Người ta từng kỳ vọng rằng một khi Trung Quốc bãi bỏ các quy định hà khắc về phòng ngừa COVID-19, người tiêu dùng sẽ quay trở lại các trung tâm thương mại, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục, các nhà máy sẽ hoạt động trở lại, các cuộc đấu giá đất đai và doanh số bán nhà sẽ ổn định.
Tuy nhiên, thực tế là người mua sắm Trung Quốc đang tiết kiệm cho những "ngày mưa gió", các công ty nước ngoài đang rút tiền, các nhà sản xuất phải đối mặt với nhu cầu đang suy yếu từ phương Tây, tài chính của chính quyền địa phương chao đảo và các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ.
Những kỳ vọng tiêu tan đã phần nào minh chứng cho những người luôn nghi ngờ mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, thậm chí một số nhà kinh tế còn so sánh với ảo tưởng của Nhật Bản trước "những thập kỷ mất mát" trì trệ bắt đầu từ những năm 1990.
Những người hoài nghi về Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã thất bại trong việc chuyển nền kinh tế từ phát triển dựa vào xây dựng sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cách đây một thập kỷ, thời điểm mà lẽ ra họ phải làm như vậy. Kể từ đó, nợ đã vượt xa nền kinh tế, đến mức mà chính quyền địa phương và các công ty bất động sản hiện đang phải vật lộn để giải quyết.
Các nhà hoạch định chính sách cam kết trong năm nay sẽ tăng cường sức mua và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tài sản. Bắc Kinh đang hướng dẫn các ngân hàng cho vay nhiều hơn đối với lĩnh vực sản xuất cao cấp, chứ không phải bất động sản. Tuy nhiên, một lộ trình dài hạn cụ thể để xử lý nợ và tái cơ cấu nền kinh tế vẫn còn khó nắm bắt.
Dù Trung Quốc có đưa ra lựa chọn nào đi nữa, nước này cũng sẽ phải tính đến tình trạng dân số già đi và ngày càng thu hẹp cũng như môi trường địa chính trị khó khăn khi phương Tây ngày càng cảnh giác khi làm ăn với nền kinh tế số hai thế giới.
Tại sao điều này lại quan trọng
Trung Quốc có khả năng tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023, vượt xa nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bên dưới tiêu đề đó là thực tế Trung Quốc đầu tư hơn 40% sản lượng của mình - gấp đôi so với Mỹ, cho thấy phần lớn trong số đó là không hiệu quả.
Điều đó có nghĩa là nhiều người Trung Quốc không cảm nhận được sự tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 21% trong tháng 6/2023, số liệu cuối cùng trước khi Trung Quốc ngừng đưa ra các báo cáo.
Những sinh viên tốt nghiệp đại học trong các ngành liên quan đến nền kinh tế tiên tiến hiện đang đảm nhận những vị trí có kỹ năng thấp để kiếm sống, trong khi những người khác phải chứng kiến mức lương của họ bị cắt giảm.
Trong một nền kinh tế mà 70% tài sản hộ gia đình được đầu tư vào bất động sản, các chủ sở hữu nhà đang cảm thấy nghèo hơn. Ngay cả ở một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế, lĩnh vực xe điện, cuộc chiến giá cả đang gây thiệt hại cho các nhà cung cấp và người lao động.
Các nhà phân tích cho rằng chủ nghĩa bi quan trong nước có thể đặt ra những rủi ro về ổn định xã hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái kiểu Nhật Bản, nước này sẽ vấp phải điều này trước khi đạt được mức phát triển như Nhật Bản đã đạt được.
Điều đó sẽ được cảm nhận rộng rãi vì hầu hết các ngành công nghiệp toàn cầu đều phụ thuộc đáng kể vào các nhà cung cấp ở Trung Quốc. Châu Phi và châu Mỹ Latin trông cậy vào việc Trung Quốc mua hàng hóa của họ và tài trợ cho quá trình công nghiệp hóa của họ.
Ý nghĩa của những điều này đối với năm 2024
Những vấn đề của Trung Quốc khiến nước này có rất ít thời gian trước khi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Các nhà hoạch định chính sách mong muốn thay đổi cơ cấu nền kinh tế, nhưng việc cải cách ở Trung Quốc luôn là điều không dễ dàng.
Nỗ lực tăng cường phúc lợi cho hàng trăm triệu lao động nhập cư từ nông thôn, những người có thể - theo một số ước tính - tăng thêm 1,7% GDP trong tiêu dùng hộ gia đình nếu họ được tiếp cận các dịch vụ công tương tự như cư dân thành thị, đã bị đình trệ do lo ngại về ổn định xã hội và chi phí. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề về tài sản và nợ nần cũng gặp phải những lo ngại tương tự.
Ai trả tiền cho khoản đầu tư xấu của họ? Ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền trung ương, doanh nghiệp hay hộ gia đình? Các nhà kinh tế cho rằng bất kỳ lựa chọn nào trong số đó đều có thể đồng nghĩa với việc tăng trưởng trong tương lai sẽ giảm.
Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc có vẻ do dự khi đưa ra những lựa chọn hy sinh tăng trưởng để đổi lấy cải cách. Các cố vấn chính phủ đang kêu gọi đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm tới. Mặc dù điều đó phù hợp với mục tiêu năm 2023, nhưng nó sẽ không có được sự so sánh khả quan hằng năm, tương tự với sự sụt giảm do các đợt đóng cửa năm 2022 gây ra.
Mục tiêu như vậy có thể đẩy nước này vào tình trạng nợ nần nhiều hơn - kiểu nới lỏng tài chính đã khiến Moody's hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc xuống mức âm trong tháng này, đẩy chứng khoán Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Số tiền đó được chi vào đâu sẽ cho chúng ta biết liệu Bắc Kinh có đang thay đổi cách tiếp cận hay nhân đôi mô hình tăng trưởng mà nhiều người lo ngại là có đi đúng hướng hay không.
(Nguồn: TTXVN/Reuters)