuột

Chuột khỏe mạnh chăm sóc cho đồng loại bị gây mê bằng cách ngửi, liếm lông, kéo lưỡi ra để mở rộng đường thở.

Nghiên cứu mới từ Đại học Nam California (USC) đã phát hiện chuột trong phòng thí nghiệm có hành vi cố gắng hồi sức cho đồng loại bất tỉnh, cho thấy bản năng chăm sóc có thể phổ biến hơn trong vương quốc động vật so với những gì khoa học từng biết.

Theo tạp chí Science, nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Li Zhang dẫn đầu đã ghi lại phản ứng của chuột trước những “bạn cùng phòng” bị gây mê. Kết quả cho thấy, trong khoảng thời gian quan sát kéo dài 13 phút, chuột dành trung bình 47% thời gian để tương tác với đồng loại bất tỉnh. Ba hành vi phổ biến được ghi nhận gồm: ngửi, liếm lông và tương tác cơ thể.

Phát hiện bản năng hồi sức đồng loại bất tỉnh của chuột

Đặc biệt, khi tiếp xúc với miệng của đồng loại, chuột thường liếm mắt, cắn nhẹ vùng miệng và kéo lưỡi ra ngoài trong hơn 50% trường hợp, dường như nhằm mở rộng đường thở. Một thí nghiệm khác càng củng cố giả thuyết này: khi các nhà nghiên cứu đặt một quả bóng nhựa không độc hại vào miệng chuột bất tỉnh, chuột khỏe mạnh đã thành công loại bỏ vật thể trong 80% trường hợp.

"Chúng tôi tin rằng nếu kéo dài thời gian quan sát, tỷ lệ thành công có thể còn cao hơn", chuyên gia Huizhong Tao từ USC nhận định.

Nghiên cứu cũng cho thấy chuột có xu hướng chăm sóc đồng loại mà chúng quen biết từ trước, và những con được chăm sóc có khả năng hồi tỉnh nhanh hơn. Đặc biệt, khi con chuột bất tỉnh trước đó bắt đầu có thể di chuyển, chuột khỏe mạnh cũng ngừng chăm sóc, cho thấy khả năng nhận biết trạng thái của đồng loại.

Cơ chế thần kinh đằng sau hành vi này được cho là liên quan đến các tế bào thần kinh giải phóng hormone oxytocin trong vùng hạch hạnh nhân và vùng dưới đồi của não – những khu vực gắn liền với hành vi chăm sóc ở nhiều loài động vật có xương sống.

Nhà nghiên cứu Zhang cùng đồng nghiệp tin rằng đây là một hành vi bản năng, thay vì học tập, bởi tất cả những con chuột tham gia thí nghiệm đều chỉ mới 2 – 3 tháng tuổi và chưa từng chứng kiến hành vi này trước đó. Ông nhận định, những hành vi như vậy giúp tăng cường sự gắn kết nhóm và có thể phổ biến hơn ở các loài động vật có tính xã hội.

Phát hiện bản năng hồi sức đồng loại bất tỉnh của chuột

Dù việc quan sát hành vi chăm sóc này trong tự nhiên là rất khó, chuyên gia Cristina Márquez từ Trung tâm Khoa học thần kinh và Sinh học tế bào cho rằng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại. “Chuột là động vật bị săn mồi, sống đơn độc và thường tránh xa con người. Nhưng không nhìn thấy không có nghĩa là chúng không làm điều đó”, Márquez nhấn mạnh.

Phát hiện này mở ra góc nhìn mới về sự quan tâm và hỗ trợ giữa các loài động vật, đồng thời đặt ra câu hỏi về mức độ phổ biến của hành vi chăm sóc trong tự nhiên.

TM (theo New Scientist)

Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bằng cá và ruồi biến đổi gen

Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bằng cá và ruồi biến đổi gen

Thí nghiệm cho thấy độc chất thủy ngân đã được chuyển hóa và bốc hơi khỏi cơ thể các sinh vật này.